Chín mươi lăm năm ra đời và phát triển (1925-2020), nền báo chí cách mạng Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc. Từ khi báo chí cách mạng manh nha và với sự ra đời của tờ báo Thanh niên do Nguyễn Ái Quốc sáng lập ở Quảng Châu, Trung Quốc (năm 1925), báo chí luôn là vũ khí sắc bén để truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin vào Việt Nam, động viên tinh thần yêu nước của nhân dân cần lao và cũng là cơ quan liên lạc, tổ chức, chuẩn bị lực lượng cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ đó đến nay, trải qua thời kỳ đấu tranh giành độc lập, nhiều cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và trong thời kỳ xây dựng, phát triển đất nước, báo chí không chỉ đơn thuần trở thành một trong những phương tiện quan trọng hàng đầu trong việc tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhận diện các nội dung thông tin sai trái, thù địch chống phá cách mạng Việt Nam; mà còn tạo ra sự kết nối xã hội, kết nối giữa mọi tầng lớp, mọi không gian, thời gian, xóa bỏ khoảng cách về địa lý, tạo ra sức mạnh to lớn trong xã hội. Những nội dung do báo chí đưa ra đều có tác động đến các cấp ủy đảng, chính quyền, những nhà hoạch định chính sách để tạo cơ chế, chính sách tốt hơn; đồng thời tạo được hiệu quả cao trong lĩnh vực giám sát và phản biện xã hội.
Bước vào kỷ nguyên số, báo chí phát triển thêm một bước mới. Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, với sự phát triển của công nghệ truyền thông mới, báo chí chịu sự tác động mạnh mẽ. Sự tiến bộ của khoa học – công nghệ đã cung cấp cho ngành báo chí, truyền thông hiện đại các công cụ và phương thức truyền thông tiên tiến vượt trội. Các phương tiện truyền thông mới được truyền phát thông qua mạng Internet tạo ra một không gian rộng rãi hơn cho cuộc “cách mạng” của báo chí, truyền thông hiện đại. Sự chuyển đổi từ kỷ nguyên in ấn sang thời đại số khiến hoạt động cạnh tranh của báo chí, truyền thông không chỉ bó hẹp trong phạm vi thu thập và đưa tin, mà còn thông qua việc tích hợp các sản phẩm truyền thông để nâng cao chất lượng và giá trị thông tin, rút ngắn thời gian, từ đó tạo ra sản phẩm truyền thông mới, hình thành các chuỗi sản phẩm và chuỗi giá trị trong các cơ quan báo chí, truyền thông. Cùng với lợi thế mà công nghệ truyền thông mang lại, đạo đức nghề làm báo cũng cần được đề cao.
Nhằm cung cấp thêm tài liệu cho các nhà nghiên cứu, nhà hoạch định chính sách, giảng viên, phóng viên, biên tập viên, cán bộ, nhân viên trong các cơ quan báo chí, truyền thông, học viên chuyên ngành báo chí, phát thanh – truyền hình và độc giả có nhu cầu tìm hiểu vấn đề này, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách Báo chí, truyền thông hiện đại: Thực tiễn, vấn đề, nhận định của GS.TS. Tạ Ngọc Tấn – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương.
Cuốn sách tổng hợp các bài viết về báo chí, truyền thông từ thuở sơ khai đến hiện đại, đồng thời gắn báo chí, truyền thông với các vấn đề về kinh tế – xã hội, chính trị, đời sống xã hội; với trách nhiệm và công tác chuyên môn, nghiệp vụ của người làm báo. Cuốn sách được chia thành 5 phần với 35 bài viết: Hồ Chí Minh – Người khai sinh nền báo chí cách mạng Việt Nam; Sự phát triển báo chí, truyền thông hiện đại; Báo chí, truyền thông và chính trị; Báo chí, truyền thông và đời sống xã hội; Nhà báo và nghề nghiệp.
Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách với bạn đọc.
Tháng 9 năm 2020
NHÀ XUẤT BẢN CHÍNH TRỊ QUỐC GIA SỰ THẬT
Nguồn: https://www.thuvienpdf.com