Bên Bờ Thiên Mạc – Hà Ân full mobi pdf epub azw3 [Tiểu Thuyết]

Bên Bờ Thiên Mạc – Hà Ân full mobi pdf epub azw3 [Tiểu Thuyết]

Tác giả:
Thể Loại: Lịch Sử - Chính Trị
Nguồn: https://www.dtv-ebook.com.vn
EPUBMOBIPDFĐỌC ONLINE

“Bên bờ Thiên Mạc” là tập truyện lịch sử kể về vị tướng Trần Bình Trọng tài năng đã hy sinh anh dũng trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên – Mông lần thứ 2 (năm 1285) khi ông mới 26 tuổi.

Nhân vật nổi tiếng trong lịch sử chống xâm lăng của Đại Việt đã được “nhà văn kể chuyện xưa” khắc họa khá dày công trong một tập truyện ngắn về dung lượng này từ cung cách ông ứng xử với nhân dân, quân sỹ đến khí tiết hiên ngang của ông khi sa vào tay giặc. Cuốn sách cũng có nhưng đoạn đặc tả về phong thái uy nghi của Hưng Đạo Vương – Trần Quốc Tuấn, vua Trần Nhân Tông. Ngoài ra chúng ta cũng thấy đâu đó những nhân vất “anh hùng nhân dân” như ông già Màn Trò, chú lính trẻ Hoàng Đỗ.

***
“Ta thà làm quỷ nước Nam chứ không thèm làm vương đất Bắc”, câu nói khẳng khái của Trần Bình Trọng đã đi vào sử xanh nước Việt. Là người anh hùng bất tử, Trần Bình Trọng trong tác phẩm của Hà Ân hiện lên với đầy đủ vẻ oai phong, đẹp đẽ, kiêu dũng, giản dị và nhân hậu vô cùng. Qua tác phẩm, người đọc sẽ cảm nhận được Hà Ân chính là nhà văn của các em, là người kể chuyện lịch sử hào hứng và đầy thú vị. Với vốn kiến thức lịch sử sâu sắc, cùng với bút pháp, văn phong sinh động, Hà Ân đã tạo được không khí cho câu chuyện và hấp dẫn bạn đọc qua từng chương sách…
***
Nhà văn Hà Ân đã để lại cho đời bộ sử thi ba tập hoành tráng Bên Bờ Thiên Mạc – Trên Sông Truyền Hịch và Trăng Nước Chương Dương. Bộ sử thi kể lại cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ hai của vua tôi nhà Trần, cụ thể là những chiến công chói lọi của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn, Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải và Trung Thành Vương cùng các tùy tướng từng là gia nô của Trần Quốc Tuấn như Yết Kiêu, Dã Tượng, Hoàng Đỗ, Trương Hán Siêu, Hoa Xuân Hùng, là những vị quân vương dù trẻ tuổi hay đã già nhưng vẫn hừng hực lửa chiến đấu như Phạm Ngũ Lão, Trần Quốc Toản, Trần Quang Khải, Trần Khánh Dư v.v… Đọc truyện ta như thấy hiện lên ngay trước mắt những chiến trường rực lửa, những tiếng hò reo “Sát Thát” vang động bến sông, nghe thấy bài Hịch Tướng Sĩ thiết tha, trầm hùng, hảo sảng có sức hiệu triệu quần hùng, tiếng binh khí chạm vào nhau chan chát, tiếng ngựa hí tiếng voi gầm, nhìn thấy những ánh lửa đỏ rực trời, những nụ cười những ánh mắt của vạn dân một lòng háo hức đền ơn vua, đền nợ nước, sẵn lòng phò tá đại quân của Quốc Công Tiết chế đến thắng lợi cuối cùng, quét sạch bóng giặc Nguyên Mông khỏi sơn hà.

