Chuyên ngành Cơ Điện Tử – quyển sách thứ tư trong bộ “Bách khoa” giáo dục nghề trình độ cao của Tủ sách Nhất Nghệ Tinh – vừa mới ra đời. Trước đó chúng ta đã biết đến ba quyển trong tủ sách này là Chuyên ngành Cơ khí; Chuyên ngành Điện & Điện tử; Chuyên ngành Ôtô và xe máy hiện đại.
Tất cả các quyển sách đó đã được đón nhận nồng nhiệt từ mọi giới liên quan, học viên cho đến các thầy giáo, người làm công tác quản lý nhà nước. Đây là một thành quả đáng kể của một tập thể gồm 25 người dịch và hiệu đính, làm việc liên tục trong ba năm liền.
Cơ Điện Tử là nội dung tiếp nối hai quyển đầu Chuyên ngành Cơ khí và Chuyên ngành Điện & Điện tử. Người ta có thể đoán, cuốn sách vừa mới ra đời này là “kết hợp” của cơ khí và điện tử. Đúng, nhưng quyển sách này hơn hẳn “tổng số” của hai quyển trên. Cơ điện tử không thuần túy kết nối cơ khí và điện, hay điện tử hiểu đơn giản, mà còn sâu xa hơn. Với sự phát triển công nghệ những năm 1980-1990, các ngành đã phân nhánh nhanh chóng, và cơ điện tử cố gắng tập hợp lại các ngành con đó. Nó là một lĩnh vực liên ngành của khoa học bao gồm các lĩnh vực như kỹ thuật cơ khí, điện tử, kỹ thuật máy tính, kỹ thuật thông tin, kỹ thuật hệ thống, và kỹ thuật điều khiển. Từ cơ điện tử ban đầu được sáng tạo ra bởi Tetsuro Mori, một kỹ sư của Yaskawa Electric Corporation, được đăng ký độc quyền khá sớm (1971), nhưng sau đó tự nguyện từ bỏ độc quyền để thế giới có thể cùng sử dụng.
Chính vì thế mà việc học cũng kéo dài hơn, vì phải biết rộng hơn, và “sức mạnh” của nó cũng nhân lên hơn. Khả năng tìm việc làm cũng được mở rộng vào nhiều ngành công nghiệp. Để công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế, sinh viên của ngành này là vô cùng cần thiết, một cách đa dạng, và chuyên viên cũng là những người hoạt động “đa năng”.
Cho nên sinh viên học ngành cơ điện tử phải học các khóa trong nhiều ngành khác nhau như cơ khí, khoa học vật liệu, kỹ thuật điện, kỹ thuật máy tính, khoa học máy tính, lập trình, kỹ thuật điều khiển, và kỹ thuật ánh sáng…
Các kỹ sư, kỹ thuật viên cơ điện tử, do có một trình độ hiểu biết liên ngành, cho nên có thể làm trong rất nhiều ngành công nghiệp, như lắp ráp ô tô, robotic, không gian vũ trụ, công nghệ y khoa (khoa chế tạo các bộ phận con người để hỗ trợ những người mất khả năng bình thường), khai thác mỏ, quốc phòng, tương tác người và máy, các máy bay không người lái, trong các phòng thí nghiệm, các công ty “high tech”… và dĩ nhiên trong cả ngành giáo dục.
Nguồn: https://www.thuvienpdf.com