Cuốn sách Bọn rợ rình ở cổng là câu chuyện có thật về cuộc chiến giành quyền kiểm soát công ty bánh quy và Mỹ – RJR Nabisco – nhà sản xuất bánh quy Oreo và RJ Reynolds.
Nội dung chính nói về việc mua lại có đòn bẩy (LBO) của tập đoàn RJR Nabisco với nhịp độ nhanh chóng và chi tiết, bao gồm cả những cuộc hội thoại riêng cũng như trong phòng họp giữa các CEO của các công ty. Cuốn sách thể hiện lòng tham đáng kinh ngạc của các chủ ngân hàng đầu tư, nhà quản lý công ty, nhà đầu tư cổ phần tư nhân, các cổ đông… Việc mua lại diễn ra được mở đầu bằng một cuộc chiến đấu thầu giữa ban lãnh đạo (do CEO Ross Johnson dẫn đầu), KKR, công ty cổ phần tư nhân lâu đời, và một số người chơi “nhỏ hơn”.
Việc mua lại có đòn bẩy thường khiến công ty bị mua lại phải gánh rất nhiều nợ, đòi hỏi các nhà quản lý phải cắt giảm chi phí (thường bao gồm cả nhân sự) – đó là lý do tại sao những điều này không được nhân viên, công chúng và giới báo chí ưa chuộng. Khoản mua lại trị giá 25 tỷ đô la này, mà cuối cùng KKR đã giành được bởi cũng không khác gì, đặc biệt vì đây là LBO lớn nhất tại thời điểm đó.
Những người phản đối nỗ lực mua lại công ty của Johnson, Henry Kravis và anh họ của ông ta là George R. Roberts, là những người tiên phong trong việc mua lại có đòn bẩy (LBO). Kravis là người đầu tiên mà Johnson nói chuyện về việc thực hiện LBO và cảm thấy bị phản bội sau khi biết rằng Johnson muốn thực hiện thỏa thuận với một công ty khác, bộ phận Shearson Lehman Hutton trước đây của American Express. Ted Forstmann và công ty mua lại Forstmann Little của ông cũng đóng một vai trò quan trọng.
Khi lên nắm quyền điều hành RJR Nabisco và thấy giá cổ phiếu của công ty đang trì trệ, Ross Johnson đã tìm cách để có được giá trị lớn hơn cho các cổ đông của mình và cuối cùng đã được các cố vấn ngân hàng đầu tư (của Lehman Brothers) thuyết phục rằng ông nên thực hiện một vụ mua lại có đòn bẩy. Và ngay sau khi giá thầu được công bố, các nhà thầu cho công ty đã xuất hiện. KKR đã trở thành con mồi đầu tiên của LBO. Hầu như tất cả các ngân hàng đầu tư lớn đều tham gia với tư cách là cố vấn cho thương vụ này. Một số nhân vật quan trọng trong giới tài chính xuất hiện. Bruce Wasserstein, CEO của Lazard đã tham gia, cùng với Joe Perella, Eric Gleacher, Tom Hill.
Sau khi Kravis và Johnson không thể dung hòa được sự khác biệt của họ, một cuộc chiến đấu thầu đã diễn ra mà cuối cùng Johnson sẽ thua. Tác dụng phụ đáng tiếc của việc tăng giá mua đối với các cổ đông là tạo ra mức nợ đáng lo ngại cho công ty.
Cuốn sách bắt đầu chậm rãi với hơn 300 trang xây dựng bối cảnh cho các nhân vật chính và mô tả lịch sử của RJR Nabisco. Sau đó, nó đẩy nhanh tốc độ và sự kịch tính qua các cuộc hội thoại, thời gian và giọng điệu của nhân vật.
