Đa số các nhà kinh tế, trong mức độ mà họ suy nghĩ về đề tài này, đều cho rằng cuộc Đại suy thoái của thập niên 1930 chỉ là một thảm họa vu vơ và vô cớ. Phải chi Herbert Hoover [1] không cố gắng cân bằng ngân sách trong bối cảnh kinh tế suy thoái; phải chi Cục Dự trữ Liên bang không bảo vệ chế độ bản vị vàng bất chấp cái giá phải trả là nền kinh tế quốc nội; phải chi người ta cung cấp thanh khoản cho các ngân hàng gặp khó khăn để làm dịu sự sợ hãi trong hệ thống ngân hàng những năm
1930-31… thì vụ sụp đổ của thị trường chứng khoán năm 1929 cũng chỉ dẫn tới một cuộc suy thoái bình thường, không đáng để ý và chắc chắn sẽ rơi vào quên lãng. Do các nhà kinh tế và những nhà làm chính sách đã “thuộc bài” – chẳng hạn sẽ không có ông bộ trưởng tài chính nào dám lặp lại giọng điệu của Andrew Mellon [2] trong lời khuyên khét tiếng “loại bỏ và thanh lý hết các lao động, các chứng khoán, những nông trại, bất động sản … bất cứ thứ gì kém hiệu quả và độc hại ra khỏi hệ thống kinh tế” – dường như một cuộc Đại suy thoái tương tự sẽ không bao giờ có cơ may xảy ra nữa.
Liệu điều này có đúng hay không? Cuối thập niên 1990 một loạt nền kinh tế châu Á – những nền kinh tế chiếm một phần tư sản lượng của kinh tế toàn cầu, với dân số cỡ bảy trăm triệu người – đã trải qua một đợt suy thoái có những nét tương đồng một cách đáng sợ với cuộc Đại suy thoái năm nào. Và cũng như cuộc Đại suy thoái, cuộc khủng hoảng lần này cũng đột ngột xuất hiện như tiếng sét giữa bầu trời xanh; trong khi các chuyên gia vẫn khăng khăng dự đoán kinh tế tiếp tục tăng trưởng ngay khi suy thoái đã manh nha hé lộ. Như thập niên 1930, những “phương thuốc” kinh tế truyền thống tỏ ra không hiệu quả, đôi khi còn phản tác dụng. Khi nghĩ đến việc lịch sử u ám đó đang lặp lại, dường như ai trong chúng ta cũng phải rùng mình!
Đó chính là cảm giác của tôi lúc này. Ấn bản đầu tiên của cuốn sách trên tay các bạn đã được hình thành để trả lời cho cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á những năm 1990. Hồi đó, trong khi một số người xem đây là một hiện tượng thuần túy châu Á, tôi đã cho rằng đây là một điềm báo chẳng lành cho tất cả chúng ta, là một cảnh báo cho thấy các vấn đề của kinh tế học suy thoái ( depression economics ) chưa hề biến mất trong thời hiện đại. Đáng buồn thay, những điều tôi đã lo ngại hóa ra lại là đúng. Khi ấn bản mới của cuốn sách này ra đời, đa phần thế giới (trong đó có cả nước Mỹ) đang phải vật lộn với khủng hoảng kinh tế và tài chính. Cuộc khủng hoảng này thậm chí, so với khủng hoảng kinh tế châu Á thập niên 1990, còn tương đồng hơn nhiều với thời Đại suy thoái.
