Những án mạng kỳ lạ và những bức thông điệp chỉ dẫn về các án mạng được gửi đến báo chí như thách thức dư luận.
Liệu kẻ bí ẩn có biệt danh là “Giám Mục”, người được cho rằng đã đánh máy và gửi những thông điệp đó, có phải là hung thủ?
Rất nhiều lĩnh vực có thể được đưa vào một tiểu thuyết trinh thám đã xuất hiện trong cuốn sách này.
Những bài đồng dao gợi cảm hứng cho hung thủ về các án mạng.
Công thức toán học tìm thấy bên cạnh xác nạn nhân.
Một án mạng liên quan đến cờ vua.
Những tình tiết liên quan đến triết học, y học, thiện văn học… cũng có ảnh hưởng khá quan trọng đến diễn biến của câu chuyện.
…
Hơn một lần, nghi can đã bị nghi ngờ nhiều nhất bỗng nhiên chết với nhiều nghi vấn.
Bất ngời nối tiếp bất ngờ…
***
Review Vụ án mạng Giám mục (Philo Vance #4).
Về nội dung: quyển sách viết rất ổn, nhìn chung bảo vô cùng đặc sắc thì không phải, nhưng chắc chắn là có những nét riêng của mình. Tuy nhiên, trước hết phải nói nó không dễ đọc, vì hàm lượng kiến thức Toán, Vật lý cao cấp, Lịch sử, Nghệ thuật,… rất nhiều, tương đương với dung lượng dành cho vụ án. Lý do là rất nhiều các nhà khoa học dính líu vào vụ này. Nói đơn giản, nó như một sự pha trộn giữa các tác phẩm thời kì Hoàng Kim và các tác phẩm của H.G.Wells. Bản thân tôi thì đọc được không vấn đề, tuy nhiên độc giả thông thường có thể thấy mệt khi theo dõi.
Về bản thân vụ án: không quá khó đoán hung thủ, mặc dù tất cả chỉ là suy đoán vì thủ pháp gây án hoàn hảo không có chứng cứ. Việc có ích duy nhất là xem xét thời gian hoạt động và chứng cứ ngoại phạm của các nhân vật tình nghi, sau đó khoanh vùng hung thủ. Việc còn lại là để sự việc diễn tiến để dùng thủ pháp “loại trừ” (loại trừ đúng nghĩa đen) để đoán ra hung thủ. Có twist cuối truyện, nhưng không thật sự đặc sắc với những ai đọc thể loại này lâu năm, và thật sự là đến lúc đó thì tùy vào diễn biến truyện xem tác giả “chọn mặt” ai để “gửi vàng”.
Về việc làm sách: Bìa không tạo được cảm giác thu hút, thấy nghi ngại (cảm giác cá nhân) có thể khiến khó bán sách. Mặc dù nếu xem kỹ thì bìa là bản đồ (không trọn vẹn) hiện trường nên cũng khá thú vị. Dịch thuật ban đầu cảm tưởng như dịch word-to-word nhiều, còn non tay nhưng về sau càng đọc càng vào, dịch càng lên. Sách cũng không có các trang thông tin sau khi truyện kết thúc (trước bìa 3 và 4), hơi khó hiểu.
Điều đáng nói ở đây là công sức trong việc chú giải: đây là điều rất đáng ghi nhận vì đội ngũ làm sách đã cố gắng hết sức để giữ cho trải nghiệm của người đọc được như khi đọc nguyên tác. Các chú thích rất nhiều và được làm rất chi tiết, phân ra rõ ràng chú thích cũ của tác giả và chú thích mới của người dịch. Các đoạn “tiếng nước ngoài” rất nhiều (các nhân vật thời này có vẻ thích chêm vào vài câu Latin, Đức, Pháp để tỏ ra nguy hiểm? Điều này gây khó chịu khi đọc, nhưng không phải lỗi ở đội ngũ làm mà là do nguyên bản, không thể trách họ). Rất giống Poirot, nhưng Trẻ làm chỉ dịch đúng 1 lần, nên lần sau gặp lại từ đó không nhớ thì rất khó chịu. May là đội ngũ làm sách rất có tâm nên không phải chịu đựng cảnh này.
Một chi tiết khá thú vị nữa là các nhân vật nhắc đến những tên tuổi nổi danh trong giới khoa học đương thời như thể trong những câu chuyện thường ngày, như thể họ đang cạnh tranh những công trình khoa học với những người đó, điều này khiến cho cuốn sách có cảm giác như đã thực sự diễn ra trong thời điểm đó.
