Bàn về văn minh được coi là một trong những tác phẩm quan trọng nhất của Fukuzawa Yukichi, nhà tư tưởng, nhà giáo dục nổi tiếng Nhật Bản. Giàu tính triết luận, Bàn về văn minh bằng cách đặt ra hàng loạt các vấn đề xã hội, văn hoá, chính trị, kinh tế, đạo đức… đã mở ra con đường để Nhật Bản, với tư cách một nước đang phát triển, nối kết với thế giới văn minh, tiến bộ. Phản hồi lại các tư tưởng của những tác gia phương Tây đương thời như John Stuart Mill, Herbert Spencer, Thomas Buckle, Francois Guizot,cũng như phân tích thấu đáo hình thái tù đọng, đơn điệu của xã hội châu Á, Fukuzawa đã khích lệ cả tinh thần quốc gia lẫn tinh thần cá nhân, ngợi ca xu hướng tự do của khu vực tư nhân. ‘Đọc vị’ một cách sâu sắc các hình thái xã hội chậm tiến khác nhau đang vật lộn trên con đường phát triển, Fukuzawa Yukichi đã sáng suốt dự báo và khẳng định mô hình văn minh phương Tây như một con đường bắt buộc phải theo cho mọi quốc gia muốn tiến tới văn minh, tiến bộ; đồng thời, giúp độc giả nhận chân những giá trị tốt đẹp nhất, những giá trị vĩnh cửu, mà một quốc gia, một thể chế có thể đem đến cho mỗi con người.
Bàn về văn minh, do vậy, có thể được coi như cuốn sách gối đầu giường cho những ai muốn tìm hiểu về văn minh, cũng như con đường tiến tới văn minh của một xã hội, một dân tộc.
“Mỗi lần nói về Nhật Bản, lại không thể không nghĩ về mình. Sau hàng trăm năm đấu tranh và mấy cuộc chiến tranh liên miên, khốc liệt và anh hùng, chúng ta đã có được độc lập. Nhưng chúng ta còn một món nợ: cái bước tự luyện mình, dân tộc mình, từ ‘thô ráp’ đến ‘tinh tế’ để thật sự thành văn minh như người Nhật đã làm dưới sự dắt dẫn của những trí thức vĩ đại như Fukuzawa Yukichi, cái bước ấy ta chưa đi qua.
Cho nên cuốn sách này của Fukuzawa Yukichi vẫn còn nguyên tính thời sự với chúng ta, vẫn là cuốn giáo khoa mẫu mực về con đường văn minh cho ta.”
― Nhà văn Nguyên Ngọc
***
Cuốn sách này do tác giả Fukuzawa Yukichi biên soạn, được hoàn thành vào năm 1875, từ đó đến nay, đã hơn 1 thế kỷ trôi qua (143 năm) khoa học xã hội của thế giới nói chung và của Nhật Bản nói riêng đã có những bước tiến dài rộng. Bạn đọc sẽ gặp trong tác phẩm này một số quan niệm, khái niệm, luận đề và cách lý giải khác với thời hiện đại. Do vậy, cuốn sách chỉ có giá trị làm nguồn tư liệu tham khảo để mở rộng vốn kiến thức cũng như để đối sánh với các lý thuyết văn hóa học hay nhân học, xã hội học, v.v. của thế giới hôm nay. Trong bài viết ở đầu sách, có một số đánh giá, cách nhìn nhận chủ quan của người viết, không phải quan điểm của Nhà xuất bản.
Xin trân trọng giới thiệu cuốn sách cùng bạn đọc.