Những vấn đề kinh tế mà châu Á trải qua một thập kỷ trước đây, cũng như những gì mà chúng ta đang đối mặt hiện nay, hóa ra lại chính là những gì người ta tưởng rằng đã học được cách phòng ngừa hiệu quả. Trong thời kỳ đen tối trước đây, những nền kinh tế lớn và phát triển với những chính phủ ổn định như nước Anh hồi thập niên 1920 có thể không tìm ra lời giải đáp cho những thời kỳ đình đốn và giảm phát kéo dài; song trong giai đoạn giữa John Maynard Keynes và Milton Friedman, chúng ta đã từng nghĩ rằng mình đã học được cách ngăn ngừa hiệu quả những khủng hoảng tương tự. Trước kia những nền kinh tế nhỏ như nước Áo hồi năm 1931 từng phải chịu phó mặc số phận cho những cơn thủy triều tài chính và không thể tự quyết định vận mệnh kinh tế của mình; nhưng ngày nay những chuyên gia ngân hàng và viên chức chính phủ dày dạn kinh nghiệm (đó là chưa kể đến Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF) được cho là hoàn toàn có khả năng dàn xếp những gói giải cứu hữu hiệu, có thể khống chế dễ dàng những cuộc khủng hoảng trước khi chúng kịp lan rộng. Chính phủ Mỹ những năm 1930-31 có thể chỉ biết khoanh tay đứng nhìn hệ thống ngân hàng trong nước sụp đổ, nhưng trong thời hiện đại, bảo hiểm tiền gửi và việc Cục Dự trữ Liên bang sẵn sàng bơm tiền mặt cho các định chế tài chính gặp khó khăn được người ta kỳ vọng có thể ngăn chặn những cảnh tượng tương tự. Tất nhiên chẳng ai nghĩ rằng những quan ngại về kinh tế đã đi qua, song chúng ta đều chắc chắn rằng dù có gặp phải bất kỳ vấn đề gì trong tương lai, thì chúng cũng chẳng thể có nét gì tương đồng với những khủng hoảng thời 1920 và 1930 cả.
Tuy nhiên, lẽ ra một thập niên trước đây chúng ta đã phải nhận ra rằng sự tự tin nói trên đã được đặt nhầm chỗ. Gần suốt thập niên 1990, nước Nhật rơi vào một cái bẫy kinh tế, vốn chẳng xa lạ gì với Keynes và những người cùng thời với ông. Trong khi đó, một số nền kinh tế nhỏ hơn tại châu Á đã rơi tõm từ đỉnh cao tăng trưởng xuống vực sâu thảm họa chỉ sau một đêm – và câu chuyện buồn của họ rất giống với những gì đã diễn ra hồi thập niên 1930.
Vào thời gian đó, tôi có suy nghĩ như sau: những gì xảy ra giống như một loài vi khuẩn gây bệnh dịch chết người đã được y học khống chế một thời gian dài, nay bất thần xuất hiện trở lại dưới một dạng thức mới, mà không một dạng kháng sinh thông thường nào có khả năng ngăn chặn. Trong phần giới thiệu cho ấn bản đầu tiên của cuốn sách này, tôi đã viết như sau: “Cho đến nay mới chỉ có một số ít người là nạn nhân của giống vi khuẩn mới này; song thật là khờ khạo nếu những ai chưa bị bệnh không chịu tìm ra những phương thuốc hay cơ chế phòng bệnh mới bằng bất cứ giá nào; điều đó sẽ biến họ thành những nạn nhân kế tiếp của bệnh dịch!”.
Vâng, đúng là chúng ta đã khờ khạo, thậm chí ngu ngốc. Và hôm nay bệnh dịch đang hoành hành trên đầu chúng ta.
Đa phần cuốn sách này dành để viết về cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á thập niên 1990, cái hóa ra là “đợt tổng diễn tập” cho cuộc khủng hoảng toàn cầu đang diễn ra hiện nay. Tuy nhiên, tôi cũng bổ sung khá nhiều tài liệu mới, trong nỗ lực giải thích bằng cách nào mà nước Mỹ hôm nay rơi vào tình cảnh như nước Nhật mười năm trước đây; bằng cách nào mà Iceland hôm nay giống Thái Lan trước kia; và bằng cách nào mà những quốc gia từng bị khủng hoảng mười năm trước kinh hãi nhận ra một lần nữa họ lại đang đứng bên bờ vực thẳm…
Về cuốn sách này
Tôi xin nói ngay từ đầu rằng về bản chất mà nói, đây là một cuốn sách phân tích. Theo đó, tôi không nói quá nhiều về “cái đã xảy ra” bằng việc nói về lý do tại sao mọi việc đã xảy ra như vậy. Tôi tin rằng điều quan trọng là hiểu được bằng cách nào thảm họa đã có thể xảy ra, làm sao những nạn nhân của nó có thể “sống sót”, cũng như cách thức phòng ngừa thảm họa trong tương lai. Điều này có nghĩa mục tiêu sau cùng của cuốn sách là, như người ta hay nói trong các trường kinh doanh, phát triển lý thuyết từ tình huống thực tế – hay nói cách khác, tìm ra cách thức suy nghĩ và lý giải tất cả những hiện tượng này.
