Ai cũng rõ Kim Dung nổi tiếng với thể loại tiểu thuyết võ hiệp, nhưng mấy ai biết ông cũng là một bậc thầy của tiểu thuyết tình yêu. Truyện của ông không chỉ có đao kiếm trùng trùng mà còn thấm đượm tình cảmmượtmà.
Có một người đã phát hiện ra điều này từ lâu, đó là cố nhà văn nữ Tam Mao. Sinh thời bà cũng là một người hâm mộ Kim Dung, trong buổi nói chuyện với nhà khoa học nổi tiếng Thẩm Quân Sơn, bà đã nói:
“Tôi cho rằng có một dạng chỉ dựa vào trí tưởng tượng, ví như ngài Kim Dung, tôi rất khâm phục ông ta. Tôi có rất ít thời gian để xem tiểu thuyết võ hiệp, nhưng truyện của Kim Dung tôi đều đã xem qua. Về mặt sáng tác tôi và ông ta không hề giống nhau, những điều ông ta viết là từ không mà thành
có, nhưng lại rất thật, về mặt hình thức là tiểu thuyết võ hiệp”.
“Tôi đã từng nói với Kim Dung, sao ông chỉ viết tiểu thuyết võ hiệp? Ông đã viết về một chữ mà người ta xưa nay không giải quyết được, làm bao người điên đảo: đó chính là ‘chữ tình’”.
“Tác phẩm của tôi với Kim Dung tuy không giống nhau, nhưng có một điểm về bản chất lại giống nhau. Đó chính là ‘chữ tình’”(Tam Mao “Trong mơ biết bao cánh hoa đã tàn”).
Tam Mao là nhà văn có cá tính, bà đã xem tiểu thuyết Kim Dung với con mắt rất khác.
Điều đó không có gì lạ lùng, khó lý giải. Cũng như tác phẩm “Hồng lâu mộng”, cha đẻ của tác phẩm này gọi đây là một “tiểu thuyết tình yêu”, nhưng Lỗ Tấn lại bảo “mỗi người có cách nhìn khác nhau, người bình thường thì thấy đây đúng là một câu chuyện tình cảm lâm ly, nhưng nhà cách mạng lại thấy đây là một tác phẩm thể hiện sự phản kháng chế độ phong kiến Mãn Châu…”. (“Trung Quốc tiểu thuyết sử lược”).
Có thể thấy rằng sáng tạo và tiếp nhận là hai chuyện khác nhau, tác phẩm hay hay dở là bởi cách nhìn của người xem. Một nhà văn kiệt xuất phải khắc phục được hạn chế và khó khăn này.
“Hồng lâu mộng” cũng vậy, tiểu thuyết Kim Dung cũng thế.
Trong tiểu thuyết Kim Dung, không chỉ có nhân, trí, hiệp nghĩa, văn, võ…; có những câu chuyện phản Thanh phục Minh, phản Mông phục Tống; bí ẩn chốn cung cấm, giả sử giang hồ… Ngoài ra còn có cả những câu chuyện tình yêu gây xúc động lòng người. Tam Mao đã nhờ có trực giác của một phụ nữ, sự nhạy cảm của một nhà văn mà phát hiện ra điều này.
Chữ “tình” đã khiến cho chúng sinh điên đảo, gây nên biết bao câu chuyện đau thương hạnh phúc, dệt nên biết bao giấc mơ cho bao thế hệ con người.
Ở đây chữ “tình” có nghĩa hẹp và nghĩa rộng, nghĩa rộng của tình yêu bao gồm tình yêu đôi lứa, cha con mẹ con, vợ chồng, dân tộc… Nghĩa hẹp của tình yêu là nói về tình yêu trai gái, “là một sự ngưỡng mộ mãnh liệt về tinh thần và xác thịt giữa nam và nữ” (“Luận về tình yêu”).
Thế giới tình yêu trong tiểu thuyết Kim Dung vô cùng phong phú, dù ở nghĩa hẹp hay nghĩa rộng. Nhưng để xác định rõ chủ đề, trong quyển sách này chúng ta chỉ luận bàn về tình yêu đôi lứa.
Tiểu thuyết võ hiệp mà có tình yêu, điều này không chỉ riêng có ở tác phẩm Kim Dung. Ngay từ đời Thanh cũng đã có, ví như trong tác phẩm “Nhi nữ anh hùng truyện” , đây là tác phẩm tương đối khá nhất vào thời đó, cho đến thời cận đại, thì xuất hiện những tác phẩm của Lý Định Di. Thập kỷ 30, xuất hiện “Uyên ương hồ điệp phái” với những tác phẩm như “Quỳnh lâu xuân tình” , “Triều lộ tương tư” của Vương Độ Lư, Cải Huyền Dịch. Đây là những tác phẩm lớn nhất thời bấy giờ, có ảnh hưởng rất lớn đến tiểu thuyết võ hiệp sau này.
Đến thập kỷ 50 ở hải ngoại lại nổi lên phái “Tiểu thuyết võ hiệp kiểu mới” , hầu như đều cập đến chuyện tình yêu nam nữ. Thậm chí có không ít tiểu thuyết, bề ngoài là tiểu thuyết võ hiệp nhưng chỉ viết về tình cảm và dục vọng trai gái.
Trước Kim Dung thì có Lương Vũ Sinh với bộ “Bạch phát ma nữ truyện” gây được tiếng vang lớn; sau Kim Dung thì có Cổ Long với bộ “Đa tình kiếm khách vô tình kiếm” cũng được nhiều người biết đến.
Vậy thì tác phẩm của Kim Dung có điểm nào khác với họ?
Nguồn: https://www.thuvienpdf.com