Đinh Tiến Luyện sinh ngày 8 tháng 2 năm 1947 tại Thận Thượng Kiến Xương Thái Bình. Viết văn từ năm 1965 tại Sài Gòn. Ông là tác giả những tác phẩm mộng mơ viết cho tuổi mới lớn. Thư ký tòa soạn và họa sĩ cho tuần báo Tuổi Ngọc 1971-1975. TÁC PHẨM: Suối đá mây (Truyện dài 1968) Giọt nước mắt Hồng (Truyện dài 1969) Quê hương mật ong (Truyện dài 1970) Một loài chim bé nhỏ (Truyện dài 1970) Anh em Kiến Vàng (Truyện dài 1971) Dũng sĩ Kiến Nâu (Truyện dài 1972) Những dám mấy hồng (Truyện dài 1972) Trong nhật ký của Quỳnh (Truyện dài 1972) Vuông cỏ hẹn (Truyện dài 1973) Anh Chi yêu dấu (Truyện dài 1974) Chủ nhật uyên ương (Truyện dài 1974) Thời nhỏ của nàng (Truyện dài 1974) Chùm hoa trắng rụng xuống sân tình yêu (Truyện dài 1991) Gửi về những ngày xưa thân ái (Tập truyện ngaắn 1991) Bầy chim trắng trong sân trường (Truyện dài 1991) Sân cỏ ước mơ (Truyện dài 2002) Bài Học Yêu (Truyện dài 2003) Bốn anh em nhà Kiến Gió
DẾ MÈN, SAU KHI LÀM NGẨN NGƠ cả đám khán giả Hội Chợ Mùa Xuân, bèn vội vã đi tìm nơi yên tĩnh nằm nghỉ soạn thơ, soạn nhạc và có khi là viết tiếp hồi ký. Chàng ta đã có một thuở đi phiêu lưu khắp đó đây và đã ghi lại rất lý thú trong tập hồi ký của chàng, những trận đụng độ cùng Dế Trũi với đám Châu Chấu Voi, những chuyến mạo hiểm mưu tìm hòa bình trong xứ Kiến. Anh em Kiến Vàng đã đọc hết tập hồi ký ấy và rất khâm phục tác giả Dế Men.
– Đứng lại!
– Anh Dế Mèn, chúng tôi là bạn hữu mà.
– Cứ đứng lại, cách xa ta ba bước.
Anh em Kiến Vàng đứng lại. Kiến Em quay sang hỏi anh:
– Liệu có phải nghinh chiến không anh?
– Chắc là không, nhưng cũng phải đề phòng, vì vốn dòng giống Dế Mèn và dân tộc ta cũng không được thân thiện với nhau lắm.
Kiến Anh ngoài ba bước, ba bước của Dế Mèn, nói với Dế Mèn:
– Nếu không phiền, bạn cho phép chúng tôi tới gần nói chuyện Kiến Em có vẻ không bằng lòng, nói khẽ với anh:
– Sao mình lại chịu lép vế vậy?
Anh nó xuỵt:
– Lịch sự mà. Phải ăn nói cho bảnh nói năng với nhà văn vụng về, họ cười thối mũi ra ấy.
Kiến Em có vẻ bất cần, hai cái râu nó đung đưa và đôi ngàm muốn hoạt động, hậm hực có vẻ không ưa vẻ phách lối đối diện mấy.
Dế Mèn bước tới một bước, nhún giọng:
– Chẳng hay các bạn muốn gì, cứ nói.
Kiến Anh cũng tiến tới:
– Chúng tôi là những kẻ ưa đi đó đây, đã từng đọc cuốn hồi ký “Dế Mèn phiêu lưu” của anh và rất thích. Tình cờ tôi vừa được nghe anh hát ở Hội Chợ và tìm đến anh, hỏi thăm anh vài chuyện văn nghệ.
Dế Mèn “à” mừng rỡ và bắt râu bắt chân anh em Kiến Vàng rối rít:
– Thì ra chính các bạn hồi nãy đã lên sân khấu kể chuyện phiêu lưu, tôi tới trễ nhưng cũng còn được nghe đoạn các bạn đột nhập xứ Người vĩ đại. Các bạn thật gan dạ!
Kiến Em vênh râu lên khoe:
– Chính tôi đã tấn công một đứa trẻ, nó khóc thét lên sợ hãi!
Kiến Anh gạt lời em đi:
– Cũng chẳng có gì để huênh hoang cả đâu anh ạ. Sau đó chúng tôi đã bị một phen chí tử, tưởng bỏ xác rồi chứ.
Dế Mèn gặp bạn đồng chí hướng có vẻ tương đắc, hỏi thăm, chuyện trò rối rít:
– Trên quãng đường phiêu lưu lắm chuyện nguy hiểm thế đó. Chính tôi và em Dế Trũi cũng xuýt nguy đến tính mạng khi lạc vào xứ Kiến.
– Tôí có đọc đoạn nhật ký anh ghi về xứ Kiến chúng tôi, tiếc là dân tộc chúng tôi đã không đối xử xứng đáng với ý định cao cả mưu tìm hòa bình của các anh. Không biết có phải vì thế mà khi ghi nhật ký, anh có vẻ… chê trách dân tộc chúng tôi sống làm như vô tổ chức, thiếu văn minh..
