Một cuốn sách êm đềm, nhẹ nhàng viết về thế giới của những người con nước Nga bình dị, đôn hậu và lóng lánh chất thơ. Những câu chuyện viết ra không có những câu văn cao vời, uốn lượn, không có những triết lý sâu xa, bằng lối viết giản dị, dịu dàng, đầy chất thơ, Pautopxki đã khắc sâu vào trong lòng người đọc những tình cảm giữa cha mẹ với con, tình yêu đôi lứa, tình làng nghĩa xóm… của con người nước Nga những năm đầu thế kỷ trước. Trong đó, ngay cả nỗi buồn cũng trong trẻo và lãng mạn, đẹp như một bản thánh ca du dương. Thông qua tác phẩm đầy tính nhân văn này, Paustovski nhắc nhở chúng ta về những điều đẹp đẽ, những hạnh phú giản đơn mà chúng ta đã vô tình lãng quên trong cuộc sống vội vã của mình.
K. G. Paustovsky là một giọng văn lạ. Lạ trong cái bình thường. Pauxtopxki không đề cập đến những vấn đề quá to lớn, và có lẽ đó không phải cái “tạng” của ông. Khi “nhấm nháp” từng truyện ngắn của ông, là chúng ta đang thưởng thức niềm vui, những suy tư rất giản dị, đời thường. Truyện ngắn của ông hầu như không có cốt truyện. Khi đọc xong một tác phẩm, bạn khó có thể kể lại nội dung câu chuyện một cách hay ho. Nhưng mỗi truyện ngắn được ông viết ra đều hết sức tuyệt vời, khiến cho ta có cảm giác như chúng được viết sinh ra từ chính sự rung động sâu sắc của con tim tác giả. Hình ảnh về cuộc chia tay đầy xao xuyến của hai người mới quen trong một trong một buổi bình minh mưa – một chi tiết trong “ Bình minh mưa” là một cái đẹp đầy ám ảnh, đôi khi bạn sẽ ngạc nhiên tự hỏi tại sao trong những cái bình dị của cuộc sống ấy khi vào văn chương của ông lại lấp lánh đến nhường đó? Ông đã tạo ra thứ văn chương đẹp và trong vắt, nó làm tâm hồn chúng ta đẹp hơn, yêu những gì mà chúng ta đang có – đó là niềm vui được sống và tận hưởng hạnh phúc trần thế. Một điều quan trọng khác đó là văn chương của Pautopxki đầy tính hướng thiện, nó giúp người đọc muốn tự hoàn thiện mình để góp phần làm cuộc sống này thêm tốt đẹp lên. Hãy đón đọc “ Bình minh mưa” của tác giả Pauxtopxki để được sống chậm lại và cảm nhân cái thi vị của cuộc sống đời thường.
Samet sống trong một túp lều ở ngoại thành. Tất nhiên, có thể tả tỉ mỉ khu ngoại ô song như vậy sẽ đưa độc giả ra ngoài lề câu chuyện. Thiết tưởng chỉ cần nhắc lại rằng, đến nay, ở những khu ngoại thành Pari, vẫn còn lại những tường thành cổ bằng đất cũng đủ. Vào khoảng thời gian xảy ra câu chuyện, những bụi hoa kim ngân và sơn trà vẫn mọc um tùm trên tường thành và chim chóc làm tổ trong những bụi đó.
Túp lều của anh thợ quét rác nằm ép sát vào chân tường thành phía bắc, kề bên những ngôi nhà nhỏ bé của các bác hàng thiếc, các bác thợ giày, những người đi nhặt mẩu thuốc lá và những người ăn xin.
Nếu như Môpatxăng để ý đến cuộc sống của những người cư trú trong những túp lều nọ, hẳn ông đã viết thêm được một số truyện ngắn tuyệt haỵ Có khi chúng sẽ làm cho vinh quang vốn đã rực rỡ của ông thêm nhiều ánh lấp lánh mới.
Đáng tiếc là không một người ngoài cuộc nào để mắt đến những nơi ấy, trừ lũ mật thám. Mà bọn này cũng chỉ ló mặt tới đấy trong trường hợp phải đi lùng kiếm đồ vật mất trộm.
Bằng vào biệt hiệu “Gõ kiến” mà hàng xóm láng giềng đặt cho Samet, ta phải hình dung anh là một người gầy gò, mũi nhọn và dưới vành mũ bao giờ cũng lủng lẳng một mớ tóc giống như mào chim.
Trước kia, Samet đã từng được sống những ngày sung sướng. Anh đăng lính trong quân đội của “Tiểu Napôlêông” trong thời gian chiến tranh ở Mêhicô.
Samet gặp may. Anh bị sốt rét nặng ở Vera-Krux. Anh lính ốm yếu chưa từng qua một trận đọ súng thật sự nào liền được gửi về nước. Viên chỉ huy trung đoàn nhân dịp bèn nhờ Samet đưa đứa con gái lên tám của ông tên là Xuyzan về Pháp.
Viên chỉ huy goá vợ, vì thế đi đâu ông cũng phải đèo bòng con gái theo. Nhưng lần này ông quyết định tạm xa con và gửi nó về cho người chị ở Ruăng. Khí hậu ở Mêhicô rất độc đối với trẻ con Âu. Thêm vào đó, cuộc chiến tranh du kích hỗn độn ở đây chẳng thiếu gì những nguy hiểm bất ngờ.
Mời các bạn đón đọc Bụi Quý của tác giả Konstantin Georgiyevich Paustovsky.