Ngày mùng 6/8/1945, 8 giờ 15 phút sáng, một quả bom nguyên tử được thả xuống Hiroshima.Bé Sadako hai tuổi may mắn sống sót sau vụ nổ, thậm chí hoàn toàn lành lặn. Nhưng mầm bệnh của chất độc phóng xạ đã ngấm vào người em, nấu ủ suốt mười năm để rồi phát tác khi cô bé còn chưa học xong tiểu học.Dù ốm yếu, thân thể liệt dần từ dưới lên trên, hạch và các vết ung thư da nổi khắp người, nhưng với nụ cười không tắt trên môi và nỗi lòng đau đáu cho gia đình, Sadako vẫn chuyên cần dành những ngày cuối cùng của đời mình để gấp những con hạc giấy đong đầy nguyện ước.Sadako là một biểu tượng của tình thương yêu, của tiếng gọi hòa bình tha thiết.Cô bé cũng là nguyên mẫu cho bức tượng bé gái nâng hạc giấy trên Đài tưởng niệm Hòa bình cho Trẻ em ở Hiroshima.Hiroshima một ngày đầu tháng Tám, người đang ăn sáng người bắt đầu đi làm, nhưng ai nấy cùng dừng lại để ngẩng mặt lên trời ngắm nhìn. Ở rất cao, rất xa, có cái gì đó chói sáng rực rỡ lắm.Xuống cách mặt đất chừng 600 mét, cái chói sáng đó phát nổ, sóng xung kích bùng ra, tước đi sự sống của vạn vật. Gần thì biến thành tro bụi, xa thì sụp đổ hoặc nát vụn. Và lửa bốc lên ngùn ngụt, lửa thiêu cháy cả những dòng sông vốn đan dày như tấm lưới ở thành phố cảng này.Rồi mưa đổ xuống, mưa gom cả tro than từ chín tầng trời mang theo và tiếp đất với màu đen đặc, nhuộm đen da và đen cả tế bào sống của những người thoát chết. Từ đó, những mầm bệnh lặng lẽ vươn dài. Sadako là một bé gái thuộc vào trường hợp ấy. Hai tuổi dính mưa nguyên tử, mười năm ủ bệnh, chẩn đoán ung thư máu vào năm mười một tuổi, và mười hai thì từ giã cõi đời.Gần một năm chữa trị là gần một năm ngập tràn nước mắt, đau đớn và hi sinh cho nhau giữa Sadako và mọi người trong gia đình em. Tất cả được khắc họa lại ở cuốn sách này, khiến ta vừa cảm phục, yêu mến, vừa không khỏi xót xa.Với trái tim kiên cường và giàu lòng trắc ẩn, Sadako đã gói gọn bao yêu thương bí mật, bao mong ước thầm kín của mười hai năm ngắn ngủi trên đời vào những cánh hạc giấy.SADAKO VÀ NGÀN HẠC GIẤY phản ánh một câu chuyện bình dị và chân thực, đồng thời cũng là lời lên án thầm lặng mà mạnh mẽ nhất của một thế hệ trẻ em bị ép buộc làm nạn nhân chiến tranh.Bên cạnh Sadako chống chọi với bệnh tật, còn thấp thoáng hình bóng nước Nhật gian khó thời hậu chiến. Cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, dân cư xoay xỏa kiếm sống bằng chợ đen và vật vã chạy trốn cảnh sát kinh tế…Nhưng ở đó, không có oán hận hay căm thù. Bởi, giống như tình thương bao la trong gia đình, một đất nước cũng cần tình người để tiến bước.Sasaki Masahiro sinh năm 1941 tại Hiroshima, Nhật Bản. Cùng gia đình mình, ông đã sống sót qua vụ thả bom nguyên tử xuống Hiroshima năm 1945. Em gái Sadako của ông, sau một thời gian chống chọi với bệnh ung thư máu do bị nhiễm phóng xạ, đã qua đời khi mới