Cuốn sách “Sống Vốn Đơn Thuần” của Phong Tử Khải là một tác phẩm mang đậm tinh thần tôn giáo và triết học, nhưng cũng chứa đựng những bài học sâu sắc về cuộc sống hàng ngày. Với 41 bài tản văn và 43 bức tranh, tác giả đã tạo ra một bức tranh rất sống động về những trải nghiệm và suy tư của mình.
Sống vốn là một chuyện đơn giản, nhưng để sống đơn giản thì không hề dễ dàng. Đó là việc tu tâm, giữ cho tấm lòng luôn chân thành và tinh tế, sống thật với bản thân và với người khác. Đồng thời, đơn giản cũng là về trí tuệ, việc hiểu biết và nhìn nhận thế giới một cách đơn giản và sâu sắc, không phức tạp.
Cuốn sách này khuyến khích độc giả hãy sống một cách tự do và phóng khoáng, tận hưởng cuộc sống mà không bị ràng buộc bởi những khó khăn và trở ngại. Nó khẳng định rằng sự bình thản và sự đơn giản là chìa khóa để trải qua cuộc sống một cách hạnh phúc và an lạc.
Từ những trang sách của “Sống Vốn Đơn Thuần,” người đọc có thể học được những bài học quý báu về cách sống đơn giản mà ý nghĩa, về cách đối diện với những thách thức của cuộc sống một cách từ tâm và sâu sắc. Cuốn sách này là một nguồn cảm hứng và động viên lớn cho những ai đang tìm kiếm ý nghĩa và hạnh phúc trong cuộc sống đầy biến động này. Mời các bạn đón đọc cuốn sách Sống Vốn Đơn Thuần của tác giả Phong Tử Khải
—-
“Văn và tranh của anh như những bài thơ ngắn, chúng tôi nhấm nháp mãi mùi vị ấy như ăn quả ô liu vậy”- CHU TỰ THANH(Nhà tản văn, nhà thơ, học giả Trung Quốc)
“Dưới ngòi bút của ông, từng cánh hoa rơi đều chứa chan tình ý chốn nhân gian “- DU BÌNH BÁ(Nhà tản văn, nhà thơ, nhà Hồng học Trung Quốc)
“(Phong Tử Khải) chỉ dùng vài nét bút đã vẽ ra cá tính của nhân vật. Trên mặt không có mắt, nhưng chúng ta có thể nhận ra ông đang nhìn gì; không có tai, song có thể nhận ra ông đang nghe gì, cảnh giới thể hiện nghệ thuật bậc cao chính là như vậy”- RABINDRANATH TAGORE(Nhà thơ, nhà văn, triết gia Ấn Độ)
“Đề tài ông chọn vốn không phải thứ gì thực dụng hoặc sâu xa, bất kỳ sự vật nhỏ bé vụn vặt nào tới ngòi bút của ông đều thấm đượm một nét phong vận kỳ diệu.”- TANIZAKI JUNICHIRO(Nhà văn Nhật Bản)
► Đừng bỏ qua sách này nhé:
CHƯƠNG 1: SÁNG TỎ THÔNG SUỐT
Mọi sự vật sự việc mà tôi từng thấy, từng nghe, từng làm trong ba mươi năm cuộc đời đều được ghi chép và khảo chứng kỹ càng, mà cũng chỉ chiếm một góc trong trang sách, một phần nhỏ vô cùng trong cả quyển.
Tin chắc rằng trong vũ trụ có một quyển sổ lớn như thế, để hóa giải hết thảy băn khoăn và day dứt trong tôi.
DẦN
Trong những điều kỳ diệu khiến cuộc sống ngày càng suôn sẻ, chẳng gì bằng “dần dà”; mà các biện pháp tạo hóa hay dùng để lừa gạt con người, cũng chẳng gì bằng “dần dà”. Bất giác đứa bé hồn nhiên ngây thơ đã “dần dà” trở thành gã trai bừng bừng dã tâm; cậu trai hào sảng khẳng khái “dần dà” trở nên người lớn lạnh lùng tàn nhẫn; người lớn nhiệt tình hăng hái “dần dà” thành ra lão già gàn dở. Vì sự thay đổi diễn ra dần dần, từng năm từng năm, từng tháng từng tháng, từng ngày từng ngày, từng giờ từng giờ, từng phút từng phút, từng giây từng giây, như đi từ triền dốc dài thoai thoải xuống, không thấy được độ dốc, cũng không cảm giác được từng chặng đường, cứ ngỡ như mình vẫn đang ở một vị trí, không hề thay đổi, lại liên tục nảy sinh những hứng thú và giá trị, từ đó cuộc sống được khẳng định và ngày càng suôn sẻ. Nếu giả sử cuộc sống thay đổi không giống triền núi mà như nhịp phách cung đàn, đang từ Do thình lình chuyển sang Re, cũng như đứa bé đêm qua thoắt chốc đã thành cậu trai sớm nay; hoặc như nhịp điệu “nhảy cóc” từ Do sang Mi, tựa hồ sớm còn trẻ trung mà chiều đà tóc bạc, con người ta ắt sẽ kinh ngạc, bùi ngùi, buồn bã hoặc đau xót trước cái vô thường của cuộc đời mà không muốn làm người nữa. Thế mới biết cuộc đời vốn duy trì ở cái “dần dà” vậy. Điều này có lẽ càng dễ thấy hơn ở phụ nữ: Trong ca kịch, thiếu nữ như hoa trên sân khấu chính là bà lão bên bếp lửa ngày sau. Câu này thoạt nghe thì khó tin, thiếu nữ cũng không chịu thừa nhận, nhưng thực sự những bà cụ hiện giờ đều do các thiếu nữ như hoa “dần dà” trở thành.