Dế Mèn vội ngắt lời:
– Nhật ký ghi lại cuối mỗi ngày, không khỏi lầm lẫn được anh ạ. Sau này khi viết hồi ký, tôi nhìn lại tổng quát sự việc đã xảy ra, ngẫm nghĩ lại, tôi nhận ra rằng dù biết khắp nơi, vẫn không thấy dân tộc nào sống tập thể có tổ chức như dân tộc Ong và dân Kiến các anh.
Anh em Kiến Vàng có lẽ đã tạm quên tự ái dân tộc với lời vuốt ve ấy, chúng hỏi thăm Dế Mèn:
– Công việc vận động hòa bình của các anh tới đâu rồi?
Dế Mèn ngửa mặt nhìn lên trời xanh:
– Cũng tạm gọi là hoàn tất. Cái mộng lớn lao của tôi là làm sao tất cả các dân tộc đều sống hòa bình với nhau.
– Đồng ý thế, chúng tôi rất tán đồng với anh, và Hội Chợ Mùa Xuân vừa qua chứng tỏ là các dân tộc có thể sống hòa đồng với nhau dễ đàng.
– Duy có loài người vĩ đại…
Dế Mèn còn đang ngập ngừng, Kiến Em đã nói phăng ra:
– Sao mà ta thù thế không biết nữa.
Dế Mèn nhớ lại một thời:
– Nhất là bọn trẻ con người, nó hay bắt họ hàng chúng tôi đùa nghịch, nhiều bạn bè tôi đã chết tàn nhẫn, què cẳng cụt râu mất xác cũng vì chúng. Chính tôi có lần bị chúng bắt bỏ tù trong cái hộp quẹt tối tăm, may là tôi đã thừa dịp thoát khỏi.
– Dân tộc chúng tôi thường sống chung với người và chả mấy khi được họ đối đãi tử tế. Cái đám trẻ con người ấy cũng hay vô cớ giết chúng tôi tàn nhẫn. Chúng tôi thì không, nhưng các bạn Kiến Đen tôi vẫn thường bị chúng vặt râu và cho đánh lộn với nhau để chúng xem, mà như anh biết đó, Kiến Đen hiếu chiến có chết mới buông nhau ra. Chết thật lãng nhách.
Kiến Em hăng hái đề nghị:
– Chúng tôi đã có lần diễn thuyết hô hào đứng lên chống lại loài người đòi quyền sống. Nay gặp anh khoẻ mạnh hiệp lực, hẳn là sẽ có muôn loài khác theo và chúng ta sẽ lập một đạo quân hùng mạnh tiêu diệt hết sạch loài người.
Dế Mèn lắc đầu:
– Loài người vĩ đại và tinh khôn ta chẳng nên gây sự với họ làm gì, và nếu có nói chuyện hòa bình, có lẽ họ cũng chẳng bao giờ thèm nghe. Tốt hơn hết là ta đừng thèm sống gần họ. Vì số người mà biết thương yêu các sinh vật nhỏ bé như chúng ta rất ít.
Kiến Anh thấy câu chuyện hướng về phê phán loài người kỹ quá, bèn lảng sang chuyện hỏi thăm Dế Mèn:
– Thế còn Dế Trũi, bạn anh, chẳng hay giờ này anh ta ở đâu mà chúng tôi không được gặp?
Dế Mèn vuốt râu:
– Em ta đã từ biệt ta đi lấy vợ từ ít tháng nay.
– Thật hạnh phúc, Kiến Anh hỏi, thế còn anh, anh độ rày có hay đi chu du nữa không?
– Từ ngày mẹ hiền tôi thác đi, Dế Mèn sụt sịt, mẹ tôi thác đi mà tôi không về kịp để được gục bên mẹ khóc thương, tôi buồn quá. Dạo này tôi ít đi đây đó cũng chỉ vì để thời giờ ghi lại thuở thơ ấu sống bên mẹ, tôi đã viết cả ngàn trang sách mà vẫn cảm thấy chưa đủ để ca tụng tình mẫu tử. Ôi, tình mẫu tử bao la, tuyệt vời, chữ nào viết cho cùng, lời nào tả cho siết.
Trong một phút nhớ thương mẹ già, Dế Mèn kể lể, than vãn khiến cho anh em Kiến Vàng bỗng cảm thấy nhớ nhà vô cùng.
Dế Mèn hỏi:
– Chắc các bạn ra đi đã lâu, thế nào cũng đã trở về thăm nhà một lần rồi chứ?
Kiến Anh lắc đầu:
– Chưa anh ạ.
Kiến Em hăng hái:
– Chúng tôi vẫn còn ham đi lắm.