mười hai tuổi.Từ năm 2000, Sasaki bắt đầu đến nhiều nơi trên khắp đất Nhật để kể lại câu chuyện của em gái cũng như lan tỏa thông điệp về hòa bình và tình thương trong xã hội.Trước mặt tôi lúc này là Đài tưởng niệm Hòa bình cho Trẻ em. Đài tưởng niệm nằm ở một góc công viên Hòa bình Hiroshima*, phần trên là tượng một bé gái đang đứng, hai cánh tay giơ lên nâng một con hạc giấy lớn.Công trình kiến trúc ở gần tâm vụ nổ nguyên tử Hiroshima nhất. Tòa nhà được bảo tồn nguyên trạng ngay sau vụ nổ, và ngày nay đã trở thành biểu tượng của ước mơ hòa bình mãi mãi trên toàn thế giới.Bức tượng được lấy nguyên mẫu từ em gái tôi, Sasaki Sadako. Cách đây hơn nửa thế kỉ, vào năm 1945, gia đình Sasaki chúng tôi là nạn nhân của bom A thả xuống Hiroshima. Thời điểm đó, Nhật Bản đang chìm trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Bố Shigeo đã nhập ngũ, chỉ còn bốn người ở lại thành phố là tôi, bà nội Matsu, mẹ Fujiko và Sadako em gái tôi. Vào cái ngày nghiệt ngã ấy, mái ấm của chúng tôi đã bị thiêu rụi hoàn toàn.“Bom A” còn được gọi là “bom nguyên tử”. Và quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima năm 1945 đánh dấu lần đầu tiên loài người sử dụng vũ khí hạt nhân trong chiến tranh. Sức công phá của vụ nổ tương đương 16.000 tấn bom TNT thông thường. Tuy nhiên, khía cạnh kinh khủng của vũ khí hạt nhân không chỉ nằm ở khả năng tàn phá của nó tại thời điểm phát nổ, mà còn ở lượng lớn chất phóng xạ khuếch tán sau khi thả bom. Nhiều người phải bỏ mạng vì hội chứng nhiễm phóng xạ cấp tính*. Có những người tuy sống sót sau vụ nổ, nhưng hệ lụy của phóng xạ còn kéo dài đến nhiều năm tiếp theo. Kể cả khi chiến tranh kết thúc, không ít người vẫn sống cùng nỗi lo ung thư hay bạch cầu*. Sadako bị chẩn đoán mắc bệnh máu trắng vào năm em học lớp Sáu.Sau khi tiếp xúc với lượng lớn chất phóng xạ trong thời gian ngắn, những triệu chứng sẽ xuất hiện trên toàn thân và nạn nhân sẽ tử vong trong khoảng thời gian từ một đến hai tuần.Hiện tượng bạch cầu trong máu tăng đột biến. Bệnh có thể gây ra các triệu chứng như sốt cao, thiếu máu, nhiễm trùng, chảy máu…Bố mẹ tôi đã làm mọi việc có thể để giúp Sadako đấu tranh với bệnh tật. Cả gia đình cùng nỗ lực tối đa nhằm vượt qua thử thách. Sadako vốn hay nghĩ cho mọi người, dù đau đớn đến đâu khi chống chọi với căn bệnh, em cũng không để lộ ra ngoài, mà luôn giữ khuôn mặt tươi cười vui vẻ để không làm ai lo lắng.Trong câu chuyện này, tôi sẽ kể về sự gắn bó của gia đình mình khi cùng nhau khắc phục gian nan.Sadako chưa từng than thở một lời, em không rên rỉ hay kêu đau bao giờ. Ngày qua ngày, em gấp những điều ước của mình thành hạc giấy. Rồi em mất ở tuổi mười hai, chưa đầy một năm kể từ khi biết mình mắc bệnh.Sadako không phải đứa trẻ duy nhất thiệt mạng vì bom nguyên tử. Tuy em là nguyên mẫu cho bức tượng ở