Nhà xuất bản Thế Giới
***
Trong cuốn sách của Fukuzawa Yukichi bạn đang cầm trên tay, ở chương “Bàn về tri thức và đạo đức của một nước”, tại tiểu mục “Lý do thành công thực sự của cuộc Minh Trị Duy Tân”, có một câu rất lạ. Fukuzawa viết, như reo lên: “May thay, Phó Đề Đốc Perry đã đến Nhật vào năm Kaei (tức năm 1853)!” Perry là ai? Vì sao việc ông đến Nhật năm 1853 được Fukuzawa, một trong những nhân vật quan trọng nhất có công sáng lập nên nước Nhật hùng cường ngày nay, chào đó như một tin vui lớn? Matthew C. Perry là một viên tướng xâm lược, năm 1853 được phái đến trước cảng Edo (tức Tokyo ngày nay) với cương vị Phó Đề Đốc Hải quân, chỉ huy một hạm đội hùng mạnh, mang theo bức thư của Tổng thống Hoa Kỳ Milliard Fillmore đòi Nhật Bản, thời bấy giờ đang triệt để thực hiện chính sách bế quan tỏa cảng của chế độ Mạc phủ Tokugawa, phải mở cửa giao thương, hẹn một năm sau sẽ trở lại để thấy đòi hỏi được thực hiện. Nhưng rồi không chờ tới một năm, chỉ bảy tháng sau, đầu năm 1854, Perry đã quay lại, với hạm đội đông gấp đôi, lại có thêm liên quân hùng hổ của Anh, Pháp, Hà Lan, Nga…
Chúng ta nhớ một sự kiện gần như hoàn toàn tương tự đối với Việt Nam cũng đúng vào thời ấy. Đây là lúc chủ nghĩa tư bản phương Tây chen nhau đi tìm thị trường ở phương Đông. Hoa Kỳ, Anh, Hà Lan… thèm thuồng đổ vào Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản… Pháp, chậm chân hơn, nhắm đến Việt Nam. Năm 1858, tức chỉ năm năm sau sự kiện Perry đến Edo, Đô Đốc hải quân Pháp Rigault de Genouilly, sau nhiều lần không thành công ở Trung Quốc, cho hạm đội chuyển hướng về Nam, ngày 30 tháng Tám đến cửa Đà Nẵng, gửi một tối hậu thư cho vua Tự Đức buộc mở cửa cho hạm đội của ông ta. Bị từ chối, hai ngày sau Genouilly nổ súng tấn công Đà Nẵng. Trên thành Điện Hải ở cửa Đà Nẵng, tướng Nguyễn Tri Phương, dưới sự chỉ đạo ráo riết của Tự Đức, tổ chức chống cự quyết liệt, buộc Genouilly phải bỏ Đà Nẵng, chuyển vào chiếm Sài Gòn và Nam Bộ, xong mới trở ra đánh chiếm Huế và Đà Nẵng. Và lần này thì triều đình Huế phải ký hiệp ước đầu hàng. Pháp thống trị Việt Nam, và cả Đông Dương từ đó, kéo dài gần một thế kỷ.
Trước nguy cơ sống còn đến từ phương Tây hai thế kỷ trước, Nhật Bản mà Fukuzawa Yukuchi là tiêu biểu, và Việt Nam mà Nguyễn Tri Phương với Tự Đức cũng có thể coi là tiêu biểu, đã có hai thái độ và hai cách ứng xử hoàn toàn đối nghịch. Một bên vũ trang chống cự quyết liệt và anh hùng. Một bên vui mừng chào đón như một vận may lớn…
Tại sao?
Để hiểu rõ đôi chút những điều vừa nói, cần trở lại dù chỉ rất vắn tắt lịch sử và tình thế xã hội Nhật Bản hồi bấy giờ. Nhật Bản là một đất nước có lịch sử lâu dài. Thủ đô đầu tiên được thành lập tại Nara năm 710. Hoàng tộc, đứng đầu là Thiên hoàng, nổi lên khoảng năm 700, nhưng đến năm 1868 vẫn có uy tín cao nhưng thực tế còn rất ít quyền lực. Vào năm 1550, đất nước được chia thành vài trăm đơn vị kiểm soát tại địa phương, hoặc các khu vực thuộc quyền kiểm soát lãnh chúa, với lực lượng của riêng mình là các chiến binh samurai. Tokugawa Ieyasu lên nắm quyền năm 1660, phong đất cho những người ủng hộ ông, thành lập Mạc phủ ở Tokyo, đàn áp các hoạt động Kito giáo và thực hiện chính sách “tỏa quốc”, cắt đứt gần như mọi tiếp xúc với thế giới bên ngoài… Đến giữa thế kỷ 19, sau hơn hai trăm năm thống trị, chế độ Mạc phủ lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng. Nhật Bản vẫn là một nước nông nghiệp lạc hậu dựa trên nền tảng phong kiến. Dân làm ruộng phải chịu tô thuế