“… Trăm họ!”
“Trăm họ là một sức mạnh vô địch. Trăm họ có thể hi sinh từ niềm vui, lẽ sống đến tài sản, tính mạng của họ cho đất nước độc lập.”
Bộ ba tác phẩm dựng lên cuộc chiến đấu hào hùng chống giặc Nguyên Mông với những chiến công sáng chói, những tấm gương hi sinh tuẫn tiết bi hùng. Bức tranh với những lưỡi thương đâm tua tủa ra kia chính là bức thành trì bằng sức người nhưng cứng hơn cả sắt thép của Bảo Nghĩa Hầu Trần Bình Trọng. Ông đã hy sinh anh dũng khi sẵn sàng ở lại cầm chân giặc cho hai vua Trần Nhân Tông và Trần Thánh Tông đi thoát khỏi bãi lầy Màn Trò an toàn về Thiên Trường, bảo đảm bộ chỉ huy kháng chiến không mảy may sứt mẻ tạo đà cho thắng lợi sau này. Đọc Bên Bờ Thiên Mạc mới hiểu rõ về sự hy sinh của Trần Bình Trọng, về lá chắn thép ông đã dựng lên. Hữu thừa Khoan Triệt và Tả thừa Lý Hằng của Ô Mã Nhi đã dùng đủ mọi cách nhưng vẫn không thể xuyên thủng nổi bức tường thép của Trần Bình Trọng, bọn chúng phải mướt mồ hôi, đổ cả máu mới có thể bắt được ông. Dù quân Thánh Dực hy sinh hết tuy nhiên chiến tích quan trọng này vẫn đời đời được vạn dân nhớ đến, với câu nói đanh thép nổi tiếng của ông: “Ta thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vua đất Bắc!” Trần Bình Trọng đã đánh một trận khiến quân Nguyên phải thất kinh hồn vía, một trận phòng thủ tuyệt đối khiến tướng quân Nguyên vốn tự xưng hùng xưng bá trên lưng ngựa phải bất lực, thậm chí suýt chết khi xuyên phá khối phòng thủ vững chắc như thép nguội của ông. Sau trận dù bắt được Trần Bình Trọng cùng ông già dân binh quả cảm, nhưng Khoan Triệt cũng dính phải một nhát mã tấu xả vai trái, một mũi lao xuyên đùi thêm quả tên độc bé bằng củ ấu trúng ngón út khiến y nửa tỉnh nửa mê. Lý Hằng tuy không bị thương nhưng thất kinh hồn vía, ăn quả thiết lĩnh hút chết.
“Khoan Triệt họp bọn quân bắn cung lại. Y chỉ huy luôn hai đợt đánh nữa. Trong khi đó, Lý Hằng đứng trên một mỏm đất cao xem xét. Từ áy náy, Lý Hằng chuyển dần sang kinh ngạc. Y đã thấy diễn ra trước mắt y một trận đánh quyết tử mà những người lính Trần đã dùng cả cát ném vào mặt đối phương. Lý Hằng còn được thấy rõ tài đánh giáp lá cà của những người lính Thánh Dực. Đường khiên, nhát mã tấu, đòn câu liêm và nhất là ngọn thiết lĩnh đã quật tan nát luôn hai đợt đánh nữa của Khoan Triệt. Lý Hằng quyết định dốc hết quân ra trận. Y lo sợ cho trách nhiệm của y sau trận này.”