Đài tưởng niệm, nhưng tượng được dựng lên là để an ủi hương hồn của tất cả các em nhỏ cùng cảnh ngộ. Trên bia đá dưới chân Đài tưởng niệm có khắc dòng chữ:Chúng em kêu gọi.Chúng em nguyện cầu.Vì hòa bình cho thế giới.Tôi viết cuốn sách này, không chỉ nhằm thuật lại cuộc chiến chống bệnh tật của Sadako, mà còn muốn các bạn hiểu thêm về những em bé là nạn nhân của mưa bom bão đạn.Khi nhìn bức tượng, ta có cảm giác bé gái đang giúp hạc giấy bay lên trời. Bên trên cánh hạc là vòm không xanh thẳm cao vời vợi, và đằng sau cô bé là những tán lá sum sê của hàng cây xanh lấp lánh.Vào thời điểm bom nguyên tử dội xuống Hiroshima, dù nước Nhật ngùn ngụt khói lửa chiến tranh, chúng tôi vẫn đang sống trong hạnh phúc bé mọn cùng gia đình mình.Buổi sáng mùng 6 tháng Tám năm 1945.Bầu trời cao xanh, tuyệt đẹp.***Ngàn hạc giấy của Sadako – Những cánh hạc chở khao khát hòa bình.Chiến tranh thế giới thứ Hai kết thúc nhưng thảm họa từ vụ nổ nguyên tử ở thành phố Hiroshima vẫn kéo dài mãi về sau. Cô bé Sasaki Sadako, là một trong những nạn nhân từ thảm họa đó. Sadako bị nhiễm phóng xạ, mất vì bệnh máu trắng khi mới 12 tuổi. Và Ngàn cánh hạc của Sadako, là những dòng chữ của anh trai cô bé – Sasaki Masahiro, viết về quãng đời đầy ý nghĩa mà Sadako đã sống. Đề tài phản chiến trong Ngàn hạc giấy của SadakoĐược viết bởi Sasaki Masahiro, một người không chỉ trải qua những giây phút kinh hoàng nhất của thành phố Hiroshima vào thời khắc Mỹ ném trái bom đầu tiên xuống Nhật Bản, mà ông còn là người thân liên quan trực tiếp với nhân vật trung tâm trong cuốn truyện – bé Sadako. Nên có thể nói, những dòng văn của Sadako no Senbazuru – Ngàn hạc giấy của Sadako, những dòng văn được viết lên bằng ngôi kể thứ nhất – tác giả xưng “tôi”, kể lại trải nghiệm, các sự kiện ông tự mình trải qua đã thấm đẫm hơi thở của lịch sử, hơi thở của thời đại. Qua đó mà Sasaki Masahiro gửi gắm, thể hiện tư tưởng phản chiến đầy mạnh mẽ.Cụm từ phản chiến xuất hiện đầu tiên trong tên một phong trào xã hội: Phong trào chống chiến tranh – Phong trào phản chiến. Phong trào này là sự phản đối việc sử dụng bạo lực, gây hấn quân sự, những cuộc xung đột vũ trang giữa các cộng đồng, quốc gia, dân tộc… Trong văn chương, các tác giả thể hiện tinh thần phản chiến bằng nhiều cách thức khác nhau. Như khắc họa, tái hiện hiện thực chiến tranh, những con người thời chiến hay những con người bước ra từ cuộc chiến… mà từ đấy thể hiện những hậu quả do chiến tranh mang lại. Qua đấy, bày tỏ khát vọng yêu hòa bình, mong muốn một thế giới không còn xung đột, làm dấy lên trong lòng người tinh thần phản đối chiến tranh, đoàn kết con người thành một khối, vì một thế giới không còn tiếng súng, tiếng bom, không còn những mảnh đời bất hạnh vì bom đạn.Trong dòng chảy của văn học mang đề tài phản chiến, Ngàn hạc giấy của Sadako