Sở dĩ con người chống chịu được qua vật dời sao đổi, cũng đều nhờ “dần dà” trợ giúp. Con cháu nhà giàu sang vì phá sản liên tiếp mà “dần dà” sạch bách của nả, thành ra người nghèo; người nghèo chỉ có thể đi làm thuê, làm thuê thường lại thành nô lệ, nô lệ dễ hóa ra vô lại, vô lại rất gần với ăn mày, ăn mày chẳng nề trộm cắp… Những ví dụ như thế nhan nhản cả trong tiểu thuyết lẫn ngoài đời. Vì thay đổi trong cuộc sống thường kéo dài mười, hai mươi năm, “dần dà” từng bước một, khiến người trong cuộc không cảm nhận được biến chuyển gì lớn. Bởi thế tuy đã đến nước đói nghèo bệnh tật khổ sở đọa đày, vẫn nắm níu luyến lưu niềm vui sống trước mắt. Ví như một kẻ tiền rừng bạc bể đột nhiên trở thành ăn mày hay kẻ trộm, hẳn đã căm uất không muốn sống nữa.
Đây là quy luật bí ẩn của tự nhiên, cũng là năng lực diệu kỳ của Thượng Đế! Âm dương biến chuyển, xuân đến thu đi cùng những tươi héo sinh diệt của vạn vật, đều tuân theo quy tắc này. Từ mùa xuân đâm chồi “dần dà” thành mùa hạ bóng mát, từ mùa thu tiêu điều “dần dà” thành mùa đông quạnh quẽ. Tuy chúng ta đã trải mấy chục phen nóng lạnh, nhưng đêm đông ôm chăn ấm bên lò sưởi vẫn khó mà tưởng tượng được tâm tình ngày hè uống nước đá phe phẩy quạt; trái lại cũng thế. Song mùa đông từng ngày từng ngày, từng giờ từng giờ, từng phút từng phút, từng giây từng giây chuyển mình sang hạ, mà hạ cũng từng ngày từng ngày, từng giờ từng giờ, từng phút từng phút, từng giây từng giây trở thành đông, âm thầm kín đáo, chẳng có dấu hiệu nào rõ rệt. Sáng tối cũng vậy: Chập tối ngồi bên song cửa đọc sách, trang sách “dần dà” tối đi, nếu vẫn đọc tiếp (thị lực sẽ dần tăng lên khi ánh sáng yếu dần) thì gần như sẽ mãi mãi nhận được mặt chữ trên giấy, nghĩa là không nhận thấy ngày đã thành đêm. Bình minh rọi song, chăm chú ngắm phương đông không chớp mắt, thì cũng không nhận ra dấu vết đêm chuyển sang ngày. Con cái dần lớn khôn, cha mẹ kề cận bên cạnh có lẽ không thấy khác biệt, song họ hàng lâu lâu gặp mặt lại không nhận ra. Giao thừa năm trước chúng ta từng ngồi bên nến hồng đợi thủy tiên nở, đúng là ngốc nghếch! Nếu thủy tiên thực sự nở ngay trước mặt cho chúng ta xem thì quy luật tự nhiên đã bị phá hỏng, cội nguồn vũ trụ lung lay, ngày tàn của nhân loại sắp đến.