Dế Mèn từng trải, ra vẻ thế, vì dù sao chàng ta cũng đã một thời giang hồ mòn gót chân khắp đây đó trước anh em Kiến Vàng. Dế Mèn khuyên bạn:
– Các anh còn trẻ, đường còn dài, ta đi cho hết tuổi xanh cũng được, nhưng đi lâu rồi ta cũng nên trở về thăm nhà một thời gian ngắn các anh ạ, biết đâu cha mẹ ta đã già yếu và đang mòn mỏi trông đợi ta. Đừng như tôi, đi cho thật xa, rồi khi trở về chẳng còn được nhìn thấy mẹ, tiếc thương sao cho đủ hay chỉ còn để hối hận.
Kiến Em không có vẻ màng gì tới Ịời khuyên của Dế Mèn, nhưng trong mắt Kiến Anh đã đùn đầy thương nhớ, nhớ nhà, nhớ bố mẹ và nhớ thầy Mối Già. Nó là đứa trẻ có một trái tim lớn, dễ xúc động và luôn luôn để thương nhớ đủ mọi hình ảnh đã xa. Nỗi nhớ nhà làm nó khờ người hẳn ra, y như buổi sáng đầu tiên giẫm chân trên đất lạnh, mới bỏ xa nhà được mấy bước!
Kiến Anh quay sang nói với em:
– Anh Dế Mèn nói phải đó, chúng ta đi đã lâu, đã gọi là hơi xa, bây giờ chúng ta nên tính chuyện hồi hương thăm nhà. Sao anh cảm thấy nhớ bố mẹ quá. Không biết bố mẹ giờ này ở nhà làm ăn ra sao, không biết mùa lụt lội và mùa Đông qua nhà mình có đủ ăn không. Anh e rằng…
Nói chưa dứt Kiến Anh đã òa khóc nức nở. Thấy thế Kiến Em, dù là đứa bé có trái tim không dễ gì thổn thức và lúc nào cũng nóng bốc lửa đỏ lên với những đấm đá và hơn thua, so tài với ai, bất cứ lúc nào, nhìn anh bỗng dưng chẳng phải đau đớn, khổ sở gì mà cũng khóc, nên nó cũng mủi lòng rơm rớm nước mắt.
– Chúng ta về thăm nhà một thời gian ngắn anh nhé. Em cũng thấy nhớ Kiến Nâu, Kiến Càng và bốn anh em nhà Kiến Gió. Không biết khi bọn mình đi anh em thằng Kiến Đen ở nhà có khỏi trở lại tác yêu tác quái trong lớp như trước nữa không. Nếu còn em sẽ về vặn đầu chúng nó.
Ta có đi tới đâu, đi tới bao giờ, dù là cảnh vật muôn nơi đẹp vô vàn và mỗi bước là mỗi bước thích thú thế nào đi chăng nữa thì cũng chẳng làm sao khiến ta xóa nhòa được những hình ảnh của quê hương, nơi mà cha mẹ đã sinh ra ta và nuôi dưỡng ta lớn khôn. Nhất là nơi đó còn những đôi mắt thân yêu đang mòn mỏi trông chờ. Làm sao không khỏi vương vấn quê hương, vâng, chính quê hương có một sợi chỉ nhỏ cột vào chân chúng ta, nên dù chúng ta có đi xa muôn dặm thì đôi chân cũng có lúc thấy vướng mắc bởi sợi chỉ ấy. Và quê hương nhắc gọi chúng ta trở về, thăm lại hình ảnh thuở thiếu thời.
– Như thế có phải là chân ta đã mỏi rồi sao anh?
– Không, chúng ta còn nhiều dịp, nhiều thời giờ để tiếp tục đi và đi xa hơn nữa. Chúng ta chỉ về thăm nhà và nghỉ chân trong một thời gian ngắn thôi.
Tạm biệt Dế Mèn, anh em Kiến Vàng hẹn trên đường phiêu lưu sẽ còn nhiều dịp để gặp nhau. Dế Mèn dặn:
– Khi nào có chuyện gì hoặc nhớ đến tôi các anh nhờ nhà phóng viên Chuồn Chuồn đưa tin cho tôi biết với nhé. Vắng tin các bạn tôi sẽ mong lắm đấy.
– Vâng, chúng tôi sẽ nhớ. Có thể là sau chuyến đi xa này về, anh em tôi sẽ nghỉ ngơi một thời gian ngắn đủ để chép hồi ký, chẳng dám nào khoe khoang với ai, nhưng cũng để gọi là góp vui với anh một chút. Thằng em tôi đây, tuy thế mà văn chương chữ nghĩa cũng nhiều lắm đấy.
Kiến Em được khen khoái chí, nó nhắm tịt mắt. Kiến Anh đá vào hông nó:
– Sửa soạn lên đường hồi hương thôi.
Trên đường trở về thăm nhà, trong đầu óc hai đứa nở đầy những hình ảnh cũ.
Bố mẹ, thầy giáo, bạn bè rủ nhau đông đủ ra đón anh em Kiến Vàng tận đầu làng.
Ai nấy đều mừng rỡ khi thấy bóng dáng kẻ đi xa trở về.
– Và chúng ta sẽ có khối chuyện để kể, anh nhỉ.
ĐINH TIẾN LUYỆN
(tháng 7 – 1971)
Mời các bạn đón đọc Anh Em Kiến Vàng của tác giả Đinh Tiến Luyện.
Nguồn: https://www.dtv-ebook.com.vn