Vạn kiếp bất phục hữu quỷ thủ, thái bình nhân gian tồn Phật tâm.
Trừu ty bác duẫn giải thi ngữ, minh sát thu hào tẩy oan tình.
Nhất song quỷ thủ, chỉ vi trầm oan đắc tuyết;
Mãn hoài Phật tâm, duy nguyện thiên hạ thái bình.
Chúng sinh đều đeo mặt nạ, chỉ trong một ý niệm, người liền biến thành thú.
Tập thứ chín trong loạt truyện Bác sĩ pháp y Tần Minh, cũng là tập thứ ba của bộ Chúng sinh, đã ra mắt.
Các bạn trẻ ở Công ty Văn hoá Truyền thông Nguyên Khí Xã tạm thời đưa ra mục tiêu: series Bác sĩ pháp y Tần Minh gồm ba bộ, mỗi bộ sáu tập. Tôi biết, khi đọc được câu này, các độc giả của tôi chắc chắn sẽ rất vui. Thực ra bản thân tôi lại rất lo, lo rằng các bạn sẽ thấy nhàm chán, không thích series Bác sĩ pháp y Tần Minh nữa; lo rằng nguyên liệu sáng tác của mình cạn kiệt, không viết ra được những truyện hay nữa.
May sao, chúng ta không chỉ có mục tiêu, mà còn có cốt lõi về nội dung được quy hoạch dài kỳ.
Gần đây, tôi đã dành thời gian đọc lại toàn bộ tiểu thuyết trong series pháp y Tần Minh, sắp xếp lại mạch ý. Mặc dù tám cuốn sách này đã bao hàm hầu hết kiến thức pháp y và thường thức về thao tác thực tế, thậm chí còn có đủ những kiểu chết ly kỳ cổ quái, những câu chuyện ly kỳ không tưởng, những điều có thể viết, tôi đều đã viết cho các bạn đọc rồi, nhưng pháp y học mênh mông rộng lớn, còn rất nhiều những nội dung có thể khai thác được. Suy nghĩ đó đã khiến tôi có đủ niềm tin đối với công việc sáng tác tiếp theo.
Hơn nữa, tôi còn là một bác sĩ pháp y trong lực lượng công an của đất nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vinh quang. Mặc dù số lượng án mạng hiện tại đã giảm đi ba phần tư so với thời điểm tôi mới bắt đầu công tác, nhưng những nơi có người vẫn có những kẻ phạm tội. Công việc của tôi chính là kho nguyên liệu vô hạn, không bao giờ cạn kiệt. Mỗi người đều có câu chuyện cuộc đời của mình, có câu chuyện khiến người ta tiếc nuối, có câu chuyện khiến người ta thổn thức, tôi sẽ đưa những câu chuyện ấy thành những bài học. Tôi tin rằng khi đọc những câu chuyện trong series Bác sĩ pháp y Tần Minh, các bạn không chỉ được thỏa mãn sở thích đọc truyện, mà còn có những suy ngẫm: suy ngẫm về cái chết, suy ngẫm về sinh mệnh, suy ngẫm về nhân sinh, suy ngẫm về nhân tính… Hy vọng rằng những câu chuyện ấy sẽ hữu ích đối với cuộc sống sôi động của các bạn; hy vọng rằng những suy ngẫm ấy có thể giúp các bạn vững bước hơn trên đường đời, mang đến cho các bạn những bài học về nhân sinh.
Vì các bạn, tôi sẽ không dừng bước.
Những năm qua, tôi có cảm nhận là công việc pháp y đã dần có vị trí trong mắt của mọi người. Mỗi khi tôi giới thiệu mình là một bác sĩ pháp y, mọi người đã nhìn tôi với ánh mắt kính trọng, không còn vẻ coi thường như hai mươi năm trước. Tôi không biết liệu mình có cảm nhận nhầm hay không, cũng không biết liệu tôi có tạo ra được ảnh hưởng nào trong sự thay đổi đó, nhưng cảm giác về bản thân mình thật tốt đẹp.
Có khi, tôi nhận được các vụ án tố giác, khi biết tôi là bác sĩ pháp y Tần Minh, người tố giác sẽ đánh giá cao về kết luận giám định của tôi, cảm giác về bản thân mình lại càng tốt đẹp.
Nếu viết sách thực sự có thể góp phần tuyên truyền cho công việc pháp y, thì tôi đã đạt được nguyện vọng ban đầu. Điều này khích lệ tôi tiếp tục công việc tuyên truyền theo hình thức này và làm tốt hơn nữa.