Cụ Hà Ân còn khắc họa cả tình đồng đội, tình bạn đẹp, tình cảm giữa dân với quan quân triều đình. Tiêu biểu là tình đồng đội giữa Yết Kiêu với Dã Tượng, vì thương bạn mình bị con voi sổng chuồng quật ngã què một chân, Yết Kiêu nhất định không ra tay cướp cờ Tiết chế dù Trần Quốc Tuấn cho phép. Cuối cùng hai người quyết định mỗi người cầm cờ một lần, chia ra lần lượt khi Quốc Tuấn dùng quân bộ của Dã Tượng hoặc quân thủy của Yết Kiêu. Tình cảm quân dân là người dân của làng Xuân Đình, nổi bật là đội dân binh luôn sẵn sàng cầm vũ khí giết giặc, là ông lão là cha của Hoàng Đỗ, chú lính viễn thám nhỏ con nhưng cực kỳ thông minh, bắn tên rất giỏi, là người đã dẫn đường cho vua tôi nhà Trần vượt bãi lầy. Ông lão đã không ngần ngại tuổi già sức yếu, hiên ngang máu thẫm vạt áo sẵn sàng sát cánh chiến đấu cùng Bảo Nghĩa Hầu Trần Bình Trọng, sẵn sàng tuẫn tiết vì nước cùng ông, là cụ Uẩn gia nô của Trần Quốc Tuấn luôn luôn lo lắng, chăm sóc cho ông, luôn quan tâm đến nợ nước thù nhà và cuối cùng cũng bỏ mình vì nước. Chính họ là nguồn động lực mạnh mẽ không ngừng, chính là chất liệu tạo nên bản Hịch Tướng sĩ hào hùng truyền vang vọng trên bờ sông Thiên Mạc, thể hiện qua câu nói mạnh mẽ của ông: “Toàn dân đấu sức mà đánh.” Những khung cảnh hoành tráng, bi hùng của chiến trận xen kẽ những khung cảnh nên thơ, trầm lắng và xúc động của tình cảm vua tôi, của tình cảm quân dân tạo nên một bức tranh toàn cảnh tròn trịa, trọn vẹn của trang sử nhà Trần. Hơn thế nữa, cụ Hà Ân còn khắc họa cả mặt tính cách khác của Trần Quốc Tuấn. Đó là ông rất biết tôn trọng tướng quân của đối phương, đặc biệt ông đã bày tỏ lòng thương xót quan quân nhà Tống bị giặc Nguyên cướp nước, ông rất trọng hiền tài đến nỗi đến mời viên tướng nhà Tống Triệu Trung đến dạy cách giữ thành cho quân nhà Trần. Ngay cả nhà Tống cũng có những kẻ bán nước cầu vinh, chạy theo giặc Nguyên để mong cầu vinh hoa phú quý. Có hai câu thơ của Văn Thiên Tường, viên tể tướng anh dũng của triều Tống, trích trong bài Chính Khí Ca mà Quốc công rất yêu thích:
“Người ta tự cổ ai không chết
Lưu lại lòng son trong sử xanh.”
Trọn bộ series cụ Hà Ân không bỏ sót một chút khía cạnh nào của cuộc chiến chống quân Nguyên Mông. Nào là hình ảnh thời còn bé của Yết Kiêu dám lên đài thách thức Đô Trâu, đô vật của Trần Ích Tắc, kẻ đã từng quật chết nhiều nghĩa sĩ của lộ Đà Giang. Cuối cùng thằng bé quyết dành giải nhất đã vật ngã Đô Trâu, sau đó trở thành tùy tướng của Quốc Công. Nào là hình ảnh những kẻ phản quốc, bán nước cầu vinh, dâng non sông cho giặc như Trần Ích Tắc, Trần Lộng, Trần Kiện đều là hoàng thân quốc thích. Nào là những vị vương dù từng có hiềm khích với nhau nhưng vì nghĩa lớn họ sẵn sàng