vừa góp tiếng nói vào phong trào chung chống chiến tranh trên thế giới, đồng thời, vừa cất lên tiếng nói riêng của một tác giả Nhật Bản, đã trải qua những giờ phút tang thương nhất của cuộc đời, đã phải chứng kiến những người thân yêu lần lượt ra đi trong đau đớn vì chiến trận, khi quả bom nguyên tử đầu tiên được Mỹ đưa vào sử dụng vì mục đích quân sự.Khi nhắc đến đề tài phản chiến trong tác phẩm Ngàn hạc giấy của Sadako, trước hết, cần phải nói rằng đây là cuốn tiểu thuyết nhìn lại: khi con người ở hiện tại, nhìn lại những sự kiện đã xảy ra và viết về những năm tháng đã qua trong lịch sử. Nhưng không chỉ mang tính lịch sử, Ngàn hạc giấy của Sadako còn mang tính tự truyện nhằm khắc họa lên hình tượng một nhân vật có thật, thậm chí là cùng chung dòng máu thân thiết với người viết. Vì thế, đề tài phản chiến ở cuốn sách, vừa thể hiện trong từng mốc thời gian ứng với từng sự kiện có thật, mà còn thể hiện trong những chứng nhân lịch sử, và kết tinh lại, ở hình ảnh cô bé Sadako.Chiến tranh là đau thương, là những mất mát không thể tránh khỏi. Nhưng quả bom nguyên tử Mỹ thả xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki vào bối cảnh Chiến tranh thế giới thứ Hai sắp kết thúc, việc Nhật đầu hàng Đồng Minh chỉ còn là vấn đề thời gian thì mãi vẫn là điều gây tranh cãi trong lịch sử. Người dân Nhật Bản nói chung, người dân ở Hiroshima nói riêng, đến tận khi trái bom phát nổ, vẫn đang diễn ra nhịp sống thường nhật. Thậm chí, theo mô tả của tác giả Masahiro, khi trái bom rơi xuống, phát nổ tạo hai vệt sáng chói lọi, người dân còn ra đường ngắm nhìn và thốt lên: “Đẹp quá!” Để rồi, về sau nhìn lại, tất cả hiện về là những ký ức đầy đau đớn, cay đắng: “Tại sao lại quăng quả bom tàn khốc đó xuống nước Nhật chứ?”Quả thực là quá tàn khốc khi vụ nổ nguyên tử không chỉ san phẳng thành phố Hiroshima, tạo lên những cảnh tượng tang tóc ám ảnh mãi những ai còn sống: thành phố chìm trong biển lửa, xác người chết, dòng sông nhuốm máu, mưa đen phóng xạ… Mà hơn cả còn là những di chứng chiến tranh kéo dài đến hàng thế hệ: căn bệnh máu trắng, ung thư da mà Sadako và những trẻ em trên toàn nước Nhật gánh chịu, những đứa trẻ khiếm khuyết về ngoại hình hay trí tuệ… Chiến tranh cướp đi tính mạng con người. Và trong thời bình vãn đi tiếng súng, di chứng chiến tranh lại cướp đi tương lai, hi vọng của bao gia đình, bao đứa trẻ khác.Tái hiện hiện thực chiến tranh thảm khốc, khắc họa lên những số phận bất hạnh như cô bé Sadako vào thời đại mà tiếng súng đã lìa xa, lần nữa, tác giả Sasaki Masahiro đã góp một phần tiếng nói vào phong trào chống chiến tranh nói chung, chống việc sử dụng và thử nghiệm vũ khí nguyên tử, vũ khí hạt nhân nói riêng ở hiện tại và tương lai. Đồng thời, thể hiện tinh thần phản chiến, ủng hộ hòa bình trong Ngàn hạc giấy của Sadako cũng là một