Tôi lại trở về với chủ đề ban đầu, giải thích một chút tại sao series Bác sĩ pháp y Tần Minh lại viết thành bộ.
Rất nhiều bạn đã đọc nhiều truyện của tôi, có khả năng đã nhận ra, bộ Muôn hình vạn trạng gồm sáu tập là Người giải mã tử thi, Lời tố cáo lặng thầm, Ngón tay thứ mười một, Kẻ dọn rác, Người sống sót và Kẻ nhìn trộm, chủ yếu là miêu tả về công việc điều tra phá các vụ án mạng đầy lôi cuốn, cảm nhận về nhân tình thế thái, sự vật hiện tượng muôn hình muôn vẻ của thế gian qua những trải nghiệm của nhân vật chính trong truyện. Còn bắt đầu từ bộ Chúng sinh, mặc dù phong cách viết không thay đổi, nhưng chủ đề lại có sự thay đổi.
Vách núi tử thần bàn về trách nhiệm xã hội, còn Kẻ lãng quên bàn về tư tưởng nữ đức cổ hủ.
Bây giờ, là cuốn Búp bê.
Hai năm gần đây, trên mạng thường xuyên có tin bài về những vụ bạo hành gia đình, nhận được sự quan tâm rất lớn. Rất nhiều vụ án, người lãnh trách nhiệm cuối cùng vẫn là cảnh sát. Điều mọi người trách móc nhiều nhất là tại sao khi gặp những việc xấu như vậy mà cảnh sát lại không can thiệp? Nhưng rất ít người suy nghĩ về nguyên nhân của những vụ bạo hành gia đình, tìm hiểu về tâm lý băn khoăn do dự của người bị hại trong các vụ bạo hành gia đình, quan tâm đến những vấn đề khó khăn xuất hiện trong quá trình phá án và vấn đề kiện toàn pháp luật liên quan.
Nguyên nhân dẫn đến bạo hành gia đình là gì? Những kẻ bạo hành có trạng thái tâm lý như thế nào? Trạng thái tâm lý của nạn nhân bị bạo hành như thế nào? Điểm khó trong giải quyết các vụ bạo hành gia đình nằm ở đâu? Tại sao cảnh sát lại có nhiều điều khó xử?
Những vấn đề này, rất ít người quan tâm. Dẫu sao, gõ vài dòng trách móc trên bàn phím cũng dễ hơn rất nhiều.
Cho nên, tôi thấy cần biên tập lại một chút về những vụ án có liên quan đến bạo hành gia đình mà tôi đã từng kinh qua, đã từng xử lý, với mong muốn mọi người sẽ suy ngẫm về những vấn đề nói trên sau khi đọc những câu chuyện của người khác, hiểu sâu hơn về những vụ việc kiểu này. Như vậy, mọi người không chỉ có thể học được cách tự bảo vệ mình, mà còn có nhận thức toàn diện hơn về bạo hành gia đình. Trên cơ sở đó, nếu khiến cho nhiều người quan tâm hơn về hiện tượng bạo hành gia đình, giải quyết các vụ việc bạo hành gia đình từ tận gốc của vấn đề, sẽ có thể giảm bớt các vụ bạo hành gia đình.
Nếu chính mình bị bạo hành, nên làm thế nào? Lấy bằng chứng như thế nào? Làm cách nào để thoát khỏi tình cảnh khó khăn? Nếu người quanh mình bị bạo hành, bạn làm thế nào để thuyết phục được người đó, để người bị hại dũng cảm đấu tranh với hành vi phạm tội? Bạn phát hiện mầm mống tâm lý bất bình thường của người đó bằng cách nào? Làm thế nào để trạng thái tâm lý đã bị tổn thương của người đó bình thường trở lại?
Tôi hy vọng rằng các bạn có thể tìm được đáp án của mình qua cuốn sách này.
Điều tôi muốn nói là, nhà vốn là nơi an toàn nhất, nhưng một khi có bạo lực trong nhà, những điều tốt đẹp nhất cũng sẽ bị hủy hoại hoàn toàn. Bạo hành gia đình không phân biệt nặng, nhẹ, một khi đã xảy ra đều sẽ gây ra tổn thương.
