Cuốn tiểu thuyết trong bộ ba giải thưởng Hội Nhà văn 1991, Bến không chồng đã đứng được với thời gian nhờ một vẻ đẹp trong khuôn hình cổ điển: mộc mạc và chân phương trong cốt truyện, trong cách dẫn dắt và ngôn từ; như nhận xét của giáo sư Phong Lê – “một ngôn từ không lấp lánh tài hoa, mà giản dị, tự nhiên, và với ưu thế đó, Bến không chồng là tác phẩm khẳng định được ngay vị trí của nó trong lòng độc giả mà không hề gây tranh cãi”.
Cốt truyện xung quanh cuộc trở về của Vạn – người lính Điện Biên – ở làng Đông quê hương anh. Người lính dũng cảm trong chiến đấu trở về trong thời bình nhưng không hòa nhập được vào nhịp sống bình thường, vẫn giữ nguyên tác phong trận mạc để chỉ huy cộng đồng làng xã. Anh không dám vượt qua rào cản tâm lý để đến với chị Nhân, nhưng rồi cuộc sống xô đẩy anh cùng hai người phụ nữ trong đời anh đến những lựa chọn quyết liệt. Những người phụ nữ ở làng Đông mỗi người đi tìm hạnh phúc theo cách của mình, nhưng thời cuộc và chiến tranh cùng biết bao sai lầm trong tư duy một thời đã ám ảnh họ mãi ở một “bến Không Chồng” vừa hữu hình vừa dai dẳng trong tiềm thức.
Bến không chồng, ở thời điểm mở đầu 90, quả đã góp được một cái nhìn mới về bức tranh đất nước trong thời chiến và hậu chiến; với gánh nặng không phải chỉ là chiến tranh, về phía khách quan; mà còn là những lầm lạc của con người, trong một bối cảnh có quá nhiều biến động và thử thách, mà tất cả những ai “do lịch sử để lại” đã không đủ tầm và sức để vượt qua. Những nhận xét này đã khẳng định được vị trí của cuốn tiểu thuyết, và còn lan tỏa hơn khi đã được dịch ra tiếng Pháp, Ý cũng như được chuyển thể thành phim truyện cùng tên.
***
Khi lựa chọn đề tài về chiến tranh, về thân phận người lính hoặc về cuộc sống làng xã Việt Nam sau chiến tranh để viết, nhiều nhà văn kì cựu phải thực sự am hiểu về vấn đề này hoặc có thể họ chính là những người đã trải qua một thời bom đạn cùng với đất nước. Có một nhà văn đã vẽ lên được bức tranh toàn cảnh làng quê Việt Nam trong những năm sau chiến tranh chống Pháp, chống Mĩ về chuyện đời, chuyện người thông qua cuốn tiểu thuyết dầy 400 trang.
Tiểu thuyết “Bến không chồng” của nhà văn Dương Hướng gồm 25 chương – một tác phẩm xuất sắc viết về đề tài chiến tranh không hề có tiếng súng đã gây tiếng vang trên văn đàn, được dịch ra nhiều ngôn ngữ quốc tế, nhận giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1991, giải thưởng Nhà nước năm 2016. Và được chuyển thể thành phim điện ảnh cùng tên, gần đây nhất là bộ phim truyền hình “Thương nhớ ở ai”. Một tác phẩm rất nổi tiếng, có ý nghĩa vô cùng đặc biệt bởi tác giả chính là người con của quê hương Thụy Liên, tác phẩm ấy cũng được lấy chất liệu từ chính mảnh đất Thụy Liên – vùng lập điền lấn biển, ruộng đồng chua mặn, dân thưa. Thập kỷ 60, xã chỉ có khoảng trên dưới một nghìn nóc nhà, mà chi viện cho tiền tuyến một lực lượng khổng lồ sức người, sức của với trên 1.500 thanh niên trai tráng. Ở quê nhà, gái thay chồng “Tay cày, tay cuốc đảm đang”, tạo ra cánh đồng 5 tấn thóc/ha đầu tiên ở miền Bắc. Nhưng chiến tranh đã để lại cho vùng đất này nhiều đau thương mất mát, 230 trai làng ra đi mãi mãi không về, để lại bao góa phụ, 31 bà mẹ Việt Nam anh hùng. Tiểu thuyết “Bến không chồng” của nhà văn Dương Hướng như một thiên dã sử, được quê hương Thụy Liên tôn vinh dựng bia đá lưu danh chuyện và đời.