cách, Sasaki Masahiro bày tỏ tấm lòng nhân đạo, trĩu nặng yêu thương của ông, của một con người đã nếm trải đủ đau thương quá khứ mang lại: tố cáo tội ác chiến tranh, yêu thương những mảnh đời bất hạnh và khát khao về tương lai tốt đẹp. Chẳng vậy mà, con người ấy đã mang tư tưởng phản chiến cùng tinh thần nhân đạo đó, không chỉ gửi gắm vào những con chữ trong Ngàn hạc giấy của Sadako, mà còn gửi vào những chuyến đi thực tế tới khắp nước Nhật, dành trọn gần như phần đời còn lại để đấu tranh cho hòa bình và lan tỏa yêu thương.Câu chuyện của tình yêu và lòng dũng cảmBên cạnh việc thể hiện đề tài phản chiến, cất lên tiếng nói chống chiến tranh mạnh mẽ, Ngàn hạc giấy của Sadako còn là câu chuyện của tình yêu và lòng dũng cảm, thông qua hình tượng trung tâm: cô bé Sadako nhỏ bé, bất hạnh mà tốt bụng, kiên cường. Mà đó cũng chính là một phần mục đích của tác giả Sasaki Masahiro khi kể lại quá khứ về người em gái nhỏ đã ra đi vì căn bệnh máu trắng: các tế bào bạch cầu ác tính phát triển thành tế bào ung thư da di căn khắp cơ thể: lan tỏa yêu thương tới nước Nhật, và tới cả thế giới.Thật vậy, Ngàn hạc giấy của Sadako là một câu chuyện bi kịch, câu chuyện về cái chết, buồn thương, day dứt và khắc khoải. Nhưng vượt lên trên tất cả đau thương mà chiến tranh mang lại, vẫn là tình yêu thương ấm áp ẩn sau câu từ, con chữ tưởng như chỉ là lời trần thuật đơn thuần về những gì đã qua. Đó là tình thương mà những con người trong hoàn cảnh gian nan, khó khăn nhất gửi tới nhau: Có hoạn nạn mới thấm thía hai tiếng chân tình. Đó là tình thương của hai tiếng gia đình: dẫu vất vả, cực nhọc vẫn luôn cố gắng, hi sinh vì nhau, bên nhau vượt qua nghịch cảnh. Đó là tình thương của những cô bé, cậu bé bất hạnh đã gửi trao cho nhau sự quan tâm đầy thơ trẻ, trong sáng. Một Nhật Bản, một Hiroshima hoang tàn sau chiến tranh, oằn mình vì nạn đói, chuyển mình trước những bước tiến mạnh mẽ chung của cả xã hội, đã sáng lên những tấm lòng như xua tan đêm đen của đạn bom như vậy đấy.Và giữa yêu thương nhỏ nhặt, giản dị của con người thời chiến và hậu chiến ở thành phố Hiroshima, cô bé Sadako hiện lên như một thiên thần nhỏ, giàu lòng nhân hậu, hi sinh cùng thương yêu. Sadako, cô bé phát bệnh khi mới 11 tuổi, thời gian sống chỉ còn 1 năm, bao dự định, bao ước mơ chưa thành, cô bé ấy đã ra đi khi tuổi thơ còn chưa trọn vẹn. Nhưng tin rằng, với quãng đời ít ỏi, Sadako đã thật sự sống những phút giây không hoài phí, đã sống trọn một cuộc đời ngắn ngủi.Sadako yêu thương thật nhiều, cũng trao gửi đi thật nhiều tin yêu. Giữa cơn bạo bệnh, cô bé đó vẫn chỉ một lòng lo cho gia đình, nghĩ suy đến món nợ của người cha, vẫn dành những quan tâm bình dị tới những người xung quanh. Nụ cười của Sadako, vẫn nở trên môi kể cả khi cơn đau hành hạ. Nơi thân thể bé nhỏ, suy kiệt ấy, là cả trái tim kiên