Nếu gặp phải nạn nhân bị bạo hành gia đình trong cuộc sống hiện thực, bạn hãy đưa tay ra giúp đỡ, để họ hiểu rõ được hiện thực, dựa vào công cụ pháp luật để thoát ra khỏi bùn lầy; nếu bạn không may bị bạo hành, cũng đừng nuôi hy vọng hão huyền, lặng lẽ chịu đựng, bạo hành gia đình nếu đã xảy ra lần một, thì sẽ có lần hai.
Trong những gia đình xảy ra bạo hành, cho dù là có trực tiếp bị bạo hành hay không, mỗi người đều là nạn nhân.
Họ cũng giống như những con búp bê, cho dù bề ngoài có đẹp đẽ tươi sáng thế nào, như thể không có gì bất thường, nhưng những vết rạn nứt bên trong đều vô cùng đáng sợ. Chỉ khi thoát ra khỏi môi trường bạo hành gia đình, những vết thương hữu hình hoặc vô hình ấy mới dần được chữa lành.
Mong rằng trong cuộc sống tương lai của chúng ta, sẽ không còn bạo hành gia đình.
Như thường lệ, xin nói rõ, tên của tất cả các nhân vật, địa danh, tình tiết trong các câu chuyện đều là hư cấu, nếu có trùng hợp, tôi hoàn toàn không chịu trách nhiệm. Những nội dung chân thật, sát với cuộc sống trong cuốn sách chính là thái độ làm việc tâm huyết trách nhiệm, tinh thần cẩn trọng, chặt chẽ và những chi tiết suy luận xuất sắc của những cán bộ kỹ thuật hình sự trong lực lượng công an.
Tôi tin rằng mọi người có thể thấy được, có những người như thế, đang canh giữ bầu trời xanh mây trắng của đất nước.
Khi tôi viết lời mở đầu, những người dân Vũ Hán, nhân dân Trung Quốc đã thành công trong việc kiểm soát dịch Covid, nhưng ở nước ngoài dịch Covid vẫn đang hoành hành. Không biết khi cuốn sách này xuất bản, mọi người liệu có còn phải theo dõi tình hình dịch bệnh mỗi ngày.
Chỉ mong rằng thế giới của chúng ta, sẽ bình yên hơn, an toàn hơn.
Tần Minh
Ngày 1 tháng 5 năm 2020
Mời các bạn đón đọc cuốn sách Búp Bê của tác giả Pháp Y Tần Minh
—-
Phần dẫn 1
Trần Thi Vũ đeo chiếc ba lô nhỏ, tung tăng về đến khu nhà mình ở, lúc này đã chập choạng tối. Mái tóc ngắn đen nhánh óng mượt tinh nghịch bay theo bước chân cô bé. Bóng cô bé kéo dài dưới ánh hoàng hôn.
Sau này lớn lên, mình có cao được như thế này không nhỉ? Cô bé thầm nghĩ.
Khu dân cư nơi cô bé ở, ở ngay phía sau khu vực làm việc của Công an tỉnh, mặc dù được gọi là khu tập thể gia đình của Công an tỉnh, nhưng thực ra hầu hết những người ở đây đều hoàn toàn không có quan hệ gì với Công an tỉnh, có điều nếu quay ngược trở lại mấy năm trước, có lẽ những thế hệ trước của họ cũng có liên quan tí chút.
Bố của Trần Thi Vũ cũng rất vất vả, làm việc cực khổ đến gần 40 tuổi, mới được hưởng chính sách phân nhà đợt cuối cùng dành cho những cơ quan trực thuộc tỉnh, hai năm trước được phân căn hộ này. Mặc dù căn hộ đã khá cũ nát, nhưng ít nhất cũng hơn rất nhiều so với khu nhà ống mà cô bé ở lúc nhỏ, cô bé cũng đã có phòng riêng của mình.
Sau này không phân nhà nữa, thì về sau những cô chú đến cơ quan Công an tỉnh làm việc sẽ ở đâu nhỉ? Trần Thi Vũ nghĩ mãi không ra, bèn không nghĩ về điều đó nữa.
Nhà Trần Thi Vũ ở tầng 6, cũng là tầng trên cùng. Mẹ cô bé thường xuyên nói tầng trên cùng không tốt, còn bố lại bảo được phân nhà đã là tốt lắm rồi, còn lăn tăn gì tầng mấy nữa. Trần Thi Vũ cũng thấy tầng 6 rất tốt, ít nhất là tầm nhìn rất rộng, từ cửa sổ phòng mình có thể nhìn thấy bãi cỏ xanh tươi phía trước khu nhà, còn nhìn thấy các anh lớn chơi bóng rổ trên sân bóng. Hơn nữa, leo cầu thang mỗi ngày cũng tốt cho sức khỏe.