Đánh giá của chuyên gia, tổ chức uy tín về cuốn sách cùng các giải thưởng
“Một trong những cuốn sách kinh doanh tuyệt vời nhất từng được biết tới…” — Joe Nocera, New York Times
“Một tác phẩm xuất sắc, tái hiện câu chuyện với quy mô ấn tượng… Lối viết hoa mỹ… bố cục chặt chẽ từ đầu đến cuối.” — Scot J. Paltrow, Los Angeles Times Book Review
“Nội dung rất ấn tượng… bối cảnh đặc sắc… một tác phẩm có chất liệu điện ảnh nhưng cũng là cuốn sách được viết cực kỳ công phu.” — KeN auletta, New York Daily News
“Thật khó để hình dung ra một cuốn sách hay hơn, lột tả hết bản chất của bối cảnh kinh tế những năm 1980… và cũng khó tưởng tượng ra một ai đó có tài viết lách hơn Burrough và Helyar.” — Bill BarNhart, Chicago Tribune
***
Hẳn là nhiều người vẫn còn nhớ đến cuộc chiến giành quyền kiểm soát công ty bánh kẹo và thuốc lá Mỹ – RJR Nabisco – nhà sản xuất bánh quy Oreo và thuốc lá RJ Reynolds gây rúng động Phố Wall hơn 30 năm về trước. Việc sáp nhập bắt đầu với quyết định thực hiện mua lại có đòn bẩy (LBO – Leveraged Buyout) của CEO Ross Johnson và kết thúc với chiến thắng trị giá 25 tỷ đô la của công ty cổ phần tư nhân lâu đời KKR, LBO lớn nhất tại thời điểm đó.
Toàn bộ những diễn biến của thương vụ đình đám này được Bryan Burrough và John Helyar tái hiện một cách hết sức chân thật trong cuốn tiểu thuyết kinh doanh kinh điển Bọn Rợ Rình Trước Cổng. Đây là cuốn sách đầu tiên cho chúng ta thấy rõ thực hư về những sự kiện gây chấn động một thời, nó đã được chuyển thể thành phim chiếu trên kênh HBO vào năm 1993 và phim tài liệu chiếu trên kênh History vào năm 2002.
Bằng sự chuyên nghiệp và thấm nhuần các chuẩn mực về tính thời sự, tính chính xác khi làm việc cho tờ Wall Street Journal, hai tác giả đã không bỏ sót bất cứ chi tiết nào dù là nhỏ nhất, bao gồm cả những cuộc hội thoại riêng cũng như những bí mật trong phòng họp giữa các CEO của các công ty.
Bắt đầu chậm rãi với hơn 300 trang xây dựng bối cảnh cho các nhân vật chính và mô tả lịch sử của RJR Nabisco, sau đó đẩy nhanh tốc độ và sự kịch tính qua các cuộc hội thoại, thời gian và giọng điệu của nhân vật, cuốn sách này sẽ khiến chúng ta phải kinh ngạc vì những mánh khóe, thủ đoạn, lòng tham không đáy của các chủ ngân hàng đầu tư, nhà quản lý công ty, nhà đầu tư cổ phần tư nhân, các cổ đông…
Được New York Times Book Review đánh giá là “Một trong những bản tường thuật hay nhất, hấp dẫn nhất về những gì đã xảy ra với các công ty Mỹ và Phố Wall vào những năm 1980”, qua cuốn sách, độc giả sẽ hiểu rõ hơn về các rủi ro khi thực hiện LBO, những sai lầm có thể khiến cả doanh nghiệp lớn sụp đổ trong nháy mắt. Từ đó, rút ra kinh nghiệm cho bản thân. Không những vậy, thất bại của CEO Ross Johnson và hàng loạt nhân vật tiếng tăm trong giới kinh doanh đã trở thành những tấm gương, những bài học đắt giá về cái tâm, cái tầm của các nhà lãnh đạo trên toàn thế giới.
Bài học thứ nhất: Bất kỳ thành quách kiên cố nào cũng đều có thể bị phá huỷ từ bên trong, và người dễ dàng làm điều đó nhất, ít bị đề phòng nhất chính là lãnh đạo, chỉ huy của tòa thành ấy. Việc trao quyền cho nhầm người khi không có cơ chế kiểm soát đủ hiệu quả sẽ là nguy cơ tiềm ẩn khôn lường cho doanh nghiệp.
Bài học thứ hai: Quyền lực tuyệt đối sẽ dẫn đến sự sa đọa tuyệt đối. Khi người lãnh đạo có được những thứ mình muốn quá dễ dàng thì sẽ dễ bị lạc hướng, chìm vào trong những mưu toan, thủ đoạn trục lợi. Vì thế cuốn sách này sẽ bài học về quản trị nhân sự, tuyển dụng nhân tài sao cho vừa phù hợp, vừa hiệu quả, vừa bền vững.
Bài học thứ ba: Thành công của một lãnh đạo không chỉ là xây dựng và phát triển một đội ngũ đủ sức đạt được những thành tích xuất sắc trong nhiệm kỳ của mình mà còn phải tạo ra những người lãnh đạo kế nhiệm đủ tầm khác.