nặng, lại bị mất mùa, lâm cảnh bần cùng… Trong khi đó thương nghiệp lại bùng phát với lợi điểm hải cảng lớn, nhà buôn phát giàu nhanh chóng… Về mặt xã hội, Nhật Bản lúc bấy giờ vẫn duy trì chế độ đẳng cấp với quyền bính do các đại danh (daimyō) và võ sĩ (samurai) nắm cả… Giai cấp tư sản tư sản công thương nghiệp ngày càng giàu lên nhưng không có quyền lực về chính trị, lại bị đánh thuế nặng nên xung khắc với thống trị của Mạc phủ chuyên chế. Yêu cầu lật đổ Mạc phủ, cải cách xã hội bùng lên, nhưng còn chưa đủ sức…
Chính trong tình thế giằng co đó, “Phó Đề Đốc Perry đã đến”. Mạc phủ Tukugawa phải ký nhiều điều ước rất bất lợi với các quốc gia phương Tây. Sau lời reo “May thay”, Fukuzawa viết: “Sự kiện này là một cơ hội tốt cho cải cách… người dân bắt đầu nhận ra chính sách của Mạc phủ nhu nhược và thiếu hiệu quả như thế nào. Mặt khác, qua việc tiếp xúc trò chuyện với những người nước ngoài, đọc sách phương Tây và các bản dịch từ tiếng phương Tây, người dân hiểu được rằng, một chính quyền như Mạc phủ, kể cả có bạo ngược hung tàn đến mấy chăng nữa, sức người cũng hoàn toàn có thể đánh đổ được. Việc này cũng giống như thể một người điếc và mù lòa đột nhiên nghe rõ được âm thanh, nhìn thấy được ánh sáng.”
Như vậy đấy, nếu ở Việt Nam mối đe dọa đến từ phương Tây gây ra sự kháng cự bằng cả vũ trang, thì Nhật Bản lại tìm thấy cơ hội thức tỉnh để lật đổ chuyên chế kìm hãm, và cả ánh sáng của triển vọng phát triển thành văn minh, để giữ được độc lập. Hai lựa chọn khác nhau, sẽ đưa đến kết quả trái ngược.
Tuy nhiên, sự thức tỉnh không diễn ra đơn giản một chiều. Nó cần những bước rèn luyện dần từ tự phát cảm tính bồng bột ban đầu trở thành chuyển động căn bản của đất nước và xã hội, đầy ý thức, có thể làm thay đổi căn bản tình thế và vận mệnh dân tộc. Sáng suốt và sâu sắc, Fukuzawa phân tích: “Kể từ thời lập quốc, đây là lần đầu tiên dân chúng trong nước tiếp xúc với người nước ngoài. Việc này cũng giống như thể đang từ trong màn đêm tịch mịch đột nhiên lọt vào giữa buổi trưa chói chang náo nhiệt; mọi thứ đập vào mắt họ đều kì quặc quái dị, chẳng có thứ gì mà họ ưa cho nổi….” Nên thoạt tiên trong dân chúng đã bùng phát một tình cảm và một phong trào bài ngoại triệt để. Fukuzawa gọi đó là kiểu “tinh thần yêu nước nhưng thô ráp” của “những con người chưa trưởng thành, nhưng khi sự phồn thịnh của tổ quốc đã trở thành mục đích của họ, họ trở thành những công dân hoàn toàn vì cái chung”. Trong lúc đó, Mạc phủ vì vai trò của mình, buộc phải đứng ra giao thiệp và nhượng bộ với nước ngoài. Càng khiến dân chúng phẫn nộ, Mạc phủ lâm vào tình thế lưỡng nan, bị kẹp vào giữa chủ trương bài ngoại và người nước ngoài. Phong trào bài ngoại ngày càng lớn, không còn gì ngăn cản nổi. Họ nêu khẩu hiệu “bài ngoại”, “phục cổ”, “tôn hoàng”, “đảo Mạc”. Cuộc cách mạng đánh đổ Mạc phủ, khôi phục vị trí của Thiên hoàng, mà Fukuzawa gọi là “nguyên nhân gần” của công cuộc Minh Trị Duy Tân, đã diễn ra như vậy. “Tuy vậy,” ông viết tiếp, “việc bài ngoại mà lẽ ra sẽ là việc tiếp theo ngay tức khắc sau thành công của công cuộc cách mạng [lật đổ Mạc phủ] đã không diễn ra”, bởi vì “cái đích [của cuộc cách mạng] ấy không phải là phục hồi vương quyền, cũng chẳng phải là bài ngoại. […] lý do của cuộc cách mạng không phải là vì Hoàng gia, và kẻ địch cũng không phải là Mạc phủ. Đây là cuộc chiến giữa trí lực [của giai cấp tư sản và nhân dân đang lên] và sự chuyên chế [của Mạc phủ kìm hãm]. Đó là nguyên nhân xa.” Nguyên nhân chính.
