Cộng hòa Pháp là một nước dân chủ theo thể chế Cộng hòa Tổng thống Trung ương tập quyền. Trong khu vực cũng như trên thế giới, nước Pháp luôn có vị trí rất đặc biệt: là một trong các quốc gia sáng lập Liên minh châu Âu EU, là thành viên sáng lập của tổ chức NATO và Liên Hiệp Quốc, một trong năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Ngoài việc nắm giữ vai trò quan trọng trong hệ thống kinh tế – chính trị toàn cầu, Pháp còn là một trong những cái nôi của văn minh thế giới, có tầm ảnh hưởng văn hóa rộng lớn, và là quê hương của các triết gia Khai sáng.
Mặc dù là một trong những dân tộc được “khai sáng” đầu tiên của nhân loại với những triết gia và lý thuyết gia về chính trị như Montesquieu và Rousseau, từng trải qua cuộc Cách mạng Tư sản đầu tiên trên thế giới năm 1789, nhưng con đường tiến đến nền Cộng hòa Pháp không hề dễ dàng, đơn giản. Chế độ chính trị Pháp trước năm 1789 là một chính thể Quân chủ thế truyền chuyên chế, mọi quyền lực đều nằm trong tay Nhà Vua. Ngày 3/9/1791, Bản Hiến pháp đầu tiên được Quốc hội Pháp thông qua đã mở đầu một thời đại mới: Thời đại Hiến trị thành văn, thời đại mà Quyền lực Nhà nước được qui định rõ ràng trong văn bản chính thức.
Giữ vai trò trung tâm trong hệ thống chính trị Cộng hoà Pháp là các Tổng thổng. So với các nước châu Âu khác, chức vụ Tổng thống ở Pháp có lịch sử tồn tại lâu đời hơn cả và là một vị trí có nhiều quyền lực thực sự, có quyền chọn Thủ tướng và thành viên chính phủ.
Trong số hơn 20 vị nguyên thủ của quốc gia rộng lớn này, có nhiều Tổng thống rất nổi tiếng, vang danh lịch sử nước Pháp và thế giới như: Louis-Napoléon Bonaparte (1848-1852) (tự phong làm Hoàng Đế năm 1852, cai trị đến năm 1870 thì nền Cộng hòa thành lập); Charles de Gaulle, người giải phóng nước Pháp khỏi ách phát xít, lập nên nền Cộng hòa đệ Ngũ; Georges Pompidou (1969-1974); Valéry Giscard d’Estaing (1974-1981); François Mitterrand (1981-1995); Jacques Chirac (1995-2002)… Nhưng cũng có những Tổng thống hầu như vô danh, không mấy ai biết đến.
Trải qua hơn hai thế kỷ với nhiều biến động thăng trầm diễn ra trong phạm vi nước Pháp do các tranh chấp quyền lực nội bộ, các chế độ chính trị khác nhau đã liên tiếp được thiết lập trên đất Pháp, mỗi chế độ được thể hiện bằng một Hiến pháp qui định chức năng của các cơ cấu nắm giữ Quyền lực Nhà nước.
* * *
Thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Việt Nam từ ngày 12/4/1973 nhưng thực ra, nước Pháp có một mối quan hệ, gắn bó và ràng buộc với dân tộc Việt Nam từ hơn 150 năm trước. Những mối quan hệ về lịch sử dẫn tới những mối quan hệ về văn hoá, chính trị… và ngày nay, trên đất nước Việt Nam, trong suy nghĩ của con người, trong đời sống văn hóa văn học nghệ thuật cũng như các thể chế chính trị vẫn mang những dư âm và ảnh hưởng của nền văn hóa Pháp.
Chính vì lẽ ấy, việc tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử, văn hóa và dân tộc Pháp có vai trò quan trọng đối với người Việt Nam. Cuốn Chân dung các Nguyên thủ Pháp (Chef de L’Etat) mà AlphaBooks xuất bản cũng phần nào thể hiện mối quan tâm đó. Với cuốn sách này, lần đầu tiên, chân dung toàn bộ 22 nguyên thủ Pháp – những bức chân dung không thể thiếu trong bức tranh lịch sử nước Pháp – được giới thiệu chi tiết, sống động đến các độc giả Việt Nam.
Chúng tôi tin rằng cuốn sách sẽ mang lại những thông tin hữu ích và hấp dẫn, những bài học về cuộc đời, sự nghiệp của những người đứng đầu nước Pháp và qua đó, giúp độc giả hiểu sâu sắc hơn những đặc điểm văn hoá, lịch sử và chính trị của nước đất Pháp, con người Pháp.
Xin trân trọng giới thiệu với các độc giả.
Nguồn: https://www.thuvienpdf.com