Kỹ Thuật Trồng Và Uốn Tỉa Bonsai

Kỹ Thuật Trồng Và Uốn Tỉa Bonsai

Tác giả:
Thể Loại: Nông - Lâm - Ngư
Nguồn: https://www.thuvienpdf.com
PDFĐỌC ONLINE

Bonsai là loại kiểng lùn được trồng trong chậu cạn. Từ trước đến nay, hễ nói đến kiểng Bonsai thì nhiều người ngộ nhận cho rằng cây kiểng này có từ nguồn gốc tại Nhật, chứ không phải một nước nào khác.

Thật ra, Bonsai thoát thai từ loại Bồn Cảnh của Trung Hoa, có từ lâu đời, có thể trước Công Nguyên của mấy ngàn năm. Thế nhưng mãi đến đời nhà Đường phong trào thưởng ngoạn kiểng cổ thụ trồng trong chậu cạn mới được giai cấp phong lưu của Trung Hoa “phục hưng” trở lại. Và từ đó thú chơi Bồn cảnh được phổ biến rộng rãi trong dân gian.

Do có một nền văn minh lâu đời, và cũng do từ khởi thủy Trung Hoa là nước chuyên về nông nghiệp, đâu đâu cũng có núi non hùng vĩ, sông nước hữu tình, nên bản tính của người Trung Hoa rất yêu thiên nhiên, thích sống gần thiên nhiên… Tình yêu hoa kiểng như đã được ẩn chứa tiềm tàng từ trong huyết quản và tim óc của họ vừa có chiều rộng lẫn cả chiều sâu. Chiều rộng là phát triển mạnh, đều khắp, và chiều sâu là họ biết vận dụng triết lý Kinh Dịch vào nghệ thuật trồng bồn cảnh này. Có người còn biểu tỏ tình cảm và nguyện vọng của mình vào cây kiểng để tạo cho cây mang một ý nghĩa đặc biệt, và từ đó lại tăng thêm phần giá trị…

Thú chơi Bồn cảnh từ đó mới được nhiều nước ở châu Á biết đến và du nhập về, trong đó có Nhật Bản…

Người Nhật thấy vẻ đẹp thiên nhiên điển hình trong những cây cổ thụ bị kìm hãm trong chậu này quá độc đáo nên dần dần họ tạo nên một trường phái riêng, đến nỗi sau này khi nói đến Bonsai, nhiều người cứ nghĩ loại hình nghệ thuật này có cái nôi từ nước Nhật.

Đúng ra người Nhật đã bắt đầu thích thú với loại kiểng lùn này từ cả ngàn năm trước. Họ coi Bonsai là một thứ nghệ thuật đầy tính sáng tạo, vừa trồng vừa biết cách kìm hãm cây kiểng để có một cây nhỏ bé đặt trong chiếc chậu cạn, hoặc cái khay nhỏ mà vẫn mang được nét cằn cỗi già nua như một cây đại thọ cùng loại mọc tự do ngoài trời.

Có thể bạn thích sách  Hỏi Đáp Làm Vườn Trên Đất Dốc

Đã có thời người Nhật coi bộ môn nghệ thuật này có tính cách tôn giáo, dùng dâng cúng thần linh. Họ đã viết nhiều sách, dựng nhiều vở tuồng, và cũng có những truyền thuyết về cây kiểng lùn Bonsai đáng yêu đáng quí của họ.

Có một truyền thuyết của người Nhật mà chúng tôi có lần được biết đến, có nội dung như sau :

“Danh tướng Hojo Tokiyori vào đầu thế kỷ thứ 13 là vị tướng tài từng lập được nhiều chiến công hiển hách, đến nổi trong thành ngoài nội mọi người đều kính trọng ông như một vị thần.
Thế nhưng, vốn là người không muốn trói chân trong vòng danh lợi, nên ông xin từ quan để xuất gia tu hành theo đúng sở nguyện bấy lâu của mình.

Thế là Hojo Tokiyori trở thành một đạo sĩ thường chu du khắp chốn, từng lê chân đến những nơi thủy tận sơn cùng làm bạn với trăng thanh gió mát, nhưng vẫn không xao nhãng việc trừ tà diệt bạo cứu khốn phò nguy nên đến đầu dân chúng càng ngưỡng mộ ông hơn.

Một đêm nọ Trời làm bão tuyết, nhà nhà đều đóng cửa để tránh cái rét thấu xương, Hojo Tokiyori không thể tìm ra một nơi trọ nghỉ nên đến gõ cửa một căn nhà tranh ở vệ đường để xin trọ qua đêm.

Chủ nhân là một người bần hàn lam lũ nhưng rất hiếu khách. Anh ta nhận ra vị khách quí của mình và rất xót xa khi thấy trong căn nhà nghèo nàn ọp ẹp không thể tìm đâu ra một thanh củi nhỏ để gầy một bếp lửa cho vị danh tướng sưởi ấm tạm thời. Bất giác anh ta nhìn lên chậu Bonsai đặt trên kệ, vốn là của gia bảo của mấy đời ông cha truyền lại, và đi đến quyết định dứt khoát.