Tác dụng của “dần dà” là che giấu những vết tích biến thiên của sự vật và chảy trôi của thời gian bằng cách thay đổi từng chút một, thật chậm, thật nhỏ, khiến người ta cứ ngỡ là chưa hề đổi thay. Thực là một âm mưu xảo quyệt của con tạo nhằm bỡn cợt con người! Ví dụ một chuyện thế này: có anh nông dân nọ mỗi sáng ôm con nghé nhảy qua lạch, ra ruộng làm việc, chiều lại ôm nó nhảy qua lạch về nhà. Ngày qua ngày, chưa từng gián đoạn. Một năm sau, nghé lớn lên, nặng dần, sắp thành trâu đến nơi, song anh nông dân không nhận ra, vẫn ôm nó nhảy qua lạch. Một hôm, anh bận việc nên nghỉ ra đồng, từ hôm sau thì không cách nào ôm con trâu ấy nhảy qua lạch nữa. Tạo hóa trêu đùa khiến con người ta đắm chìm trong niềm vui sống từng giờ từng ngày mà không thấy những biến đổi và khổ cực của nó như thế đấy. Con người ngày ngày đều ôm con trâu mỗi lúc một nặng nhảy qua lạch, không chịu dừng lại, lầm tưởng thế là bất biến, thực ra mỗi ngày một vất vả thêm!
Tôi cho rằng đồng hồ là vật tượng trưng giống với cuộc đời nhất. Kim đồng hồ thoạt nhìn tưởng như “bất động”, thực ra trong số các vật nhân tạo, nó lại là thứ chạy nhiều nhất. Cuộc sống đời thường cũng vậy. Lúc nào cũng thấy ta là ta, tựa hồ cái “ta” này mãi mãi không thay đổi, hay đâu vẫn vô thường như kim đồng hồ mà thôi! Đến hơi thở cuối cùng còn ngỡ ta vẫn là ta, ta không hề thay đổi, vẫn lưu luyến cuộc sống của ta, tiếc rằng lại bị “dần dà” dối gạt.
Bản chất của “dần dà” là thời gian. Tôi cảm thấy thời gian còn kỳ diệu hơn không gian, giống như âm nhạc – nghệ thuật của thời gian còn bí ẩn hơn hội họa – nghệ thuật của không gian vậy. Vì dẫu không gian rộng lớn đến đâu, thậm chí là vô hạn, thì chúng ta luôn có thể nắm được một đầu của nó, nhận thức được một điểm của nó. Còn thời gian thì hoàn toàn không cách nào nắm giữ, cũng chẳng thể níu kéo, chỉ có quá khứ và tương lai liên tục đuổi bắt nhau giữa hư vô mù mịt. Đã hư vô mù mịt, không thể nghĩ bàn, vậy mà vẫn chiếm vai trò khá lớn trong cuộc sống. Khái niệm về thời gian của con người dường như chỉ đủ để sắp đặt những khoảng thời gian ngắn như đáp thuyền ngồi tàu; còn đứng trước quãng thời gian dài đằng đẵng cả trăm năm như một đời người, họ không cách nào đương nổi, thông thường chỉ chú trọng tiểu tiết mà không nhìn được toàn thể. Cứ nhìn trong số hành khách đi tàu mà xem, thường hay có những người thấu đáo, kẻ thà hy sinh bản thân, nhận lấy cái vất vả tạm thời để nhường chỗ ngồi cho người già yếu, hòng đổi lấy tâm trạng thư thái (hoặc tiếng khen nhất thời); nguời thấy hành khách chen nhau xuống tàu thì lùi lại nhường đường hoặc lớn tiếng nhắc nhở: “Đừng chen lấn, rồi ai cũng xuống được mà!”, “Mọi người đều sẽ xuống được thôi!” Nhưng khi ngồi trên con tàu lớn mang tên “xã hội” hay “thế giới”, những hành khách đi tuyến đường dài “suốt cuộc đời” lại rất hiếm ai thấu suốt được lẽ ấy. Thế nên tôi cảm thấy tuổi thọ trăm năm thực quá dài. Giống như con người trong thế giới ngày nay vậy, nếu cuộc đời họ chỉ ngắn ngủi như một lần đáp thuyền ngồi tàu, có lẽ xã hội loài người đã bớt được rất nhiều tranh đấu thảm khốc nguy hiểm, chưa biết chừng lại đầy chan hòa nhường nhịn như trên tàu hỏa cũng nên.
Song trong số nhân loại cũng có vài người đương được cuộc đời trăm năm hoặc ngàn năm đằng đẵng. Đó là “nhân cách lớn”, “cuộc đời lớn”. Không bị “dần dà” qua mặt, không bị tạo hóa bỡn cợt, họ thu được cả thời gian và không gian vô hạn vào trái tim nhỏ bé của mình. Bởi vậy Phật mới thu cả núi Tu Di vào hạt cải. Như Bạch Cư Dị, nhà thơ Trung Quốc thời xưa từng viết, “Vỏ sên xó ấy sao tranh mãi, đá lửa vòng kia đã gửi thân.” Hoặc nhà thơ Blake của Anh cũng nói, “Thấy cả thế gian trong hạt cát, trông khắp thiên đàng giữa đóa hoa; trong tay chứa đựng vô vàn, chỉ trong nháy mắt mà thành thiên thu.”
Viết năm 1925
—-
Nguồn: https://ebookvie.com