Trần Thi Vũ leo hai đoạn cầu thang thì lên được một tầng, mà chiếu nghỉ giữa hai đoạn cầu thang là nơi cô bé thích nhất. Ở phía hướng ra ngoài của chiếu nghỉ là bức tường ngăn cao hơn 1 mét, phía trên bức tường ngăn là vách tường trang trí có ô trống hình quả trám, ở giữa có một khoảng không gian mở cao gần bằng một người.
Ánh hoàng hôn chiếu vào vách tường trang trí soi bóng những ô hình quả trám xuống bậc thang, tạo thành những hình thù tự nhiên để Trần Thi Vũ nhảy lò cò. Cô bé tung tăng lên cầu thang, nhanh chóng về đến của nhà mình.
“Thi Thi về rồi đấy à?” Một người phụ nữ lên tiếng chào cô bé.
Trần Thi Vũ cũng không biết tại sao bác gái ở căn hộ đối diện lại gọi cô bé như vậy, nhưng cô bé rất thích cái tên thân mật này, nghe gần gũi, cũng có thể là bác gái ở căn hộ đối diện vốn đã rất thân thiện. Lần nào trông thấy Trần Thi Vũ, vẻ mặt bác cũng thật hiền từ, còn thường xuyên đem cho Trần Thi Vũ nhiều món ngon do bác làm.
“Cháu chào bác!” Trần Thi Vũ lảnh lót chào lại.
“Bố lại đi công tác rồi phải không?” Bác gái hỏi, “Thế mẹ đâu?”
“Tối nay mẹ cháu phải tăng ca.” Trần Thi Vũ đáp.
“Sang nhà bác ăn tối nhé, hôm nay bác làm món sườn xào chua ngọt đấy.”
“Dạ thôi ạ, cháu cảm ơn bác!” Trần Thi Vũ trả lời, “Mẹ cháu đã để phần cơm và thức ăn sẵn rồi ạ, cháu chỉ làm nóng lên một tí là được.”
“Thi Thi ngoan ghê!” Bác gái nói, “Chị cháu lúc trước chỉ cần được bằng một nửa như cháu là đã tốt lắm rồi.”
Bác gái có một cô con gái đã tốt nghiệp đại học, đi làm ở nơi khác, để bố mẹ già ở nhà. Nhưng trong hai năm từ khi chuyển đến đây ở, Trần Thi Vũ chỉ gặp chồng của bác gái có vài lần, lúc nào cũng thấy ông ta có gì đó kỳ bí. Nghe bố nói, ông ấy hơn 50 tuổi rồi, lông bông không công ăn việc làm gì, thường chơi mạt chược tiêu khiển ở các phòng chơi bài, giở mánh khóe kiếm chút tiền. Cho nên, ông ta thường xuyên đi sớm về muộn. Khi còn sống, bố của ông ta bán dưa muối trong khu tập thể của Công an tỉnh, không hiểu thế nào mà cũng được phân một căn hộ, có thể coi đây là tài sản của thế hệ trước để lại.
Trần Thi Vũ khóa trái cửa lại, lấy đồ ăn trong tủ lạnh ra cho vào lò vi sóng làm nóng, ăn xong, cô bé ngồi yên trong căn phòng nhỏ của mình, bắt đầu làm bài tập.
Là con gái của vợ chồng cảnh sát và bác sĩ, một mình làm bài tập là chuyện rất bình thường. Từ hồi học lớp hai bậc tiểu học, cô bé đã quen với việc làm bài tập một mình, đi ngủ một mình. Mẹ nói, tối nay bệnh viện có ca phẫu thuật, có khả năng sẽ về rất muộn, bảo cô bé làm bài xong thì đi ngủ trước.
9 giờ tối, cuối cùng Trần Thi Vũ cũng làm xong bài tập của mình, vươn vai một cái, định đi đánh răng rửa mặt. Bỗng nghe thấy “uỳnh” một tiếng, Trần Thi Vũ hoảng sợ, giật bắn người.
Tiếng động vọng ra từ căn hộ đối diện, giống như tiếng người bị ngã rất mạnh. Ngay sau đó, là những tiếng đánh tát bôm bốp, và tiếng khóc rất khẽ của bác gái.