Bài học thứ tư: Văn hóa của một doanh nghiệp là cực kỳ quan trọng cho sự phát triển và trường tồn trong một doanh nghiệp. Câu chuyện về văn hóa doanh nghiệp của Reynolds là một ví dụ không thể thuyết phục hơn.
Bài học thứ năm: Cần hơn nữa những ý thức và cam kết với các giá trị cốt lõi và bổ sung thường xuyên của những động lực phát triển mới cho doanh nghiệp.
Bọn Rợ Rình Trước Cổng – Bài học đắt giá giành cho những nhà quản lý
Đây không chỉ là cuốn sách khiến người đọc phải ngạc nhiên, tò mò với những thủ thuật tài chính, mua bán sáp nhập hiện đại và nguy hiểm, mà còn là cuốn sách những người lãnh đạo doanh nghiệp đang trăn trở về cách thức quản trị tổ chức hiệu quả nhất định không thể bỏ qua.
***
Bryan Burrough là đặc phái viên của Vanity Fair và cựu phóng viên của The Wall Street Journal, ông đã báo cáo về nhiều chủ đề, bao gồm các sự kiện dẫn đến cuộc chiến ở Iraq, sự mất tích của Natalee Holloway và vụ Anthony Pellicano. Bryan còn là tác giả của nhiều bài phê bình sách và bài báo trên The New York Times, Los Angeles Times và Washington Post.
John Helyar là một nhà báo và tác giả người Mỹ. Ông tốt nghiệp Đại học Boston và đã làm việc cho The Wall Street Journal, Fortune, ESPN.com, ESPN The Magazine và Bloomberg News. Bài viết của ông và Bryan Burrough về RJR Nabisco đã mang về cho cả hai giải thưởng danh giá Gerald Loeb.
***
cho bản tiếng Việt
1
Bất kỳ thành quách hay pháo đài kiên cố nào cũng đều có thể bị phá hủy từ bên trong. Và người thuận lợi nhất, dễ dàng nhất, ít bị đề phòng nhất để phá hủy lại chính là người lãnh đạo của cái pháo đài ấy.
Đây không chỉ là cuốn sách để người đọc ồ à ngạc nhiên, tò mò với những thủ thuật tài chính, mua bán sáp nhập hiện đại và nguy hiểm, mà còn là cuốn sách khiến những người lãnh đạo doanh nghiệp như chúng ta nhức nhối và trăn trở về cách thức quản trị tổ chức hiệu quả (corporate governance).
Trăm năm là rất dài. Nhưng trăm năm dường như vẫn là chưa đủ để tích lũy độ dày cần thiết giúp cái vỏ trứng mong manh có thể chống chọi được những sự phá hoại từ bên trong.
Những câu chuyện “chất như nước cất” về quá trình khởi nghiệp, tạo dựng và phát triển của các đế chế hàng đầu thế giới như Reynolds trong ngành thuốc lá hay Nabisco trong ngành bánh kẹo có lẽ sẽ là động lực hừng hực cho những chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam. Nhưng câu chuyện về sự sụp đổ nhanh chóng của những đế chế trăm năm ấy chỉ trong một thời gian rất ngắn có thể làm cho lãnh đạo của những tập đoàn lớn nhiều nghìn tỷ chúng ta lạnh lưng rợn gáy.
Việc cho phép những công cụ tài chính nguy hiểm được hoạt động thiếu kiểm soát lại là trách nhiệm và bài học nhức nhối cho những người quản lý nhà nước. Nhưng trao quyền nhầm người trong khi không có cơ chế kiểm soát đủ hiệu quả có lẽ là nguyên nhân lớn nhất.
2
Quyền lực tuyệt đối sẽ dẫn đến sự sa đọa tuyệt đối.
Có lẽ với một số độc giả, Ross Johnson cũng sẽ là một nhà quản lý hiệu quả nếu được sử dụng ở đúng vai trò, vị trí và kèm với một số cơ chế kiểm soát phù hợp. Khi trái ngọt đến quá dễ dàng thì người ta sẽ dễ bị lạc hướng, chìm vào những thủ đoạn chính trị nội bộ, những mua chuộc dối trá và những ê kíp đoàn kết nhất trí ru ngủ…
Cuốn sách này vì thế cũng là một bài học về quản trị nhân sự. Tuyển dụng và phát triển nhân tài như thế nào để vừa phù hợp, vừa hiệu quả và bền vững không chỉ là một khoa học mà còn là một nghệ thuật. Không phải cứ nhanh hơn là hay hơn. Không phải cứ trao quyền là tốt hơn. Không hẳn cứ trọng dụng là tiến bộ hơn.