Tuy nhiên, tôi cũng cố gắng tránh làm cho cuốn sách trở thành một sự trình bày khô khan về lý thuyết. Không có những phương trình, những biểu đồ bí hiểm, và (tôi hy vọng) cũng không có cả những thuật ngữ chuyên ngành quá ư khó hiểu. Là một nhà kinh tế có tên tuổi, tôi hoàn toàn có khả năng viết ra những điều khó hiểu tới mức … không ai đọc nổi. Thực ra mà nói, những tài liệu không-ai-đọc-nổi đó ( những tài liệu chuyên ngành kinh tế với đầy những thuật ngữ – ND ) của chính tôi và nhiều người khác đã đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp tôi đi đến những kết luận trong cuốn sách này. Tuy nhiên, điều mà thế giới hiện đang cần là một cách hành động khôn ngoan và có hiểu biết. Mà để có được cách hành động đó, các ý tưởng phải được trình bày bằng ngôn ngữ sao cho dễ đọc dễ hiểu với những ai liên quan, chứ không chỉ giới hạn trong những ông tiến sĩ về Kinh tế học. Những phương trình và biểu đồ rối rắm khó hiểu nói trên chẳng qua chỉ đóng vai trò làm giàn giáo trong việc xây một tòa lâu đài tri thức. Một khi tòa lâu đài đã được xây tới một mức nào đó, người ta sẽ dỡ bỏ giàn giáo kia đi, những gì còn lại chỉ là ngôn ngữ giản dị và dễ hiểu.
Ngoài ra, dù mục tiêu sau cùng của cuốn sách là phân tích (analytical), đa phần nội dung lại bao gồm lối văn kể chuyện (narrative). Một phần là vì thứ tự trước sau của các sự kiện (ở đây có thể xem như cốt truyện) là một minh chứng quan trọng cho ý nghĩa và tính chính xác của lý thuyết đề ra (chẳng hạn, quan điểm “chính thống” về khủng hoảng kinh tế xem khủng hoảng là một hình phạt đích đáng dành cho một số nền kinh tế, đã không thể được biện minh khi đối mặt với thực tế: vài nền kinh tế có vẻ ngoài rất khác biệt cùng gặp khủng hoảng trong vài tháng gần nhau – một sự trùng hợp đặc biệt thú vị!). Ngoài ra, tôi cũng nhận ra rằng các sự kiện nối tiếp nhau cũng cung cấp bối cảnh cần thiết cho các nỗ lực tìm hiểu và giải thích của tôi, và rằng không phải ai cũng có điều kiện theo dõi sâu sát những sự kiện đặc biệt kịch tính trong mười tám tháng vừa qua. Cũng như ít ai nhớ chính xác những gì Thủ tướng Mahathir phát biểu tại Kuala Lumpur hồi tháng 8 năm 1997 và liên hệ chúng với những gì Donald Tsang đã làm ở Hongkong một năm sau đó! Trong những trường hợp như vậy, những câu chuyện được kể trong cuốn sách này sẽ giúp các bạn cùng hồi tưởng lại và suy ngẫm.