“Sườn xào chua ngọt này! Sườn xào chua ngọt này! Đã biết tao đường huyết cao! Mày chỉ mong tao chết sớm hả!”
Đối với Trần Thi Vũ, những việc như vậy không còn lạ lẫm gì. Trong khu nhà cách âm rất tệ này, rất dễ dàng nghe thấy tiếng động từ nhà đối diện vọng tới. Hai năm rồi, những việc như vậy đã xảy ra rất nhiều lần.
Có điều, trước đó, việc này thường xảy ra lúc bố hoặc mẹ ở nhà. Trần Thi Vũ vẫn nhớ, hơn một năm trước, bố ở nhà, sau khi nghe thấy vậy liền sang gõ cửa nhà đối diện. Dù sao, bố cũng là cảnh sát, chắc là có khả năng bảo vệ những người cần bảo vệ. Nhưng không ngờ, bố sang gõ cửa cũng chỉ khiến những tiếng đánh đập, chửi bới dừng lại, cánh cửa căn hộ đối diện vẫn đóng chặt. Ngày hôm sau, Trần Thi Vũ nhìn thấy quầng mắt tím xanh và vết thương ở khóe miệng bác gái. Nhưng Trần Thi Vũ chưa kịp lên tiếng hỏi thăm, bác gái đã cười bảo mình già rồi, bị ngã lúc thu quần áo, đúng thật là vô tích sự quá. Lúc đó, Trần Thi Vũ đã thấy rất khó hiểu, tại sao bị ức hiếp lại phải nói dối để che giấu? Không lẽ bác gái không muốn cảnh sát trừng trị kẻ xấu hay sao? Trần Thi Vũ không biết có nên lật tẩy lời nói dối của bác gái không.
Trần Thi Vũ đã suy nghĩ rất lâu về việc này mà vẫn không có được câu trả lời.
Sau đó có một lần, nhà đối diện ầm ĩ quá, mẹ cô bé không dám sang gõ cửa, liền gọi điện thoại cho bố, bố vội từ cơ quan về nhà, còn dẫn theo cảnh sát thuộc đồn công an khu vực. Lần này, cảnh sát khu vực gõ cửa, nhà đối diện đã phải mở cửa, nhưng giữa hai vợ chồng già dường như chẳng có chuyện gì xảy ra, họ không cho cảnh sát khu vực vào nhà. Lần đó, bố nghiêm túc nói với chú cảnh sát khu vực về tính nghiêm trọng của sự việc. Bố nói, hai năm trước ông có đến hiện trường một vụ án, người báo án khai là con gái mình đã mất tích một cách bí ẩn, sau khi điều tra, cảnh sát biết được người bị mất tích có một ông chồng, bình thường thường xuyên bạo hành cô ta. Vì vậy cảnh sát nghi ngờ cô ta bị giết hại, nhưng người chồng nhất mực không khai gì. Cảnh sát tìm suốt hai năm, hoàn toàn không thấy tăm tích người sống, cũng không phát hiện thấy xác chết, không thể lập án, cảnh sát không cam tâm, tiếp tục cử mấy cảnh sát khu vực tìm cách điều tra phá án. Thế nên những mầm mống manh nha như vậy nếu không dập tắt kịp thời, thì hậu quả khôn lường. Nhưng khi chú cảnh sát khu vực rầu rĩ hỏi bố, đối với sự việc ngay trước mắt này, họ phải làm thế nào, bố cũng không thể trả lời được.
Đúng vậy, bác gái đã nói là không có chuyện gì, thì chú cảnh sát biết phải làm thế nào chứ?
Trần Thi Vũ còn nhớ, lần đó bố cũng rất phiền não, mà còn phiền não rất lâu. Nhưng may sao sau lần đó, có đến nửa năm không nghe thấy tiếng ầm ĩ từ nhà đối diện, xem ra, dù thế nào đi nữa, cảnh sát vẫn có thể bảo vệ được bác gái.
Nhưng lần này thì khác, chỉ có một mình Trần Thi Vũ ở nhà, “lâu lắm” mới nghe thấy tiếng bác gái bị bạo hành. Mặc dù Trần Thi Vũ từ nhỏ đã được gọi là “cậu nhóc”, nhưng thật thà mà nói, dù sao cô bé cũng chỉ là trẻ con, giờ cũng cảm thấy có chút sợ hãi.