dẹp hết hận thù sang bên. Nào là những mưu kế, những cung cách đối xử rất nhân đạo, rất có tình của Trần Quốc Tuấn dành cho gia nô, dành cho quân sĩ, dành cho huynh đệ của mình. Và nổi bật trên hết chính là tình quân dân làng Xuân Đình, lộ Đà Giang dành cho quan quân nhà Trần. Đọc truyện mình mãi mãi không quên được đêm Trung thu mà Quốc công mở tiệc dành cho các cháu thiếu nhi ở hương Vạn Kiếp của Quốc công.
“Gia nô hương Vạn Kiếp đã gánh ra mấy chục gánh bánh trái, hoa quả. Những chiếc bánh dẻo xinh xẻo như mặt trăng in trong chậu thau, những trái hồng màu đỏ đậm, vỏ bóng nhoáng, những gói cốm mùa thu thơm nức mùi lúa mới và lá sen. Trần Quốc tuấn gọi cụ Uẩn lại. Hai ông già đi chia quà cho các cháu bé. Lính đội ngựa của Nguyễn Địa Lô đã sẵn sàng trò vui của họ….. Mười chiến sĩ mặc áo chiến, tay cầm kiếm. Họ múa rất say sưa vì họ biết con em họ đang tròn mắt ngồi xem. Thỉnh thoảng, một người lính lại hí lên như tiếng ngựa, tiếng hí như hiệu lệnh cho từng chuỗi cười thích thú giòn tan của đám khán giả tí hon. Trần Quốc Tuấn rất thích những người lính múa cái điệu khỏe mạnh và nhanh nhẹn này. Họ đều trẻ và đẹp như cây thông non. Trong ánh mắt sáng lên tinh nghịch, Trần Quốc Tuấn nhận thấy vẻ say sưa, thích thú của những người lính hồn nhiên trẻ tuổi. Điệu múa kết thúc bằng một tràng hí rất dài và nối tiếp là một trận cười khanh khách của các khán giả tí hon.”
Bộ ba truyện này một khi đã cầm lên đọc sẽ không thể bỏ xuống được. Từng cảnh vật, từng tình tiết, từng con người ta đã từng nghe đâu đó trong sách giáo khoa, trong những giáo trình sử hay trong những cuốn phim tài liệu về sử, tuy nhiên, bức tranh bi tráng hiện lên qua từng câu chữ vẫn khiến chúng ta choáng ngợp. Còn rất nhiều chi tiết mình muốn viết ra đây. Như trận quân thủy của Yết Kiêu đốt cháy thuyền giặc, được thể hiện trong bức tranh thứ hai kia, nó chẳng khác gì trận Xích Bích danh tiếng lẫy lừng cả. Mà ba truyện này mới chỉ tập trung vào lần kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ hai của vua tôi nhà Trần. Còn lần thứ nhất và lần thứ ba, đặc biệt là lần thứ ba khi quân Mông Cổ phải bỏ xác trên dòng sông Bạch Đằng. Lần thứ ba cha ông ta lại dìm chết giặc trên con sông thần thánh này bằng cọc nhọn. Mình vẫn mong được tiếp tục chiêm ngưỡng những chiến tích anh hùng bi tráng này qua những trang tiểu thuyết. Mong lắm tác giả nào đó sẽ viết tiếp và nó cũng sẽ hoành tráng như bộ ba tác phẩm của cụ Hà Ân.
“Cửa Hàm Tử bắt sống Toa Đô
Sông Bạch Đằng giết tươi Ô Mã.”
Cáo Bình Ngô – Nguyễn Trãi

