Đây là cuốn sách dịch một số bài tiểu luận văn học của các nhà nghiên cứu trên thế giới, về phương pháp nghiên cứu văn học. Sách do nhiều người dịch, trong đó có Đỗ Lai Thúy và cũng chính ông này viết lời giới thiệu. Đây cũng là một tài liệu tham khảo hữu ích đối với những người học văn và làm về văn học.
Nghiên cứu văn hóa ở Việt Nam không phải là công việc đến bây giờ mới được tiến hành, trái lại, với truyền thống của một đất nước ngàn năm văn hiến, cha ông ta từ lâu đã làm công việc sưu tầm, ghi chép và nghiên cứu văn hóa. Nhưng nếu hiểu văn hóa học với tư cách một ngành khoa học thì ngành khoa học ấy ở Việt Nam lại đang ở giai đoạn ban đầu. Nếu phải kể tới công trình khoa học văn hóa đầu tiên thì có lẽ đó chính là công trình Việt Nam văn hóa sử cương của giáo sư Đào Duy Anh, bản in lần đầu do Quan hải tùng thư công bố tại Huế vào năm 1938. Hơn sáu thập kỉ trôi qua những công trình nghiên cứu các thành tố cụ
thể của văn hóa Việt Nam đã ra đời như những cột mốc đã được cắm trên đường nghiên cứu, một số công trình văn hóa học về văn hóa Việt Nam đã được xuất hiện.
Để xây dựng được kịp thời khoa Văn hóa học Việt Nam, chúng tôi nghĩ, một mặt phải tìm về cội nguồn di sản lí luận văn hóa của cha ông, mặt khác tiếp thu có chọn lọc tinh hoa lí luận văn hóa, tri thức văn hóa học nước ngoài. Xuất phát từ những suy nghĩ ấy cùng với các số tạp chí ra hàng tháng, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, cơ quan ngôn luận của Bộ Văn hóa – Thông tin về nghiên cứu, lí luận, phê bình, thông tin văn hóa, nghệ thuật chủ trương xây dựng Tủ sách Văn hóa học. Với tủ sách này, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật sẽ lần lượt giới thiệu những công trình văn hóa học ở các nước phương Tây, Liên Xô (cũ) và Liên bang Nga hiện nay, Trung Quốc, Mỹ v.v… đã quen thuộc với giới văn hóa học nước ngoài, mà chưa được giới thiệu rộng rãi ở Việt Nam, như Cành vàng J. Frazer, Hình thái học truyện cổ tích và Những gốc rễ lịch sử của truyện cổ tích thần kì, Lễ hội nông nghiệp Nga, Folklore và thực tại của V.Ia Propp, một số tác phẩm nhân học văn hóa của các nhà khoa học Đức, Pháp, Mỹ, Trung Quốc v.vv… Chúng tôi hi vọng, bằng sự cung cấp những tư liệu của ngành văn hóa học ở nước ngoài như vậy, các nhà nghiên cứu Việt Nam sẽ chắt lọc được
những tư liệu, những kinh nghiệm quý để xây dựng khoa Văn hóa học còn đang ở giai đoạn ban đầu ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ công bố những công trình văn hóa học về văn hóa Việt Nam của các nhà khoa học trong nước trong tủ sách này, như công trình Văn hóa Việt Nam, tìm tòi và suy nghĩ của giáo sư Trần Quốc Vượng, Góp phần nghiên cứu văn hóa tộc người của cố giáo sư Từ Chi… Lần này, Tủ sách Văn hóa học xuất bản công trình Sự đỏng đảnh của phương pháp nhằm giới thiệu với bạn đọc một cách tương đối hệ thống các lí thuyết và phương pháp nghiên cứu trong văn hóa nghệ thuật suốt hai thế kỉ qua ở phương Tây. Ngoài việc cung cấp kiến thức tham khảo, mở rộng không gian nghiên cứu cuốn sách muốn thức nhận một điều là cùng với sự phát triển của con người và xã hội, các lí thuyết văn hóa cũng không đứng im, mà luôn phát triển bằng con đường vừa kế thừa vừa thay thế nhau. Bởi vậy, từ sự đỏng đảnh này, có thể rút ra: không có một phương pháp nào là tuyệt đối. Và việc ứng dụng một phương pháp nào đó với tư cách là phương pháp chủ đạo là tuỳ thuộc vào trường hợp cụ thể, cố nhiên vẫn dùng các phương pháp khác làm bổ trợ.
Xây dựng khoa Văn hóa học ở Việt Nam là công việc có ý nghĩa nền tảng, góp phần vào công việc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, cần sự đóng góp tâm huyết và trí tuệ của nhiều nhà nghiên cứu, nhiều bậc trí giả cùng đông đảo bạn đọc. Do đó, chúng tôi ý thức rằng, Tủ sách Văn hóa học của Tạp chí Văn hóa nghệ thuật chỉ là một đóng góp nhỏ nhoi. Chúng tôi hi vọng sẽ nhận được sự cộng tác, sự đóng góp, chỉ bảo chân tình của các nhà nghiên cứu, các bậc trí giả để Tủ sách Văn hóa học của Tạp chí Văn hóa nghệ thuật ngày một phong phú và phát triển.
Nguồn: https://www.thuvienpdf.com