Đúng người (Who), đúng việc (What) nhưng còn phải đúng cách (How) nữa.
Và cũng vì thế nên trách nhiệm quản trị nhân sự không phải là của trưởng phòng hay giám đốc nhân sự. Trách nhiệm ấy là của Ban điều hành, Hội đồng quản trị và cả Đại hội đồng cổ đông. Đặc biệt là với những nhân sự nòng cốt.
3
Thành công của một lãnh đạo không chỉ giới hạn trong việc xây dựng, phát triển và lãnh đạo đội ngũ đủ sức đạt được những kết quả hoạt động mong đợi trong nhiệm kỳ của mình. Thành công của lãnh đạo còn được đánh giá bởi kết quả của sự chuẩn bị lực lượng kế thừa đủ chất lượng, đủ sức lãnh đạo tổ chức thành công trong các nhiệm kỳ tiếp theo.
Trách nhiệm của người lãnh đạo không phải là tạo ra những người đi theo: Họ cần tạo ra những người lãnh đạo đủ tầm khác.
Nhìn từ góc độ này, những người lãnh đạo tiền nhiệm của Ross Johnson tại các doanh nghiệp liên quan đều là những người lãnh đạo tồi, cho dù tính cách và phong cách lãnh đạo của mỗi người đều rất khác nhau.
4
Muốn hủy diệt một quốc gia, hãy lấy hết đất đai của họ. Nhưng muốn hủy diệt một dân tộc, chỉ cần làm ô nhiễm hay pha loãng văn hóa của họ.
Trong doanh nghiệp cũng vậy. Văn hóa của một doanh nghiệp là cực kỳ quan trọng cho sự phát triển và trường tồn của doanh nghiệp ấy.
Cuốn sách chia sẻ những câu chuyện tuyệt vời về sức mạnh vô địch của văn hóa doanh nghiệp. Không có một văn hóa đủ mạnh thì chắc là cả Nabisco lẫn Reynolds đã sớm chìm vào dòng lịch sử chứ không thể sừng sững với thời gian như vậy.
Văn hóa của một tổ chức không phải là thứ mà họ tuyên bố hay tuyên truyền. Văn hóa ấy được bắt nguồn từ những người lãnh đạo cao nhất và thấm nhuần vào suy nghĩ, hoạt động cũng như hành vi hằng ngày của tất cả các cấp lãnh đạo và nhân viên của tổ chức ấy.
Văn hóa ấy không nhất thiết phải là “tốt” dưới con mắt của cộng đồng xã hội. Nhưng nhất thiết phải phù hợp với đặc tính ngành nghề, bổ trợ cho sự phát triển của tổ chức và tăng cường gắn kết với những người quan trọng cần thiết cho sự thành công của tổ chức: cổ đông, nhân viên và khách hàng. Câu chuyện về văn hóa doanh nghiệp ở doanh nghiệp thuốc lá Reynolds là một ví dụ không thể thuyết phục hơn.
5
Kết cục đau thương cho những thương hiệu hàng đầu trong câu chuyện đặt ra câu hỏi nhức nhối về công thức truyền thừa của các tổ chức: Làm sao để trường tồn?
Văn hóa mạnh: Đúng rồi. Nhưng sẽ đến lúc chính văn hóa ấy cản trở doanh nghiệp thay đổi và phát triển.
Lãnh đạo tâm – tầm – tài: Đúng rồi. Nhưng lãnh đạo nào rồi cũng sẽ ra đi, mà có phải lãnh đạo nào cũng minh mẫn suốt đời đâu.
Có lẽ sẽ cần hơn nữa những sự cảm nhận và thôi thúc sứ mệnh, những ý thức và cam kết với các giá trị cốt lõi và sự bổ sung thường xuyên của những động lực phát triển mới cho doanh nghiệp.
Nhưng khổ nỗi, tất cả những điều ấy đều đến từ hay bị điều chỉnh bởi lãnh đạo.
Làm sao để kiểm soát được lãnh đạo, hoặc ít nhất để lãnh đạo tự kiểm soát được chính mình, thì chỉ có những người tạo ra lãnh đạo trả lời được mà thôi.