***
Khi trời tang tảng sáng, Trần Bình Trọng dẫn đạo quân của mình về tới bờ Thiên Mạc. Mưa xuân vẫn lất phất bay. Sau màn mưa, bãi lầy Màn Trò càng tăng thêm vẻ bí ẩn. Những bụi lau đuôi cờ mới đâm bông kéo ngút ngàn. Tiếng lá xát vào nhau tưởng như cạnh sắc răng cưa của lá không hề vì ngấm nước mưa mà nhụt đi chút nào. Gió đông mỗi lúc mỗi mạnh dần thêm, đập điên đảo những bông lau còn cúp. Gió cứ tràn đi; tiết trời càng trở lạnh khiến Trần Bình Trọng rùng mình. Ông gò cương ngựa chiến, nheo mắt nhìn sâu vào bãi lầy, cố gắng tìm ra con đường độc đạo xuyên qua Màn Trò dẫn xuống mé nam vùng Thiên Mạc.

-Mưa thế này, Màn Trò càng nguy hiểm lắm đây-Trần Bình Trọng lẩm bẩm nói, mắt chăm chú nhìn đôi diều hâu lượn tròn trên bầu trời của bãi lầy.

Khúc sông Hồng chảy qua tỉnh Hưng Yên. Nay là Mạn Trù (Hưng Yên) Trần Bình Trọng đã từng vượt Màn Trò một lần khi ông mới được triều đình phái về trấn thủ lộ Khoái. Lần ấy cách đây đã sáu năm, mà sáu năm vừa qua, biết bao nhiêu việc nước, việc quân đã choán hết tâm trí ông. Bây giờ đứng trước Màn Trò, ông chỉ còn nhớ rằng vào đấy sẽ gặp những chằm đất lầy ngập lút đầu người, những ổ rắn độc đủ các loại và những vũng bùn nước lúc nhúc cá sấu. Màn Trò chỉ còn lưu lại trong trí nhớ của ông những hình ảnh như vậy trong lúc chính ông đang cần dẫn đạo quân này vượt qua bãi lầy. Đã vậy, đạo quân của ông lại đang mệt mỏi, đang thiếu lương ăn, trải qua ba ngày ròng rã vừa đánh vừa rút lui từ Vạn Kiếp về. Thật khó khăn!… Trần Bình Trọng quay lại ra lệnh cho viên chấp hiệu đi sau ông. Một ngọn cờ xanh vẫy lên, đoàn người ngựa dừng cả lại. Những người lính vơ quàng nắm lá lau khô, chụm lửa. Họ vừa sưởi cho đỡ cóng vừa dốc nốt những hạt gạo cuối cùng nấu ít cháo loãng. Từng làn khói xám đặc bốc lên, tỏa lẫn vào màn mưa đang vén rất nhanh. Trong chốc lát, vầng đông chiếu lộng lẫy cả một vùng Thiên Mạc mênh mang…

-Ai biết vùng này lên ngay ta hỏi!-Trần Bình Trọng giật giọng ra lệnh. Những người lính đứng gần ông vội vã truyền đi:

-Ai biết vùng này lên ngay hầu chủ tướng!

-… lên ngay hầu chủ tướng!

-… chủ tướng!

Tiếng lệnh truyền lan mãi xuống dưới những hàng quân cuối cùng. Tiếng lệnh truyền hòa lẫn vào tiếng nói cười râm ran của các chiến sĩ đang xúm xít quanh những đống lửa sưởi ấm. Trần Bình Trọng ngồi xuống một gốc cây đổ ven đường. Ông bỗng cảm thấy trong người bứt rứt, bồn chồn. Và cái bứt rứt ấy cứ lớn mãi lên trong lòng ông. Ông cố trấn tĩnh lòng mình. Ông cố suy nghĩ để quên đi cơn giận và cảm giác đói mệt đang muốn kéo ông nằm xuống mặt cỏ ngủ vùi. Trần Bình Trọng nghĩ về thế nước. Ông chỉ là viên tướng chỉ huy một đạo quân vài ngàn người. Những cuộc họp quan trọng của triều đình bàn việc lớn, ông không được dự. Nhưng ông rất tin tưởng ở tài cầm quân của Quốc công Tiết chế Trần Quốc Tuấn. Ông còn nhớ rất kỹ những điều Tiết chế đã dặn dò tướng sĩ trong các buổi học binh thư tại Giảng vũ đường. Ông còn nhớ dáng đứng oai phong của Tiết chế trong buổi duyệt toàn bộ quân đội tại bến Đông Bộ Đầu. Ông còn nhớ khi ông đang giữ ải Khả Lá, thì bản Hịch tướng sĩ của Tiết chế truyền đến. Bây giờ đây, bên tai ông, tưởng chừng lời hịch sang sảng vẫn còn vang động: “…Ta đây ngày quên ăn, đêm quên ngủ, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa…”