T ôi cũng xin nói đôi lời về phong cách trình bày của mình. Các tác gia về kinh tế học khi viết về những đề tài nghiêm trọng và to lớn thường bị cám dỗ sử dụng những ngôn từ và cách trình bày quá sức trịnh trọng, tự đề cao. Không phải ý tôi nói những vấn đề liên quan ở đây không quan trọng, ngược lại là khác, đôi khi chúng là những vấn đề sinh tử. Dù vậy, các chuyên gia kinh tế rất thường nghĩ rằng do vấn đề mà họ trình bày và xem xét là nghiêm trọng, lớn lao, cách tiếp cận nó cũng phải hết sức nghiêm trang, theo kiểu “vấn đề lớn – từ ngữ lớn”, tuyệt đối tránh những từ ngữ và cách diễn đạt bông lơn, thoải mái, không trang trọng. Tuy nhiên, chúng ta đều đã từng thấy rằng để có thể nắm bắt và hiểu được các hiện tượng mới và lạ, người ta phải sẵn sàng để có thể “chơi” với các ý tưởng. Tôi dùng động từ “chơi” ở đây một cách rất có suy nghĩ: những người quá ư trịnh trọng, nghiêm túc và thiếu óc khôi hài, sẽ chẳng bao giờ có thể đưa ra những kiến giải mới mẻ, về kinh tế học hay bất cứ lĩnh vực nào cũng vậy. Chẳng hạn hãy nghe tôi phát biểu “Nhật Bản đang chịu thiệt hại từ sự không thể thích nghi và điều chỉnh về bản chất, do mô hình tăng trưởng lấy Nhà nước làm trung tâm của họ dẫn tới sự cứng nhắc về cơ chế”. Rõ ràng tôi chẳng diễn tả hay “nói” được điều gì cả, có chăng chỉ tạo cho các bạn cảm giác rằng vấn đề tôi đang nói tới là một vấn đề rất khó khăn, không có câu trả lời dễ dàng – một cảm giác có thể hoàn toàn sai lầm. Giả sử tôi trình bày chính vấn đề trên đây của nước Nhật bằng một câu chuyện nhẹ nhàng về những thăng trầm của một hợp tác xã giữ trẻ (thực tế cuốn sách này có vài ví dụ như vậy) thì sao nhỉ? Thoạt nghe có vẻ kỳ dị, song chính sự khôi hài, bông lơn của phong cách này có đích nhắm riêng của nó: thức tỉnh và đưa tư duy của chúng ta sang hẳn một kênh khác, chẳng hạn trong ví dụ trên là việc nhận ra rằng có thể có một cách giải quyết khác đơn giản hơn, ít ra là cho một phần của vấn đề mà Nhật Bản đang gặp phải. Do đó xin độc giả đừng kỳ vọng nơi đây một cuốn sách viết theo lối hàn lâm trang trọng, ngược lại tuy mục tiêu đặt ra là hoàn toàn nghiêm túc, lối viết của tôi lại mang vẻ giản dị và đùa bỡn, như đề tài này đòi hỏi nó phải thế!
Và bây giờ hãy bắt đầu cuộc hành trình của chúng ta, bắt đầu với một thế giới với vẻ ngoài của nó, chỉ vài năm trước đây thôi.
[1] Tổng thống thứ 31 của Mỹ, nhiệm kỳ 1929-1933; trước đó là Bộ trưởng Thương mại (1921-1928)
[2] Bộ trưởng Tài chính Mỹ từ 1921 đến 1932, nổi tiếng với quan điểm cứng rắn trong thời suy thoái, chẳng hạn từ chối bơm thanh khoản cho các ngân hàng yếu, từ chối bơm thêm tiền mặt vào nền kinh tế v.v…
Về Tác Giả
Paul Krugman nhận giải Nobel Kinh tế năm 2008. Ông phụ trách chuyên mục op-ed xuất hiện hai lần một tuần trên tờ Thời báo New York, đồng thời viết blog “Lương tâm của một người tự do” (The conscience of a Liberal – tên blog lấy từ tên một tác phẩm khác của ông). Krugman từng đoạt giải “Phóng viên chuyên mục của Năm” (The Columnist of the Year) do tạp chí Editor and Publisher bình chọn. Ông là giáo sư môn kinh tế và quan hệ quốc tế tại Đại học Princeton, sáng tác và biên tập hơn 20 cuốn sách, hơn 200 bài viết trên các tạp chí chuyên ngành. Thông tin thêm về Krugman có thể xem ở website www.krugmanonline.com.