“Sau khi đất nước mở cửa giao thương, cái nguyên nhân xa này được các tư tưởng văn minh phương Tây hỗ trợ, dần dần lớn mạnh lên.” Như vây, để mở ra cuộc chiến thì “cần có mũi tên tiên phong [tức phong trào bài ngoại và lật đổ Mạc phủ] để lôi kéo mọi người […] trở thành một cuộc cách mạng […] nhưng sau khi ca khúc khải hoàn thì càng lúc càng thấy rõ là những chủ trương đó mới yếu thế và chung chiêng làm sao.” Đến lúc này, cần và đã xuất hiện một nhân tố mới: “Mọi người dần dần từ bỏ sức mạnh của nắm đấm thuần túy mà tập hợp cùng các nhóm trí thức.” Trí lực “ngày càng lớn mạnh, làm cho tinh thần yêu nước thô ráp ngày một tinh tế, làm cho kẻ [yêu nước] non nớt trưởng thành lên”. Và còn một điều quan trọng: Cũng chính “trí lực” được “tinh tế hóa”, trở nên sáng suốt, anh minh đó mới có thể nhận ra và tận dụng một lợi thế mới tuyệt vời: ánh sáng và sức mạnh của văn minh phương Tây do chính kẻ định xâm lược mang đến. Một nền tảng tư tưởng mới. Có tất cả những cái đó thì Nhật Bản mới giữ vững được mình (mà Fukuzawa gọi là “chính thể”), bảo toàn được độc lập và phát triển.
Và quả Nhật Bản đã đứng vững được, là nước châu Á duy nhất đứng vững được trước bão táp của cuộc toàn cầu hóa lần thứ nhất và phát triển vô cùng ngoạn mục.
Có lẽ nên tạm dừng ở đây đôi chút để thử nói về sự giống nhau và khác nhau giữa Việt Nam và Nhật Bản cùng thời. Đối mặt với uy hiếp đến từ phương Tây, ở Việt Nam bấy giờ cũng bùng lên một cuộc bài ngoại mạnh mẽ, thậm chỉ bằng bạo lực vũ trang, điều mà theo Fukuzawa là biểu thiện của một tinh thần yêu nước “thô ráp”, “của những kẻ [anh hùng mà] non nớt”. Nhưng khác với Nhật Bản, tinh thần yêu nước thô ráp đó đã không thể được chuyển thành tinh tế, làm cho kẻ [anh hùng] non nớt trưởng thành lên. Bời vì kỳ thực nó cũng không có mục đích trở thành “tinh tế” và “trưởng thành”. Khi tiếp xúc với những người đến từ phương Tây nó chỉ dị ứng với kẻ lạ, thậm chỉ coi họ là một bọn “Tây di”, lũ mọi rợ phương Tây. Cuộc va chạm với phương Tây không tạo nên ở ta cơ sở để đòi hỏi một cuộc cách mạng xã hội hướng tới văn minh, như người Nhật, dưới sự dẫn dắt của những tri thức tiên tiến, mà Fukuzawa Yukichi là người đứng đầu. Có lẽ ở ta chỉ có một người tương tự, xuất hiện một cách đột xuất gần như đến khó hiểu, khó giải thích – Phan Châu Trinh. Ông là người duy nhất thời bấy giờ không chỉ thấy ở người Pháp đang kép đến một bọn xâm lược hung hãn, mà còn nhận ra được qua họ một nền văn minh tốt đẹp mà ông tha thiết mong ước cho dân tộc mình để có thể trường thành và sánh vai cùng họ. Chỉ có thể thực hiện điều đó duy nhất bằng con đường “Khai dân trí”, “Chi bằng học!” chứ không thể bạo lực, thì mới có được độc lập thật sự và bền vững. Không thể bạo lực, tuyệt đối không bạo lực, “bạo lực tắc tử!”, không phải vì nhân dân Việt Nam thiếu dũng khí, mà vì vấn đề là văn minh, muốn giữ vững và phát triển thì phải thoát khỏi u mê, trở nên văn minh, như họ, như phương Tây, mà văn minh thì không thể chiếm lấy được bằng bạo lực!… Nhưng ông đã vô cùng đơn độc, trong thời kỳ của mình và cả về sau này nữa. Dân tộc và xã hội không nghe được tiếng gọi thống thiết hướng đến nền văn minh của ông, bởi vì cái nền tảng xã hội trên đó ông đứng chỉ là một xã hội nông dân với lòng yêu nước nồng cháy mà quá “thô ráp”. Và cái tầng lớp sĩ phu nảy sinh trên nền tảng đó cũng chỉ có thể là tri thức của một xã hội nông nghiệp lạc hậu, một lớp tri thức đầy khí tiếp mà “thô ráp”, không hình thành được giai cấp tư sản dân tộc, tự mình cũng không thể “tinh tế hóa” nổi, nói gì đến dắt dẫn ai! Đấy chính là bi kịch lịch sử của Việt Nạm, còn dể lại di hại cho đến tận bây giờ.