Vài dòng tâm tư khi đọc cuốn sách Bọn rợ rình trước cổngtrong chuyến đi cứu trợ miền Trung năm 2020.
Trần Bằng Việt
Chuyên gia tư vấn cao cấp
Chủ tịch Giải pháp Phát triển Đông A
Năm 1989, chúng tôi viết Bọn rợ rình trước cổng kể về các sự kiện đang diễn ra; bây giờ mọi thứ đã trở thành dĩ vãng. Một số cuốn sách có vòng đời dài hơn các cuốn khác. Chúng tôi nghĩ rằng cuốn sách này là một trong số đó. Nó vẫn được dùng để giảng dạy về nhiều chủ đề cho sinh viên trong các trường đào tạo kinh doanh lớn, từ đạo đức kinh doanh đến nghiệp vụ ngân hàng đầu tư. Năm 1993, cuốn sách được chuyển thể thành phim và chiếu trên kênh HBO. Năm 2002, 14 năm sau khi gây chấn động, cuộc chiến RJR lại được chuyển thể thành một bộ phim tài liệu chiếu trên kênh History.
Sự đón nhận này của công chúng là những gì chúng tôi chưa từng dám nghĩ tới khi bắt tay viết cuốn sách. Trên thực tế, mục tiêu chính của chúng tôi chỉ đơn giản là kiểm tra năng lực của chính mình, xem liệu chúng tôi có thể tự viết một cuốn sách hay không; cả hai chúng tôi đều chưa từng thử viết sách. Bọn rợ rình trước cổng cũng không phải là cuốn sách được các nhà xuất bản tranh giành. Trên thực tế, trong số hơn chục nhà xuất bản chúng tôi đã tiếp xúc, chính xác chỉ có nhà xuất bản Harper & Row (nay là nhà xuất bản Harper Collins) tỏ ra quan tâm một chút. Mọi người đã chán ngấy với các câu chuyện xuất hiện nhiều tuần trên những mặt báo về RJR. Còn ai muốn đọc thêm nữa?
Là phóng viên của tờ Wall Street Journal, chúng tôi đã cố gắng làm cho Bọn rợ rình trước cổng thấm nhuần các chuẩn mực về tính thời sự và tính chính xác mà chúng tôi đã nắm vững khi viết báo. Thật sự, Bọn rợ rình trước cổng sẽ không thể ra đời nếu không có sự khích lệ mà hai biên tập viên của cuốn sách này, Norman Pearlstine và Paul Steiger, dành cho chúng tôi. Không chỉ vậy, chúng tôi còn được nghỉ phép không lương trong tám tháng để thực hiện cuốn sách này.
Tháng 10 năm đó, khi câu chuyện về RJR bùng nổ, tôi là phóng viên của Wall Street Journal, tờ báo đầu tiên đưa tin về vụ sáp nhập và mua lại đình đám ở Phố Wall; còn John, sống tại Atlanta, phụ trách viết bài về công ty. Chúng tôi đã cùng nhau viết về mọi ngóc ngách của trận chiến RJR kéo dài sáu tuần. Chỉ đến khi trận chiến kết thúc, chúng tôi mới thống nhất cùng nhau viết sách, thế là chúng tôi gặp nhau. John giơ một cuốn tạp chí Timelên, trên trang bìa là bức ảnh đáng hổ thẹn của Ross Johnson, để tôi có thể nhận ra anh ở sân bay Atlanta.
Chúng tôi thường có chút ngại ngùng khi thừa nhận đã nghiên cứu và viết Bọn rợ rình trước cổng trong tám tháng ngắn ngủi, từ tháng Một đến tháng Tám năm 1989. Đó là quãng thời gian buồn vui lẫn lộn với chúng tôi. Tôi sống trong một căn hộ không có điều hòa ở khu phố Park Slope, quận Brooklyn. Tôi đi tàu điện ngầm đến Manhattan để thực hiện sáu cuộc phỏng vấn mỗi ngày; chúng tôi nhất trí với nhau rằng tất cả các cuộc phỏng vấn nên được thực hiện trực tiếp. Buổi tối, tôi trở về nhà, kiểm tra, đối chiếu thông tin và viết lại những ghi chú trong buổi phỏng vấn. Đôi khi, vì trời mùa hè quá nóng, tôi chỉ mặc chiếc quần bơi và áo phông. John phải di chuyển rất nhiều, qua lại giữa Atlanta, Bắc Carolina và New York để khớp nối các câu chuyện về con đường tiến thân đến đỉnh cao quyền lực của Ross Johnson. Chúng tôi làm việc độc lập, trừ khi có các cuộc phỏng vấn quan trọng với chính Johnson, đã có các cuộc phỏng vấn dài không chính thức ở Atlanta và Manhattan, có thêm bánh pizza và nước ngọt.