Nobel kinh tế năm 2008 *
Paul Krugman, 55 tuổi, người Mỹ, giáo sư đại học Princeton, vừa được Hàn lâm viện Khoa học Thụy Điển cho biết là sẽ được giải Nobel Kinh tế năm 2008 (lễ trao sẽ vào tháng 12), qua những đóng góp của ông về thuyết thương mại và kinh tế địa lý. Việc Krugman được giải này không gây nhiều ngạc nhiên. Đối với đa số đồng nghiệp, ông đã nằm trong danh sách “đáng được Nobel” từ lâu. Tuy vậy, cũng có vài lời đàm tiếu. Có người nhắc là, từ khoảng mười năm nay (từ khi ông cộng tác với tờ New York Times) hầu như Krugman không có đóng góp gì mới (có kẻ nói móc: Ủy ban Nobel đã vi phạm điều lệ là chỉ trao giải cho người còn sống, vì “nhà kinh tế Krugman” đã qua đời gần mười năm rồi!). Ngược lại, có người cho rằng, dù ông có xứng đáng, trao gỉải cho ông năm nay là không đúng lúc, đáng lẽ nên đợi Bush hết nhiệm kỳ, những công trình khoa học của Krugman (một người cực lực chống Bush) sẽ được đánh giá khách quan hơn, và giải thưởng sẽ không bị nghi ngờ là cách các giám khảo Nobel mượn Krugman để làm bẽ mặt Bush!
Dù sao thì Paul Krugman cũng được giải năm nay, vậy cũng nên biết về hai đóng góp, quả là quan trọng, mà ông đã được tuyên dương. Thứ nhất là cái gọi là “thuyết thương mại mới” (“new trade theory”) và thứ hai là “kinh tế địa lý mới” (new economic geography).
1
Trước hết, nên biết “thuyết thương mại cũ” nói gì. Đây là lý thuyết được dạy trong các lớp kinh tế nhập môn ở hầu hết các đại học: Quốc gia này khác quốc gia kia về năng suất của từng công nghiệp, và về các nguồn lực (vốn, lao động, v.v…) mà quốc gia ấy sở hữu. Những khác biệt đó là động cơ của thương mại. Chẳng hạn, quốc gia vùng nhiệt đới thì trồng trọt và xuất khẩu chuối, quốc gia vùng ôn đới thì trồng trọt và xuất khẩu lúa mì; quốc gia có lao động nhiều học vấn thì xuất khẩu hàng công nghệ cao, còn quốc gia mà lao động học vấn kém thì xuất khẩu hàng công nghệ thấp…
“Thuyết thương mại mới” phát sinh từ nhận định rằng, dù “thuyết thương mại cũ” soi sáng rất nhiều cơ cấu thương mại toàn cầu, vẫn còn một số hiện tượng quan trọng mà nó không giải thích được. Khối lượng thương mại giữa Pháp và Đức, chẳng hạn, là rất cao, dù hai nước khá giống nhau về tài nguyên cũng như khí hậu. Mậu dịch giữa Mỹ và Canada cũng thế. Hơn nữa, hàng hóa mà các nước đã phát triển buôn bán với nhau thường là cùng một thứ (chẳng hạn như Mỹ xuất khẩu ôtô mà cũng nhập khẩu ôtô), chứ không phải luôn luôn xuất khẩu thứ này, nhập khẩu thứ khác. (Nên để ý rằng sự kiện này đã được phát giác từ thập kỷ 1950, Krugman không phải là người đầu tiên nhận thấy.)