Tuy nhiên, có điểm hơi thất vọng là mặc dù tác giả xây dựng hình tượng Vance rất nguy hiểm: ngoài bắt chước Conan Doyle xây dựng Sherlock Holmes từ góc nhìn của Dr. Watson, ông này còn vô cùng hiểu biết, cái quái gì cũng nói chuyện được (chém Toán cao cấp, Vật lý, thậm chí cờ vua như đúng rồi). Nhưng cuối cùng vẫn không giải quyết vụ án ở mức độ hiệu quả cao nhất. Đáng lẽ không nên nâng bi quá đà như vậy.
Điểm cá nhân: 7/10.
Ngày xửa ngày xưa, ở 1 vùng đất xa xôi bên kia đại dương (ờ thì thật ra cũng không xưa lắm và không xa lắm, chỉ là mùa xuân năm 1929 ở New York thôi), có 1 cô tiểu thư hiền lành giỏi bắn cung tên là Belle Dillard. Belle sống với bác mình là giáo sư Bertrand Dillard và người con nuôi của ông, Sigurd Arnesson. Ngày nọ, 1 trong những người thường tập bắn cung với Belle bị chết vì cung tên. Sau đó không lâu, 1 sinh viên có quen với gia đình Dillard bị chết do súng lục bắn vào đỉnh đầu. Tiếp theo là những cái chết kỳ lạ ứng với 1 bài đồng dao trẻ con xảy ra xung quanh gia đình Dillard.
Thám tử Philo Vance, luật sư Van Dine, công tố viên Markham, trung sĩ Heath của Cục Hình sự, cùng với sự hợp tác của Arnesson, đã tiếp nhận điều tra các vụ án bí ẩn nêu trên. Manh mối ít ỏi, không có động cơ gây án, ai cũng không có chứng cứ ngoại phạm… cuộc điều tra cứ xoay quanh những bài đồng dao trẻ con, các công thức toán học phức tạp và những ván cờ vua kéo dài hàng tiếng đồng hồ. Rất may, khi những vụ án mạng đáng sợ cứ tiếp tục xảy ra thì bên cạnh tiểu thư Belle luôn có Arnesson thông minh, vững vàng che chở cho cô. Nếu cứ không tìm được hung thủ thì mọi chuyện rồi sẽ đi về đâu?
Biển được tặng cuốn “Vụ án mạng giám mục” khi đi offline Hội Thích Truyện Trinh Thám đầu tháng 5/2018 nhưng hạ tuần tháng 5 mới bắt đầu đọc nó. Quyển sách giản dị nhỏ nhắn do thành viên của hội tự dịch và tự in, bìa sách gợi liên tưởng đến Google Map. Khi được chọn sách, (nói thật thì cuốn Biển tăm tia đã được người khác chọn trước), còn “Vụ án mạng giám mục” vẫn xếp thành 1 chồng nhỏ, thấy thương quá nên Biển lấy 1 cuốn!, và quyển sách cũng thương lại Biển, vì nó rất xuất sắc.
Sách nhỏ nhưng nặng, đọc lâu hết. Chữ in to rõ, chất giấy tốt. Nội dung Biển đã kể sơ ở trên, lôi cuốn từ trang đầu đến trang cuối. Biển xin phép khen ngợi 2 người dịch quyển này, dịch rất kỹ, rất mượt, không có lỗi dùng từ hoặc lỗi chính tả. Trong khi đọc, có những câu Biển cảm giác rõ rằng dịch giả đã phải cân nhắc kỹ lưỡng bao nhiêu để sắp xếp trật tự câu chữ cho hợp lý nhất và hay nhất. Không phải vì sách được tặng hoặc vì Biển phải đợi lâu để “chộp” được nó mà Biển khen nó hay, bản chất của nó hay sẵn. Quyển sách nhìn đơn giản nhưng thật sự hấp dẫn, đọc cứ như Sherlock Holmes. Tuy cũng thuộc dòng trinh thám kinh điển nhưng Biển thấy nó mang nhiều hơi hướm hiện đại (vì bối cảnh truyện là thế kỷ XX) và hay hơn quyển “Hồ sơ số 113”.
Đọc được a/b truyện thì Biển đã đoán (đúng) được hung thủ (a/b là 1 phân số, không dùng số mà dùng chữ ab để không spoil truyện). Độc giả có thể đọc 1 mạch đến hết, cũng có thể đọc từng chương rồi dừng lại để nghiền ngẫm thêm. “Vụ án mạng giám mục” không có chi tiết kinh dị, có thể đọc thoải mái không cần băn khoăn. Theo Biển thì đây là 1 quyển đáng có trên kệ sách của mọi mọt.