Cuốn sách này có tên là Bàn về văn minh, hay “Khái lược về văn minh luận”. Cũng có thể gọi là “Giáo trình về văn minh”. Hoặc cũng có thể gọi cách khác nữa, dài dòng nhưng cụ thể và chính xác hơn: “Giáo trình về việc làm thế nào để lòng yêu nước chính đáng mà thô ráp trở thành tinh tế, đạt đến văn minh, đặng có thể giữ được độc lập và phát triển hùng cường?” Bài học Nhật Bản cho thấy, sau phong trào yêu nước bài ngoại, thì tiếp đó, từ đó cần phải có một công cuộc giáo dục quốc dân ráo riết, hết sức tích cực, rộng rãi, kiên trì thì mới có thể đi đến được “trí lực” tinh tế để thành công. Công việc to lớn, khó khăn ấy tất phải do một tầng lớp tri thức yêu nước tiên tiến, là những người thầy học của dân tộc, nảy sinh từ tầng lớp tư sản dân tộc đang lên, sáng suốt và dũng cảm trách nhiệm. Fukizawa Yukichi là người đứng đầu trong số những người thầy đó của dân tộc Nhật trong bước chuyển lịch sự sống còn. Suốt đời ông không đảm nhiệm bất cứ chức vụ nào trong bộ máy công quyền. Suốt đời ông tập trung khai hóa cho đạo đức. [Cũng như Việt Nam không thiếu dũng khí.] Cái Nhật Bản thiếu là trí tuệ”. Kiên quyết thoát Á trì đọng, tối tăm. Hướng về trí tuệ văn minh phương Tây sáng sủa, tốt đẹp. Thì mới cứu được dân tộc trong phong ba của tiến hóa.
Người Nhật ngày nay coi ông là ân nhân số một của dân tộc. Chân dung ông được in trên tờ bạc có mệnh giá cao nhất của Nhật, tờ 10.000 yên. Có lẽ cũng chỉ có người Nhật mới làm vậy: dành vị trí cao nhất, không phải cho một vị vua, một vị tướng, mà một nhà giáo dục.
Mỗi lần nói về Nhật Bản, lại không thể không nghĩ về văn minh. Sau hàng trăm năm đấu tranh và mấy cuộc chiến tranh liên miên, khốc liệt và anh hùng, chúng ta đã có được độc lập. nhưng chúng ta còn một món nợ cái bước tự luyện mình, dân tộc mình từ “thô ráp” đến “tinh tế” để thật sự thành văn minh như người Nhật đã làm dưới sự dắt dẫn của những tri thức vĩ đại như Fukuzawa Yukichi, cái bước ấy ta chưa đi qua.
Cho nên cuốn sách này của Fukuzawa Yukichi vẫn còn nguyên tính thời sự với chúng ta, vẫn là cuốn giáo khoa mẫu mực về con đường văn minh cho ta.
Đầu xuân Mậu Tuất
N.N.
Mời các bạn đón đọc Bàn Về Văn Minh của tác giả Fukuzawa Yukichi.