Tuy đã có một số lý thuyết giải thích hiện tượng này (thường được gọi là “thương mại nội ngành” – intra-industy trade) nhưng hầu hết đều vá víu, tùy tiện, chỉ áp dụng cho vài trường hợp thật cá biệt. Đóng góp to lớn của Krugman là chứng minh rằng “thương mại nội ngành” hoàn toàn có thể là hậu quả của (sự đa dạng) chủng loại sản phẩm và đặc tính sản xuất. Cụ thể, có khá nhiều sản phẩm không giống lúa mì, hoặc chuối (mà rất nhiều nơi trên thế giới sản xuất được), nhưng lại giống loại máy bay khổng lồ (jumbo jet), mà chỉ vài nơi trên thế giới sản xuất. Tại sao? Lý do chính là một số công nghiệp có đặc tính mà kinh tế học gọi là “tính tiết kiệm do quy mô” (economies of scale): số lượng sản xuất càng cao thì giá phí bình quân càng thấp. Đối với loại hàng hóa có tính này thì thế giới chỉ cần vài cơ xưởng sản xuất là đủ. Những cơ xưởng này tất nhiên phải tọa lạc ở nơi nào đó, và quốc gia nào “may mắn” có chúng thì sẽ xuất khẩu những loại hàng ấy, còn các quốc gia khác thì phải nhập khẩu từ họ.
Cách giải thích của Krugman tất nhiên dẫn đến câu hỏi: Quốc gia nào sẽ là nơi có cơ xưởng sản xuất máy bay, hoặc một loại máy chuyên dụng, hoặc một kiểu ôtô đặc biệt mà một số người tiêu dùng khắp thế giới đều muốn? “Thuyết thương mại mới” của Krugman đưa câu trả lời, khá bất ngờ và thú vị: Điều đó không quan hệ! Rất nhiều loại hàng có tính “tiết kiệm do quy mô”; quốc gia nào cũng có một số hàng như vậy; mọi chi tiết khác (có thể là do tình cờ của lịch sử) đều không là quan trọng! Quan trọng là cái bức tranh toàn cảnh của thương mại thế giới: Bức tranh ấy được định đoạt bởi những yếu tố như tài nguyên và khí hậu (như trong thuyết thương mại “cũ”), nhưng thêm vào đó là rất nhiều những chuyên biệt hóa căn cứ trên tính tiết kiệm do quy mô, như thuyết thương mại “mới” vừa cho thấy. Đó là lý do tại sao khối lượng thương mại toàn cầu trên thực tế rất lớn, nhất là giữa những nước khá giống nhau, hơn là khối lượng mà thuyết thương mại “cũ” (chỉ căn cứ trên sự khác biệt tài nguyên và khí hậu) tiên đoán.
2
Khoảng mươi năm sau khi trình làng “thuyết thương mại mới”, Krugman đặt câu hỏi: Điều gì sẽ xảy ra nếu như vài (nhưng không tất cả) nguồn lực kinh tế (cụ thể là lao động và vốn) có thể di chuyển từ nơi này đến nơi khác? Trong thế giới của “thuyết thương mại cũ”, thương mại (hoặc, nói cách cầu kỳ, “sự lưu động của hàng hóa”) có thể được thay thế bằng “sự lưu động của yếu tố sản xuất”: nếu nhà máy và công nhân có thể tự do di chuyển từ vùng này sang vùng khác, thì những nhà máy và công nhân này sẽ phân tán đến “gần” nông dân, để “tối thiểu hóa” phí vận chuyển nông phẩm lẫn hàng công nghiệp. Song, trong thế giới “tiết kiệm do quy mô” mà Krugman hình dung thì “hiệu ứng ly tâm” này (đẩy các hoạt động kinh tế ra xa nhau) sẽ gặp sự đối kháng của “hiệu ứng hướng tâm” kéo những hoạt động ấy đến những thị trường lớn. Hiệu ứng hướng tâm này có khuynh hướng tập trung hóa các hoạt động kinh tế. Lấy trường hợp vua ôtô Henry Ford và kiểu xe “Model T” nổi tiếng, làm thí dụ. Ford có thể xây nhiều nhà máy rải rác khắp nước Mỹ để gần khách hàng. Tuy nhiên, ông sáng suốt tiên đoán rằng dù phí chuyên chở đến khách hàng có là cao nếu tập trung sản xuất ở chỉ một nhà máy ở bang Michigan, tập trung như thế sẽ cho phép ông khai thác “tiết kiệm do quy mô”, phí sản xuất sẽ rất thấp, và rốt cuộc thì giá bán sẽ rẻ hơn là sản xuất ở nhiều nhà máy nhỏ, dù gần khách hàng.