Biển xin gửi lời cảm ơn Hội 4T đã tặng Biển quyển này, và cảm ơn người đầu tiên đã nảy ra ý tưởng dịch quyển này sang tiếng Việt để đem đến cho độc giả VN 1 quyển sách hay. Nói nhỏ nhỏ: nếu được, mong Hội 4T hãy đầu tư nhân lực + hiện kim để dịch thêm các truyện trinh thám khác của tác giả này nhé ^^
(Sea, 28-5-2018)
Camellia Phoenix
***
S. S. Van Dine là bút danh của Willard Hungtington Wright (15/10/1888 – 11/04/1939), một nhà phê bình nghệ thuật và cũng là một nhà văn người Mỹ. Ông tạo ra thám tử hư cấu rất nổi tiếng là Philo Vance, xuất hiện trong cuốn sách đầu tiên vào năm 1926, sau đó là trong các bộ phim và trên đài phát thanh.
Willard Hungtington Wright là con trai của Archibald Davenport Wright và Annie Van Vranken Wright. Ông sinh ngày 15 tháng Mười năm 1888, tại Charlottesville, Virginia. Em trai ông, Stanton Macdonald-Wright (1890 – 1973), một nghệ sĩ trừu tượng nổi tiếng của Mỹ, có vẽ một bức tranh chân dung ông bằng sơn dầu vào khoảng năm 1913 -1914.
Năm 1907, Wright kết hôn với Katharine Belle Boynton tại Seattle, Washington. Ông kết hôn lần thứ hai vào năm 1930 với Eleanor Rulapaugh, được biết đến dưới cái tên Claire De Lisle, một họa sĩ tranh chân dung.
Wright, một nhà văn chủ yếu tự học, đã theo học trường St. Vincent College, Pomona College và đại học Havard nhưng không hoàn tất. Ông cũng học nghệ thuật ở Munich và Paris, chính việc học ở đây đã dẫn dắt ông tới công việc liên quan đến văn học và phê bình nghệ thuật cho tờ Los Angeles Times. Wright là một người ủng hộ chủ nghĩa tự nhiên của Theodore Dreiser. Ông đã viết tiểu thuyết “The Man of Promise” và một số truyện ngắn theo thể loại này. Khi là biên tập viên cho tạp chí văn học The Smart Set, từ năm 1912 – 1914, ông đã cho xuất bản một số tiểu thuyết hiện thực của các tác giả khác. Ông bị sa thải khỏi vị trí đó khi chủ sở hữu bảo thủ của tạp chí cảm thấy rằng Wright đã cố tình khiêu khích độc giả trung lưu của họ với sự hứng thú của ông về những tác phẩm hư cấu trái với thông lệ và bị cho là khiêu dâm. Trong thời gian hai năm đó, Wright đã xuất bản truyện ngắn của Gabriele D’Annunzio, Floyd Dell, Ford Madox Ford, D.H. Lawrence và George Moore; một vở kịch của Joseph Conrad; và những bài thơ của Ezra Pound và William Butler Yeats.
Ông xuất bản cuốn “What Nietzsche Taught” vào năm 1915. Trong cuốn sách này, ông cung cấp thông tin và những lời nhận xét trong các cuốn sách của Nietzsche, cũng như trích dẫn từ mỗi cuốn sách.
Năm 1917, ông đã xuất bản Misinforming a Nation, một lời phê bình gay gắt về sự thiếu chính xác và định kiến tiếng Anh của bách khoa toàn thư Britannica tái bản lần thứ 11.
Wright tiếp tục sự nghiệp trong vai trò một nhà phê bình và nhà báo cho đến năm 1923, khi sức khỏe ông trở nên yếu đi do làm việc quá sức, nhưng thật ra là do nghiện thuốc (theo “Tiểu sử bút danh S. S. Van Dine” của John Loughery). Bác sĩ đã khuyên ông nên nghỉ ngơi (được cho là do bệnh tim, nhưng thật ra là do nghiện cocaine, một loại ma túy chiết xuất từ lá coca) trong hơn hai năm. Thất vọng và chán nản, ông bắt đầu sưu tập và đọc hàng trăm tác phẩm về tội phạm và điều tra. Wright cũng quyết định thử sức mình với tiểu thuyết trinh thám và tham khảo ý kiến của Maxwell Perkins, biên tập viên Scribner nổi tiếng mà ông quen tại Đại học Harvard. Năm 1926, cuốn sách đầu tiên về Philo Vance, The Benson Murder Case, được xuất bản dưới bút danh “S. S. Van Dine”. Wright lấy bút danh từ chữ viết tắt của từ “steamship” và cái tên Van Dine, mà theo ông nói là một cái tên cổ trong gia đình. Tuy nhiên, theo như lời Loughery, “không ai có cái tên Van Dine trong cây gia phả”.