Anh ta đứng lên với lấy cây rựa và nhấc cây kiểng Bonsai cổ thụ quí hóa lên chặt và chẻ ra từng thanh củi nhỏ…

Chủ nhà hành động nhanh đến nỗi, khi vị thượng khách phát giác ra được thì đã muộn màng. Thế là một bếp lửa được nhúm lên, những tia lửa nhỏ nhoi yếu ớt tuy có xua đuổi được phần nào cái rét cóng xương, nhưng vẫn không xua tan được sự áy náy tràn ngập trong lòng vị danh tướng, trước tấm thịnh tình hiếu khách của gia chủ.

Có thể bạn thích sách  Sổ Tay Phương Pháp Cùng Tham gia Làm Tài Liệu Đào Tạo Khuyến Lâm

Người Nhật mê thưởng thức Bonsai, và cả ngàn năm sau họ vẫn trung thành với nghệ thuật sáng tạo độc đáo riêng của mình. Năm thế căn bản là thế Trực (thẳng đứng) thế hơi nghiêng (hay thế xiên), thế nghiêng (hay thế hoành), thế nằm (còn gọi là thế ngọa) và thế thác đổ (hay Huyền nhai) vốn được coi là những thế cổ xưa nhất của Bonsai, vẫn được người Nhật sử dụng một cách nhuần nhuyễn, nhờ vào kinh nghiệm nhiều đời của nghệ nhân truyền lại. Đến nỗi, ngày nay nhìn một chậu Bonsai tuyệt tác nào dù ở dưới Trời u hay Á, nằm trong một trong năm thế cổ xưa vừa kể, người thưởng ngoạn cũng buột miệng khen “Đó là kiểu Nhật!” Thật đáng khen thay và cũng đáng khâm phục thay !

Quả thật, Bonsai rất thích hợp với tâm hồn người Nhật. Một cảnh vật thiên nhiên trong khuôn khổ nhỏ bé do nghệ thuật sáng tạo khéo léo mà thành, chẳng khác nào thể thơ “Hai-Kai” mà người Nhật ưa thích : bài thơ đòi hỏi chỉ có 17 âm tiết mà vẫn diễn tả được đầy đủ tình cảm mãnh liệt, hoặc bộc lộ được hết trạng thái tinh thần một cách đầy đủ.

Tại Việt Nam, thú chơi Bonsai chỉ được người mình biết đến khoảng nửa thế kỷ nay thôi. Hơn chục năm đầu, chỉ có một số ít nghệ nhân hoa kiểng ham thích, rồi những năm sau đó loại kiểng lùn trồng trong chậu cạn này mới được nhiều người ưa chuộng.

Cũng giống như người Trung Hoa, người Việt Nam cũng thích trồng hoa kiểng và thưởng thức cái đẹp của hoa kiểng. Bằng chứng cho thấy ngay từ thời xa xưa, từ thành thị đến thôn quê, trước sân nhà nào cũng lập ra một vườn hoa, với mục đích trước tiên là làm cho… tươi nhà đẹp cửa, sau nữa tiện thể sẵn hoa “cây nhà lá vườn” hái vào cắm vào lộc bình để cúng ông bà ông vải, khỏi phải tốn công đi chợ ха…

Có thể bạn thích sách  Bảng thành phần thực phẩm Việt nam

Trồng kiểng cổ là thú tiêu khiển của người già, giới thanh niên không mấy ai thích. Thế nhưng, khi đã… bén mùi với Bonsai thì lạ thay, lứa tuổi nào cũng có cùng chung một mối đam mê ! Mà xét ra kiểng Bonsai đâu có khác gì kiểng cổ, trừ ra sự lớn nhỏ mà thôi !

Ngày nay, kiểng lùn trồng trong chậu cạn này không còn xa lạ gì đối với đại chúng. Bất cứ ai đã từng chơi hoa kiểng cũng đều thích trồng và cũng thích có năm ba chậu để chưng bày.

Số lượng Bonsai của các nhà vườn sản xuất và bán ra trong năm, nhất là trong dịp Tết Nguyên Đán không còn là con số nhỏ, số lượng có thể vượt hẳn các loại hoa kiểng khác.

Vì rằng, càng ngày càng có nhiều người nhận ra được những cái hay, cái đẹp, cái ý nghĩa tiềm ẩn trong nghệ thuật sáng tạo độc đáo này. Nó như một sự phù phép mà không phải phù phép : một cây bứng trồng trong chậu cạn với một vốc đất, do được bàn tay nghệ nhân cây cảnh nhiều kinh nghiệm uốn nắn, ta xén mà trở thành một cây cổ thụ cằn cỗi, mang đúng những đặc tính của một cây đại thụ cao to nhiều tuổi tác ở ngoài đời. Cây kiểng trong chậu tuy nhỏ bé gấp trăm lần, thậm chí cả ngàn lần, nhưng vẫn có khả năng sống được hằng trăm năm, hơn tuổi tác của một đời người !

Ngay chúng tôi đã từng có nhiều năm nghiên cứu về Bonsai, cũng đã từng viết vài ba cuốn sách về Bonsai, nhưng mỗi khi gặp đề tài này vẫn cứ bị thu hút, vẫn cứ thích viết, vì vẫn có nhiều điều, nhiều chuyện muốn đề cập tới…

Hy vọng cuốn sách này sẽ đem lại cho quí vị vài kinh nghiệm bổ ích về nghệ thuật trồng và thưởng thức Bonsai.