Tự mình sang gõ cửa hay là nên nói với bố mẹ đây? Khi ra hiện trường, bố không bao giờ nghe điện thoại, lúc phẫu thuật, mẹ cũng không thể nghe được điện thoại. Hay là, gọi 110 thử xem? Nhưng nếu vẫn giống như lần trước, để các chú cảnh sát khu vực mất công đến, thì thực sự không biết phải ăn nói thế nào.
Giây phút ấy, Trần Thi Vũ buồn bực sao mình lại không phải là cảnh sát. Nếu mình là cảnh sát, thì có phải bây giờ có thể đứng ra giúp bác gái hiền từ dễ mến rồi không?
Suy nghĩ vẩn vơ là một chuyện, nhưng bây giờ mình phải làm thế nào đây? Nghe tiếng đánh đập càng lúc càng dữ dội, tiếng rên khóc xen lẫn tiếng kêu thê thảm của bác gái, Trần Thi Vũ do dự.
Thời gian cứ thế trôi đi trong nỗi sợ hãi và lo lắng, trong lúc Trần Thi Vũ không biết phải làm thế nào thì nhà đối diện yên ắng trở lại. Một lúc sau, phía đối diện vọng ra tiếng ngáy của đàn ông. Đúng là khoa trương như vậy, trong khu nhà này, nếu có người ngủ ngáy, mọi nhà đều nghe thấy được. Điều này khiến nỗi âu lo của Trần Thi Vũ tạm thời được giải tỏa.
Một lúc sau, nhà đối diện mở cửa, tiếng chân rón rén, lập cập của bác gái vọng tới.
Sao thế? Có phải bác gái định đến nhờ mình giúp không? Trần Thi Vũ lại thấy nhói lên trong lòng. Lần này, cô bé không thể kìm nén được cảm xúc trong lòng nữa, cô bé chạy vội ra ngoài mở cửa.
Bóng đèn cảm ứng ở cửa lập tức sáng lên, nhưng trước cửa nhà mình chẳng thấy bóng dáng bác gái đâu. Trần Thi Vũ nhìn về phía chiếu nghỉ ở dưới cầu thang, dáng người quen thuộc của bác gái hiện ra trên khoảng không gian nhỏ có chiều cao gần sáu tầng nhà đó, bác yên lặng ngồi ở đó.
“Bác ơi.” Trần Thi Vũ khẽ khàng gọi một tiếng.
Bác gái ngồi ôm đầu gối ở phía dưới cầu thang từ từ quay đầu lại. Trần Thi Vũ thấy có chút bất an, đây là lần đầu tiên cô bé thấy bác gái không nở nụ cười hiền từ, gương mặt bác đầm đìa nước mắt. Tóc bác rối bù, khóe miệng vẫn còn vết máu, sống mũi rõ ràng đã sưng vù. Bác nhìn Trần Thi Vũ, miễn cưỡng nặn ra một nụ cười. Ánh sáng trắng từ ống đèn tuýp trên lối đi khiến mặt bác gái rất trắng trắng bệch.
Trần Thi Vũ đang định mỉm cười chào lại, trước mắt bỗng nhòa đi, trong giây lát bác gái đã biến mất khỏi tầm mắt. Trần Thi Vũ ngây người, không phải chứ, phía sau bức tường trống không, không có bất cứ thứ gì… Thế này là sao?
Cô bé còn chưa kịp phản ứng, một tiếng rơi rất lớn vọng lên từ phía dưới khu nhà, Trần Thi Vũ sững sờ. Cô bé biết rõ chuyện gì đã xảy ra trước mắt, toàn thân cứ thế run lên bần bật.
Tiếp đó, hình như có mấy hộ ở khu nhà đối diện mở cửa sổ ra, sau đó có tiếng phụ nữ kêu lên thất thanh và những tiếng ồn ào, sau nữa là tiếng còi hú của xe cảnh sát. Đầu óc Trần Thi Vũ trống rỗng, chỉ còn biết đứng yên tại chỗ run rẩy, cho đến khi mẹ đi làm về, vội lao lên tầng, lấy vai che mặt cô bé lại, bế cô bé vào nhà.
Đêm đó, Trần Thi Vũ nằm trên giường, mở to mắt nhìn lên trần nhà, không ngủ được phút nào. Những tiếng thì thầm ở hành lang nghe không rõ, ánh đèn pin liên tục rọi qua rèm cửa sổ, khiến lòng cô bé không yên.
Sau này, sẽ không bao giờ còn được gặp bác gái nữa rồi sao?
Nguồn: https://ebookvie.com