Ông tiếp tục viết thêm 11 tiểu thuyết trinh thám, và những quyển sách đầu tiên về vị thám tử nghiệp dư trong tầng lớp thượng lưu, Philo Vance (người có tình yêu về mỹ học giống Wright), trở nên nổi tiếng tới nỗi lần đâu tiên trong đời Wright trở nên giàu có, nhưng niềm vui không trọn vẹn. Số phận của ông đã được báo trước một cách kỳ lạ ở Stanford West, người anh hùng trong cuốn tiểu thuyết của ông, nổi tiếng do từ bỏ công việc không được ưa chuộng trong khi tìm kiếm “một nền móng vững chắc của văn minh và tầng lớp quý tộc” và trở thành một tiểu thuyết gia thành công. Tiêu đề của một bài báo ông viết ở đỉnh cao của sự nổi tiếng của mình, “Tôi từng là một nhà trí thức và bây giờ hãy nhìn tôi đi”, phản ánh cả niềm tin và sự hối tiếc của ông về việc ông không được coi trọng như là một nhà văn hàng đầu. Những cuốn sách sau này của ông đã ít nổi tiếng hơn vì sở thích của công chúng trong việc đọc các tiểu thuyết hư cấu bí ẩn đã thay đổi.
Wright, người có tính cách giống với Vance, là một người điệu bộ và ham mê nghệ thuật, hiểu biết về nghệ thuật, âm nhạc và phê bình. Ông sống trong một căn hộ đắt đỏ, với niềm yêu thích trang phục và thức ăn đắt tiền, và sưu tập các tác phẩm nghệ thuật.
Wright mất vào ngày 11 tháng Tư năm 1939, ở thành phố New York, một năm sau khi xuất bản cuốn tiểu thuyết “The Grade Allen Murder Case” và để lại một tiểu thuyết ngắn được dự định dựng thành phim cho Sonja Henje, và được xuất bản sau khi ông mất dưới tên “The Winter Murder Case”.
Series về thám tử Philo Vance gồm 12 tác phẩm:
The Benson Murder Case (1926)
The Canary Murder Case (1927)
The Greene Murder Case (1928)
The Bishop Murder Case (1928)
The Scarab Murder Case (1929)
The Kennel Murder Case (1933)
The Dragon Murder Case (1934)
The Casino Murder Case (1934)
The Garden Murder Case (1935)
The Kidnap Murder Case (1936)
The Grade Allen Murder Case (1938)
The Winter Murder Case (1939)
Cùng với sự thành công trong vai trò một nhà văn viết tiểu thuyết hư cấu, những dòng giới thiệu và ghi chú của Wright trong tuyển tập “The world’s great detective stories” (Những truyện trinh thám hay trên thế giới – 1928) rất quan trọng trong lịch sử nghiên cứu phê bình về tiểu thuyết trinh thám. Ông cũng đã viết một bài báo có tựa đề “Twenty rules for writing detective stories” (Hai mươi quy tắc viết truyện trinh thám) vào năm 1928 được đăng trên tạp chí The American. Nó thường xuyên được tái bản và thường được đối chiếu với “Ten commandments of detective fiction” (Mười điều răn về truyện trinh thám – 1929) của Ronald Arbuthnott Knox (1888 – 1957), một linh mục, nhà thần học và tác giả truyện trinh thám người Anh.
Wright cũng viết một series truyện ngắn cho hãng phim Warner Brothers vào đầu thập niên 1930. Những câu chuyện này đã được sử dụng trong một series gồm 12 phim ngắn, với độ dài khoảng 20 phút mỗi tập, được phát hành vào năm 1931 -1932:
The Clyde Mystery (tháng 09/1931)
The Wall Street Mystery (11/1931)
The Week End Mystery (12/1931)
The Symphony Murder Mystery (01/1932),
The Studio Murder Mystery (02/1932)
The Skull Murder Mystery (03/1932)
The Cole Case (The Cole Murder Case) (04/1932)
Murder in the Pullman (05/1932)
The Side Show Mystery (06/1932)
The Campus Mystery (07/1932)
The Crane Poison Case (07/1932)
The Trans-Atlantic Murder Mystery (08/1932)
Trong số đó, The Skull Murder Mystery cho thấy việc xây dựng tình tiết kịch bản mạnh mẽ của Wright. Nó cũng nổi tiếng về cách đối xử không phân biệt chủng tộc đối với những nhân vật người Trung Quốc, một điều khá bất thường vào thời điểm đó. Theo như được biết, không có kịch bản nào của ông được xuất bản thành sách và dường như không có bản thảo nào tồn tại đến ngày nay.
Những phim ngắn cực kỳ phổ biến vào thời điểm đó và Hollywood đã làm hàng trăm phim như thế trong thời kỳ đó. Tuy nhiên, trừ một số phim hài câm, hầu hết những bộ phim này đều bị lãng quên và không được liệt kê trong các cuốn sách tham khảo về phim ảnh.
Mời các bạn đón đọc Vụ Án Mạng Giám Mục của tác giả S. S. Van Dine & Nhã Nhã (dịch) & Tào Huỳnh (dịch).
Nguồn: https://www.dtv-ebook.com.vn