Lợi ích quốc gia – dân tộc từ lâu đã đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong tiến trình lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc ta. Từ sự ra đời của Nhà nước Văn Lang, nhà nước đầu tiên, dù còn sơ khai song đã tạo tiền đề cho sự ra đời, phát triển loại hình cộng đồng mới, đó là “cộng đồng bộ tộc mang tính dân tộc”, “cộng đồng quốc gia”. Quá trình chống ngoại xâm cùng với những thành tựu về kinh tế, văn hóa – xã hội đạt được dưới sự quản lý, điều hành của nhà nước qua các thời kỳ là cơ sở vững chắc cho sự tồn tại và phát triển của đất nước.
Trải qua thời gian cùng với sự phát triển của đất nước và tình hình thế giới, nhận thức về lợi ích quốc gia – dân tộc cũng cần phải được hiểu đúng và phát triển hài hòa, phù hợp với lợi ích chiến lược quốc gia – dân tộc ở mỗi giai đoạn, với các quốc gia khác và cộng đồng quốc tế. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện như hiện nay, trên cơ sở tiếp tục quán triệt quan điểm “lợi ích quốc gia – dân tộc là tối thượng”, Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định việc bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia – dân tộc nhưng phải trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Sau 35 năm đổi mới và phát triển, Việt Nam đã ngày càng chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện trên nhiều lĩnh vực, đồng thời tuân thủ các tập quán và thông lệ phổ quát của quốc tế. Việc bảo vệ và thực hiện lợi ích quốc gia – dân tộc của Việt Nam trong môi trường quốc tế thuận theo xu thế chính là hòa bình, ổn định, toàn cầu hóa là chủ đạo, các quốc gia cùng hợp tác và hội nhập.
Tuy nhiên, tình hình thế giới và khu vực hiện nay diễn biến ngày càng phức tạp, khó đoán định, đó là sự gia tăng cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, nhất là cạnh tranh Mỹ – Trung Quốc, sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Cách mạng công nghiệp 4.0), một số điểm nóng vẫn còn phức tạp, như tình hình Biển Đông, xung đột tại Xyri, vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, cũng như sự nổi lên của các thách thức an ninh phi truyền thống, như dịch bệnh (COVID-19), an ninh lương thực, an ninh mạng,… Bối cảnh mới này đặt ra nhiều vấn đề mới đối với việc bảo vệ lợi ích quốc gia – dân tộc của Việt Nam, như: bảo vệ các lợi ích đi đôi với việc thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập quốc tế; bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, đặc biệt tại khu vực Biển Đông khi mà ngày càng nhiều nước can dự vào khu vực này; xác định và xử lý các thách thức về chủ quyền trong không gian mạng/chủ quyền số; xử lý mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; các thách thức đối với duy trì đà phát triển nhanh và bền vững đồng thời bảo vệ môi trường, bảo đảm ổn định kinh tế – xã hội,…
Để giúp bạn đọc có thêm cơ sở lý luận và thực tiễn về “lợi ích quốc gia – dân tộc” từ góc độ của các học giả trên thế giới và Việt Nam cũng như những kinh nghiệm trong quá trình bảo vệ lợi ích quốc gia – dân tộc của một số nước, đặc biệt là các cường quốc như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ…, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách Bảo vệ lợi ích quốc gia – dân tộc của Việt Nam trong thời đại mới do TS. Nguyễn Việt Lâm làm chủ biên. Bên cạnh việc đề cập nội hàm của “lợi ích quốc gia – dân tộc”, nhóm tác giả cũng chỉ ra những thuận lợi và thách thức trong bảo vệ lợi ích quốc gia – dân tộc của Việt Nam trong thời đại mới, từ đó đưa ra một số hàm ý chính sách phù hợp với lợi ích của toàn thể dân tộc nói riêng và với các cam kết, thỏa thuận, luật pháp quốc tế mà Việt Nam tham gia nói chung. Qua đó, nhóm tác giả mong muốn đóng góp một phần nhỏ để góp phần bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia – dân tộc Việt Nam trong thời gian tới.
Xin giới thiệu cuốn sách cùng bạn đọc.
Tháng 11 năm 2021
NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA SỰ THẬT
Nguồn: https://www.thuvienpdf.com