Trần Bình Trọng phà mạnh một hơi thở dài… Ông cũng đã bao nhiêu đêm mất ngủ, ông cũng đã ruột đau như cắt bao ngày, nhớ những khi “…sứ giặc đi lại rầm rập ngoài đường, uốn lưỡi cú diều mà sỉ mắng triều đình, đem thân dê chó mà bắt nạt tể phụ!” Lũ giặc nào chẳng lòng tham không đáy, bạc vàng nào đối với chúng cho vừa, cũng như thịt dê nào đủ cho bầy hổ đói… Trần Bình Trọng lại phà một hơi thở mạnh. Lòng căm thù giặc của Tiết chế đã khiến cho tướng sĩ càng vững lòng tin ở triều đình. Riêng ông, Trần Bình Trọng, càng mài sắc ý chí diệt lũ giặc nước. Vừa qua, quân các lộ kéo lên Vạn Kiếp chật đất, chật sông. Hai mươi vạn chiến sĩ, giáo mác lập lòe, cờ phướn phấp phới. Ngựa hí, voi gầm, trời long đất lở. Những tưởng phen này được đánh cho lũ giặc nước tan không còn mảnh giáp… Lúc bấy giờ, Trần Bình Trọng đóng quân trên bến Bình Than. Đứng trên đài nhìn xa chót vót trên ngọn đa cổ thụ. Trần Bình Trọng thấy rõ quân sĩ đôi bên hàng ngày di chuyển để bày thành thế trận trong vùng Vạn Kiếp đồi núi trập trùng. Trước mặt trận địa của ông là một mỏm đồi cao có một toán quân giặc đóng chiếm. Chúng kéo cờ thám mã, hiệu cờ của bọn lính trinh sát. Trần Bình Trọng hiểu rõ sự nguy hiểm của loại lính giặc này. Ông đã liền mấy đêm điều khiển các chiến sĩ của ông bám sát, tìm hiểu cách đóng quân của chúng. Ông đã lập xong kế hoạch, một kế hoạch đánh chắc thắng. Nhưng vừa lúc đạo quân chính của giặc tràn tới thì thình lình… Tiết chế hạ lệnh rút lui!… Nghĩ đến đấy, Trần Bình Trọng đâm choáng váng. Ông nắm chặt tay, đấm mạnh xuống đùi mình một cái. Làm tướng mà phải rút lui là một điều rất đau lòng!…

Ông cảm thấy bực bội và càng đắm sâu vào những suy nghĩ miên man… Ông là một vị tướng. Ông hiểu rằng cầm quân có lúc tiến nhưng cũng có lúc lùi nếu cần thiết. Lùi để làm cho địch Sinh kiêu căng, lùi để nhử địch vào sâu trong thế trận bày sẵn, lùi để tránh thế mạnh ban đầu của địch. Ông hiểu như vậy, nhưng ông vẫn đau lòng và từng lúc, tim ông đập rộn lên, ruột gan như xát muối…

Từ giữa đám quân đông, một cậu bé chen tới trước mặt ông. Dáng người còm nhỏ của chú ta chìm ngập giữa các đợt sóng của dải cờ và ngù giáo. Cậu bé quỳ một gối chào Trần Bình Trọng và nói:

– Thưa chủ tướng, tôi là Hoàng Đỗ xin lại hầu.

Trần Bình Trọng vẫn mải suy nghĩ. Hai mắt ông mở trừng trừng mà ông vẫn không nhận thấy có người trước mặt. Mãi sau, ông mới sực tỉnh. Ông chăm chú ngắm cậu bé và cảm thấy gương mặt này quen quen. Trên vầng trán dô của chú ta có thích chàm ba chữ “Quan trung khách”. Ba chữ thích chàm đó khiến Trần Bình Trọng nhớ ra đây là một chú bé đã từng bị ông phạt giam vì tội dám cưỡng lại lời ông. Trần Bình Trọng cau mày hỏi:

-Ngươi đến hầu ta có việc gì?

-Thưa chủ tướng, tôi cũng không biết. Vừa rồi có lệnh đòi người lên hầu cho nên tôi phải lên.

– À! Ngươi biết thế đất vùng này sao?

-Dạ biết!

Mời các bạn đón đọc Bên Bờ Thiên Mạc của tác giả Hà Ân.

Có thể bạn thích sách  Chó Sói Cắn Chó Nhà - Martin Cruz Smith full prc pdf epub azw3 [Trinh Thám]