Năm 1963 chúng tôi cho in quyển tập gồm tám truyện ngắn ngoại quốc nhan đề là Những truyện thương tâm, hai năm sau tuyệt bản.
Năm 1966 ông Giản Chi rút ra một truyện – truyện Kiếp sống thừa, cho vào Tuyển tập Lỗ Tấn; và năm ngoái chúng tôi lại rút ra một truyện nữa – truyện Trời biết đấy nhưng còn đợi – cho vào phần phụ lục bộ Chiến tranh và Hòa bình của Léon Tolstoi.
Để thay hai truyện đó, chúng tôi đưa vô bốn truyện khác đều dịch từ lâu:
– Người chỉ huy cua John Steinbeck
– Một cuộc ráp của John Steinbeck
– Người báo hiệu của Charles Dickens
– Lão Râu Quản của Đỗ Quang Đình
Nhan đề cũ không còn hợp nữa, chúng tôi đổi lại là Mưa.
Vậy tuyển tập mới này gồm cả thảy mười truyện của sáu danh sĩ Pháp, Anh, Mĩ, Trung Hoa.
Sáu danh sĩ, mỗi nhà có một bút pháp riêng, nhưng kĩ thuật đều là cổ điển – cổ điển theo cái nghĩa trái với kĩ thuật trong loại “tân tiểu thuyết” (nouveau roman) của Pháp ngày nay; và tuy có nhà không nói ra nhưng chắc chắn đều nghĩ như Tolstoi: “Chỉ vì tánh cách không vị lợi mà nghệ thuật mới được thiên hạ tôn sùng” và đều chủ trương như Somerset Maugham: “Cứ sáng tác cho nghệ thuật, làm vui người đọc người nghe rồi (…) độc giả thông minh sẽ tự rút ra được một bài học”.
Mười truyện ngắn, mỗi truyện một vẻ; truyện thì mỉa mai cay độc, truyện thì bình dân mà lại chua xót, truyện thì buồn man mác, truyện thì mơ màng hoặc rùng rợn, khung cảnh cũng rất thay đổi: từ một khách sạn ở Pháp thế kỉ XVIII hoặc một tửu lầu ở Trung Hoa thế kỉ thứ VII, tới cảnh dông tố kinh hồn trên Thái Bình Dương, cảnh một cái đầm trong veo, nên thơ mà huyền ảo giữa một khu rừng ở Apia, cảnh một đám sương mù uốn khúc bò lên từng đợt từ một vũng lầy hôi hám ở Mĩ….
Nhưng truyện nào cũng rất hấp dẫn, hễ đã bắt đầu đọc là không thể ngừng được nữa, tình tiết rất đột ngột, kết cấu hầu hết bất ngờ, vì chúng tôi nghĩ một truyện hay thì trước hết phải có những đặc điểm đó đã. Nhiều truyện đọc xong làm cho chúng ta miên man suy nghĩ về những yếu đuối, mâu thuẫn, những đau khổ, chiến đấu của con người, chiến đấu với thiên nhiên, với số mạng, với kẻ khác và cả với bản thân mình nữa; và chúng ta phải nhận rằng triết lí không phải chỉ nằm trong các bộ luận thuyết khô khan mà còn tiềm tàng trong các truyện ngắn dài bất hủ của nhân loại. Danh sĩ nào cũng là một triết nhân. Chính nhờ có một nhân sinh quan đẹp, một bút pháp cao mà họ mới được hậu thế trọng vọng.
Sài Gòn ngày 15-4-1969
Dịch giả