Bí mật hồ cá thần xóa bỏ hoàn toàn lối trần thuật giản đơn thường thấy trong các sáng tác văn học thiếu nhi cùng thời bấy giờ. Nguyễn Quang Thiều bằng ngòi bút hiện thực huyền ảo đã tạo dựng nên một bầu không khí huyền thoại với đầy những bí ẩn, những phi lý nhưng vô cùng lý thú, và quyến rũ. Tại đầm Vực, có một con cá đã sống tới 50 năm. Đó là con cá một mắt mà người dân trong làng tìm mọi cách cũng không thể nào bắt được. Dân làng sợ hãi đến mức cho rằng con cá đã thành quỷ, và có những dự cảm không lành mỗi khi con cá xuất hiện. Những người già như bà nội Mon thì luôn tin rằng đó là con cá thần, không ai có thể bắt được. Bà còn cảm thấy một không khí linh thiêng ở dưới đầm Vực, khi khẳng định rằng vẫn nhìn thấy vị sư và nghe tiếng gõ mõ từ dưới đầm vọng lên. Biết bao nhiêu câu chuyện được thêu dệt nên. Lũ trẻ trong xóm như anh em Mon đều rất tò mò, nhưng chúng dường như đứng bên ngoài “cuộc chơi”, cho đến khi Mon được ông Bộc kể cho bí mật về con cá thần. Từ lúc ấy, với sự ra đi của ông Bộc, với ý chí kiên quyết giữ lời hứa, những đứa trẻ trong làng đã bắt đầu dấn bước vào một cuộc phiêu lưu vô cùng tuyệt vời. Từ cuộc phiêu lưu ấy, cái thông minh, khí khái, cái hồn nhiên đầy sức sống của những đứa trẻ đã được bộ lộ sắc nét. Bí mật hồ cá thần đoạt giải B trong cuộc vận động sáng tác cho thiếu nhi năm 1996 – 1997 của Nhà xuất bản Kim Đồng. Tác phẩm vừa được tái bản lần thứ 5 trong loạt ấn phẩm kỷ niệm 60 năm thành lập NXB Kim Đồng.*** Sau bữa cơm tối, những người đàn ông xóm trại tụ tập ở nhà tôi. Bố tôi đón khách rất hồ hởi. Bố trải chiếu ra sân mời khách ngồi. Ông móc trong gầm giường cái hũ sành chuyên để đựng rượu đưa cho mẹ tôi và bảo: – Mua cho tôi hũ rượu. – Làm gì mà uống rượu? – Mẹ tôi hỏi. – Có việc quan trọng. Thôi đi đi! – Giọng bố tôi hơi gắt. – Nhưng mà tiền đâu? – Mẹ tôi hỏi. – Hết tiền rồi à? Tiền bán lươn hôm qua để đâu? Bố tôi hỏi vậy nhưng vẫn móc từ trong túi ra một nắm tiền lẻ nhàu nát đưa cho mẹ. Mẹ tôi ôm hũ đi ra ngõ, mẹ lẩm bẩm điều gì đó. Những người đàn ông cởi áo vứt xuống chiếu, ngồi quây lại hút thuốc lào. Bố tôi vừa rót nước mời khách vừa hỏi: – Thấy con cá nổi lên thật đấy à? – Thật chứ đùa à! – Lão Bương nói, cổ ngỏng lên như cổ cò. – Trưa nay tôi nhìn thấy nó nổi tềnh ềnh trên mặt đầm. Đúng là nó chứ còn ai vào đấy. Vẫn hai cái vây có ngón xòe ra như năm ngón. Hình như năm nay nó yếu hơn. Bơi lờ đờ lắm. Một người nói: – Từ năm ngoái đến nay nó đi đâu nhỉ? Không ai nhìn thấy. Đánh lưới mấy lần cũng không đụng. Một người khác: – Có thể nó ra biển nay mới lại về. Bố tôi cãi: – Ông nói hay thật. Cá đầm sống thế chó nào được ngoài biển. Người kia nói lại: – Con này thành tinh rồi. Nó sống đâu mà chẳng được. Mẹ tôi đã mua rượu về. Mẹ đặt hũ rượu xuống chiếu, hỏi: – Có cần gì nữa không? Bố tôi nói: _ Rang cho mẻ lạc. Mẹ không nói gì, đi vào bếp. Cửa bếp bập bùng ánh lửa. Một lúc sau, mẹ tôi mang cái rá đựng lạc rang bước ra. Bà nắm một nắm to bỏ xuống nền hiên nhà đã quét sạch cho hai anh em tôi. Chúng tôi vừa ăn lạc vừa nghe chuyện của những người đàn ông xóm trại. Bố tôi hỏi: – Mai anh em ta định vây bắt như thế nào? Lão Bương lắc lư cái đầu, giọng đã hơi lạc đi vì rượu: – Dồn hết lưới ra. Nếu không xong, tớ sẽ dùng biện pháp cuối cùng. Một người hỏi: – Biện pháp cuối cùng là gì? Lão Bương cười: – Tớ có cân thuốc nổ của thằng cháu làm nghề khai thác đá cho. Cứ ném xuống đáy hồ thì con gì cũng nổi lên hết. Bố tôi nói: – Đừng có làm liều. Mấy ông chính quyền không để yên đâu. Lão Bương cười sặc sụa: – Bố cu sợ hả? Sợ quái gì. Nửa đêm tớ quẳng xuống, có ma mới biết.