Tất nhiên, sẽ có câu hỏi: nếu tập trung sản xuất vào một số ít địa phương để tận dụng tiết kiệm do quy mô thì nên chọn những địa phương nào? Krugman trả lời: đó là những địa phương có sẵn một thị trường lớn – tức là những địa phương mà các nhà sản xuất khác cũng đã chọn để sản xuất hàng của họ! Qua thời gian, nếu lực hướng tâm này đủ mạnh, chúng ta sẽ có một hiệu ứng tích lũy: những vùng, do một tình cờ lịch sử nào đó, là nơi đầu tiên có những trung tâm sản xuất thì những vùng ấy sẽ thu hút thêm các nhà sản xuất, trở thành trung tâm kinh tế, trong lúc những vùng khác trở thành “ngoại vi”. Chính vì thế mà, theo Krugman, cho đến gần đây, hầu hết công nghiệp của Mỹ đều nằm trong một “vòng đai” địa lý tương đối hẹp, trải từ miền Tân Anh Cát Lợi (New England) đến vùng Trung Tây (Midwest) của quốc gia này. Tương tự, Krugman nói cách ấn tượng: 60 triệu người Mỹ sống dọc bờ biển miền Đông chẳng phải vì so với nơi khác thì phong cảnh ở đây hữu tình hơn, hoặc khí hậu dễ chịu hơn (trái lại là khác!), song mỗi người sống ở đây vì 60 triệu người khác cũng sống ở đây.
Với cùng một lôgíc, Krugman giải thích tại sao một số công nghiệp nào đó tập trung ở một địa phương nhất định, dù rằng trong trường hợp này thì cái lôgíc sẽ dính líu đến những yếu tố như: ở địa phương ấy số lao động chuyên môn về một ngành nào đó thì đặc biệt hùng hậu, hoặc là ở nơi ấy có nhiều nguồn cung cấp một loại đầu vào mà nơi khác không có.
Có thể hỏi thêm: Điều gì quyết định một công nghiệp định cư ở nơi nào? Trả lời: Thường, là một ngẫu nhiên! Ví dụ như thung lũng Silicon (Silicon Valley, trung tâm công nghiệp điện tử của Mỹ) sở dĩ được như ngày nay cũng vì hai chàng William Hewlett và David Packard (sáng lập viên đại công ty Hewlett-Packard), tẩn mẩn rị mọ trong gara của họ ở một ngôi nhà vùng đó… Một ví dụ khác: Thành phố New York là thủ phủ đồ may mặc của nước Mỹ, phần lớn là vì số lượng mậu dịch về hàng vải đã sẵn có ở đây, và vì đông đảo khách hàng đang sống ở thành phố (lớn nhất nước Mỹ) này.
3
Ngày nay, hầu như ai trong giới kinh tế cũng chấp nhận căn bản của thuyết “thương mại mới” và thuyết “địa lý kinh tế” như là hiển nhiên. Nhưng trước Krugman thì những cách mô tả này rất là xa lạ (một ngoại lệ: hình như Paul Samuelson, “trưởng lão” kinh tế gia Mỹ, người Mỹ đầu tiên được Nobel kinh tế, cũng đã nghĩ đến vai trò của tiết kiệm do quy mô trong thương mại, dù nhà kinh tế này không khai triển thêm). Thiên tài của Krugman là nhận ra, trước mọi người, cốt tính của một hiện tượng kinh tế quan trọng, rồi dùng một mô hình cực kỳ đơn giản (nhưng không quá đơn giản!) để phân tích nó, trình bày nó một cách thật dễ hiểu, mở đường cho hàng trăm nhà kinh tế khác (trong đó có người viết bài này!) theo chân ông, khai triển thêm mô hình ấy. Krugman cũng đã may mắn vào nghề đúng lúc kinh tế học có nhiều tiến bộ khác mà ông có thể sử dụng trong mô hình của ông (ví dụ như tiếp cận áp dụng thuyết trò chơi trong các phân tích về cạnh tranh công nghiệp, hay “hàm tiêu dùng” cực kỳ giản dị, nhưng súc tích, của Avinash Dixit và Joseph Stiglitz – từ một lý thuyết nổi tiếng của Kelvin Lancaster – theo đó người tiêu dùng không chỉ ham muốn số lượng (nhiều) và chất lượng (cao) của một loại hàng mà còn ưa chuộng sự đa loại của hàng hóa nữa).