Bến không chồng- nhà văn Dương Hướng đã đi sâu khai thác bi kịch của người lính hậu chiến tranh mà nhân vật trung tâm là Nguyễn Vạn, là Nghĩa, là Thành. Những người lính trở về từ chiến trường Điện Biên với chiến tích lẫy lừng. Nơi chiến trường họ oai hùng, khí khái bao nhiêu thì trở về cuộc sống đời thường họ lạc lõng, cô độc bấy nhiêu. Họ dù cố gắng nhưng không thể hòa nhập được với cuộc sống mới. Họ lạc lõng ngay trong chính gia đình, giữa những người thân yêu nhất của mình. Những người lính còn chịu nhiều di chứng khi bước ra từ chiến trường. Chiến tranh đã để lại di chứng trên cơ thể mà họ nào có biết. Chiến tranh đồng nghĩa với những đau thương mất mát, những cuộc chia li kẻ ở người đi. Trong Bến không chồng của Dương Hướng, những hy sinh mất mát là vô cùng to lớn. Từ bi kịch của những người trực tiếp chiến đấu nơi hòn tên mũi đạn cho đến nỗi khắc khoải chờ mong của những người mẹ, người vợ nơi quê nhà. Trong Bến không chồng còn nhiều cảnh ngộ bất hạnh. Những nỗi niềm, tâm trạng ảo não của Thủy, Dâu, Thắm, Cúc, cô Thao, mụ Hơn,…hay chính xác hơn đó là những người phụ nữ làng Đông. Chung quy lại, có thể thấy rằng bi kịch của những người phụ nữ trong Bến không chồng là sau chiến tranh không một người phụ nữ nào có chồng!
“Bến không chồng” là địa danh có thật nó gắn với nhiều câu chuyện buồn vui của xã Thụy Liên…Bến sông ấy vốn chẳng có tên, cái bến sông có hai cây quéo cổ thụ gắn với bao vui buồn của người dân. Hai cây quéo xòe bóng mát khúc sông. Đến nay, bến sông ấy không còn hai cây quéo cổ thụ nữa. Trong một trận bão, hai cây cổ thụ cùng bị đánh tả tơi, bật gốc. Bến sông không tên nay đã được gọi là “Bến không chồng”, bởi nó được đặt tên trong tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Dương Hướng. Và lâu rồi, những câu chuyện huyền thoại cũng chỉ còn lại trong ký ức của những người dân quê. Nhưng một ký ức mới lại bồi đắp cho người dân quê nơi đây. Bởi nếu ai đó đọc “Bến không chồng” có dịp ngang qua làng quê này mà hỏi cầu Đá Bạc, hỏi về “Bến không chồng” thì ai cũng nhắc đến Dương Hướng. Hỏi đến ông, người làng lại nhắc đến “Bến không chồng”. Ông viết truyện mà thật đến nỗi đọc tiểu thuyết, người làng nhận ra từng nhân vật ngoài đời được ông chọn làm nguyên mẫu.
Sách là kho tàng tri thức của nhân loại. Cuốn sách “Bến không chồng” giúp người đọc hiểu biết đầy đủ, sâu sắc hơn về chuyện đời, chuyện người làng quê Việt Nam trong những năm sau chiến tranh chống Pháp, chống Mĩ. Hiện nay, sách đã có tại thư viện Trường THCS Thụy Liên. Các thầy cô giáo, các bạn học sinh chúng ta hãy tới thư viện tìm đọc, để hiểu thêm mảnh đất, con người quê mình.
***
Nhà văn Dương Hướng tên khai sinh là Dương Văn Hướng, quê ở thôn An Lệnh, xã Thụy Liên, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Ông là Đảng viên Đảng CSVN; Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 1991. Nhà văn Dương Hướng bắt đầu viết văn từ năm 1985, ông là một trong những gương mặt tiêu biểu của văn học Việt Nam thời kỳ đổi mới. Hiện ông đang làm biên tập báo Hạ Long tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
* Giải thưởng và tặng thưởng:
Tặng thưởng truyện ngắn hay tạp chí Đất Quảng với truyện ngắn “Quãng đời còn lại”, năm 1987.
–Giải thưởng Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội với truyện ngắn “Đêm trăng”.
–Giải thưởng văn học Hạ Long với tiểu thuyết “Dưới chín tầng trời”, năm 2012.
–Tặng thưởng truyện ngắn hay Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội với tác phẩm “Người mắc bệnh tâm thần”, năm 1989.
–Giải A văn nghệ Hạ Long với tập truyện “Người đàn bà trên bãi tắm”.
–Tặng thưởng truyện ngắn hay Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội với tác phẩm “Bến khách”, năm 2007.
–Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 1991 với tiểu thuyết “Bến không chồng”.
* Các tác phẩm tiêu biểu:
–Bến không chồng (tiểu thuyết – năm 1990)
–Người đàn bà trên bãi tắm (tập truyện ngắn)
–Dưới chín tầng trời (tiểu thuyết -năm 2007)
–Gót son (tập truyện ngắn – năm 1989)
–Trần gian đời người (tiểu thuyết -năm 1991)
–Tuyển chọn Dương Hướng (năm 1997)
Mời các bạn đón đọc Bến Không Chồng của tác giả Dương Hướng.