cường, nghị lực, bền bỉ khao khát yêu và được yêu, khao khát sống và được sống trọn từng giây phút của đời người.Giọt nước mắt Sadako rơi, những câu nói nghẹn ngào của em: “Chị ơi, có phải lần sau sẽ đến lượt em không?”, “Bom nguyên tử đáng sợ thật đấy.” như những vết dao cứa vào tim độc giả, đau nhói. Sadako kiên cường trong đau đớn khiến ta khâm phục, nhưng một cô bé lo sợ trước cái chết cận kề lại càng làm ta cảm động, đau xót. Bởi, đó mới thật sự là cuộc đời, đó mới thực sự là chiến tranh và nhắc nhở mỗi người rằng, vết thương chiến tranh khi xưa, vẫn chưa từng khép miệng. Nhưng dẫu cuộc đời có khổ đau, số phận có nghiệt ngã thì yêu thương, tình đời, tình người, lòng dũng cảm vẫn luôn ngời sáng. Như cách Sadako đã kiên cường ra sao, như cánh hạc giấy mỏng manh đã chở nặng tâm tư bé gái 12 tuổi đến lúc giã từ cõi đời thế nào.Bài ca của niềm hi vọngChợt nghĩ, cuộc đời cô bé Sadako, thật giống với bông hoa anh đào, biểu tượng cho lòng dũng cảm của con người Nhật Bản. Vòng đời của hoa có ngắn ngủi, nhưng khi cánh hoa rụng xuống, cũng chính là lúc loài hoa ấy bước vào quá trình ủ nụ, để mùa xuân năm sau, tiếp tục bung sắc. Sadako ra đi, song yêu thương em trao gửi, đã lan tỏa và nuôi dưỡng tâm hồn người ở lại. Cô bé ấy mất, nhưng tình thương của em vẫn còn sống mãi. Những cánh hạc em gấp, có lẽ không chỉ chứa đựng nguyện ước về một ngày em khỏe bệnh, về một ngày cha em trả được hết nợ, mà còn chứa đựng nguyện ước, hi vọng về một ngày thế giới vắng tiếng bom rơi, để không còn ai, phải chịu nỗi đau em đang mang. Chẳng thế mà, bức tượng bé gái, giơ cao đôi tay ôm cánh chim hạc giơ lên bầu trời xanh ở Công viên Hòa Bình tại thành phố Hiroshima, lấy nguyên mẫu từ cô bé Sadako, đã trở thành một trong những biểu tượng hòa bình của cả nước Nhật.Cô bé Sasaki Sadako, là một nhân vật có thật và Ngàn hạc giấy của Sadako, là câu chuyện có thật kể về cô bé đó. Nhưng Sadako, có lẽ từ lâu đã trở thành một hình ảnh biểu tượng cho tuổi thơ Nhật Bản kiên cường, vươn lên từ đau thương chiến tranh mà lan tỏa yêu thương, mà nói lên tiếng nói hi vọng vì một ngày mai hòa bình. Hình ảnh ấy, cũng như bao hình ảnh trẻ em khác trên toàn thế giới nói chung, và như chính hình ảnh trẻ em Việt Nam nói riêng, vẫn hát mãi những khúc ca hòa bình, về ngày mai, về tương lai không còn tiếng bom rơi, đạn nổ:“Em ước mong sao, bầu trờ chẳng đen bóng mâyEm ước mong sao trẻ thơ đừng vương bão giôngVì em biết chân trời đang khép…Vì em biết nỗi đau nghiệt ngã…” (Lời bài hát Em ước mong sao)“Những cánh én chấp chới của mọi tuổi thơNhững cánh én lấp lánh đầy nhạc và thơEm ước mong sao bầu trời chẳng đen bóng mâyĐể ngàn chim hót, để đàn én bay” (Lời bài hát Cánh én tuổi thơ)Review Mọt Mọt
Mời các bạn đón đọc Ngàn Hạc Giấy của Sadako của tác giả Sasaki Masahiro.
Nguồn: https://ebookvie.com