Khi đang viết sách, chúng tôi đã lo rằng câu chuyện về RJR sẽ bị lu mờ bởi một số thương vụ đình đám hơn, khắc nghiệt hơn. Giữa những kẻ tập kích công ty, các nghệ sĩ LBO và những nhà tài phiệt đầu tư vào trái phiếu rác, toàn bộ giới kinh doanh của những năm 1980 như phát điên. Những cuộc đột kích man rợ diễn ra sau Bọn rợ rình trước cổng có thể làm cho trận chiến RJR từ bản anh hùng ca chỉ còn là vài dòng chú thích. (Đó là lý do tại sao Harper muốn ra mắt cuốn sách thật nhanh.) Chúng tôi đã sẵn sàng cho ngày đen tối đó, nhưng nó không bao giờ đến.
Hóa ra cuộc chiến giành RJR vừa xác lập và kết thúc một kỷ nguyên. Trong gần một thập kỷ sau đó, vụ trúng thầu trị giá 25 tỷ đô-la của KKR vẫn được xem là thương vụ lớn nhất mọi thời đại. Có một số yếu tố kết hợp với nhau làm giảm quy mô của các giao dịch trong vài năm. Cỗ máy kiếm tiền siêu đẳng đằng sau LBO – trái phiếu rác – đã ngắc ngoải, và có lúc gần như dừng hoạt động. Mike Milken bị bắt giam; Drexel Burnham phá sản, và trong thời kỳ suy thoái đầu thập niên 1990, các công ty ốm yếu sử dụng đòn bẩy quá mức đã gây tiếng xấu cho LBO. Henry Kravis thôi không nhòm ngó các cuộc chơi lớn nữa. Ông ta còn bận với việc chăm sóc sức khỏe và ăn uống – cũng như chuyện nợ nần của RJR. Những ngôi sao khác của Phố Wall trong thập niên 1980, những kẻ từng chinh chiến để giành lấy RJR đã kiêu ngạo quá mức và trở nên quá đỗi nhạt nhòa. John Gutfreund bị hất cẳng vào năm 1991, khi đang là chủ tịch của Salomon Brothers, sau một vụ bê bối giao dịch trái phiếu kho bạc. Chủ tịch Tom Strauss cũng phải từ chức. Ông này từng tham gia với Peter Cohen trong vụ nhập nhèm ở một quỹ phòng hộ. Những người khác cũng chuyển sang các công ty quản lý quỹ, bao gồm Tom Hill ở tập đoàn Blackstone và Steve Waters ở một quỹ đầu tư tư nhân của châu Âu có tên Compass Partners.
Nhân vật duy nhất nổi lên như một ngôi sao trong vụ Bọn rợ rình trước cổng là Steve Goldstone. Vị luật sư từng làm cho Ross Johnson cuối cùng đã trở thành CEO của RJR Nabisco. Nhưng ngay cả việc Goldstone leo lên được vị trí này cũng chủ yếu nhờ sự sụp đổ của công ty hùng mạnh một thời. Năm 1999, ông bán Nabisco cho Phillip Morris, thoái vốn khỏi hoạt động kinh doanh thuốc lá quốc tế của RJR, và đưa công ty trở lại điểm xuất phát: một công ty thuốc lá Mỹ có trụ sở tại Winston-Salem, Bắc Carolina. Kohlberg Kravis đã rời khỏi RJR ngay sau đó, với những khoản lợi nhuận khiêm tốn.
Nhưng ngay khi những sát thủ Phố Wall của thập niên 1980 lặng lẽ lùi dần vào sau ánh hoàng hôn, họ đã mở ra buổi bình minh của thập niên 1990 thậm chí còn hỗn độn hơn. Ban đầu, các CEO của Mỹ bị sốc và kinh hoàng bởi những gì bọn rợ đã làm, nhưng cuối cùng lại theo chân họ. Từ vụ RJR, họ đã hiểu những gì mà những kẻ giàu sụ dễ dàng kiếm được. Họ bắt đầu lao vào giành lấy phần của mình.