Những lý thuyết trên đây của Krugman có áp dụng nào cho chính sách kinh tế? Chính Krugman cũng nhìn nhận rằng điều này không là rõ ràng. Khi mới xuất hiện thì “thuyết thương mại mới” thường được xem là cho nhà nước một lý do để can thiệp vào thương mại (cụ thể là bảo hộ những công nghiệp có tính tiết kiệm do quy mô), thậm chí nó đã được nhiều công ty viện dẫn để biện hộ cho yêu cầu nhà nước giúp đỡ. (Trong thời kỳ này, Krugman rất “đắt sô”, được các công ty mời đi diễn thuyết mọi nơi, trả tiền khá sộp!). Tuy nhiên, dần dà Krugman và những người có đóng góp vào thuyết này (như James Brander, Barbara Spencer, Anthony Venables…) đâm “hoảng” về sự lạm dụng mà các công ty dùng thuyết của họ để yêu cầu chính phủ tài trợ, bảo hộ. Họ phải quay ra viết nhiều bài để “thanh minh”. Chẳng hạn, họ cảnh báo rằng nhà nước cần xác định ảnh hưởng của chính sách bảo hộ một công nghiệp đến những công nghiệp khác (giúp cái này có thể hại cái kia), hoặc là vạch rõ rằng công cụ bảo hộ (nếu quyết định là sẽ bảo hộ) tùy vào cách mà các công ty cạnh tranh với nhau (cạnh tranh bằng giá cả thì khác cạnh tranh bằng số lượng, chẳng hạn), và nhiều điều khó tiên liệu khác. Đàng khác, thuyết thương mại mới cũng có thể được dùng để chứng minh lợi ích của tự do mậu dịch, bởi vì thương mại trên cơ sở này sẽ đem đến cho người tiêu dùng nhiều chủng loại hàng hóa hơn. Nói chung, Krugman tin rằng tuy bảo hộ có thể có ích trên lý thuyết nhưng trên thực tế thì cái lợi của bảo hộ hầu như luôn luôn bất cập hại. Theo Krugman, những công trình của ông về thương mại và địa lý như tóm lược trên đây là để gia tăng kiến thức của chúng ta về thế giới thực tế, không có một dụng ý chính trị nào.
Một chi tiết khá thú vị là người ủng hộ Krugman mạnh mẽ nhất (đã vận động để New York Times mời Krugman về cộng tác) chính là Thomas Friedman, nổi tiếng với ý niệm “thế giới phẳng”. Oái oăm là, theo lý thuyết địa lý của Krugman thì toàn cầu hóa sẽ làm thế giới … kém phẳng: chính tiến trình này sẽ củng cố vai trò của những “thành phố toàn cầu” như New York, Luân Đôn… vì lẽ ngày càng dễ cho những thành phố này buôn bán với cả thế giới.
4
Tuy không được Ủy ban Nobel chính thức tuyên dương, hai lãnh vực nghiên cứu khác của Krugman cũng có nhiều dấu ấn đáng kể, đó là những phân tích của ông về khủng hoảng tiền tệ và về sự phân bố thu nhập ở Mỹ. Về khủng hoảng tiền tệ thì ông là trong số ít người bào chữa quyết định kiểm soát ngoại hối của thủ tướng (lúc ấy) Mahathir của Malaysia, thay vì nghe lời IMF, trong cuộc khủng hoảng tài chính Đông Á năm 1997. Còn về vấn đề phân bố thu nhập ở Mỹ thì phe bảo thủ luôn luôn phủ nhận là sự chênh lệch trong phân bố này ngày càng tăng, và họ cho rằng nếu có tăng thì cũng là do những yếu tố khách quan, cụ thể là tiến bộ công nghệ. Krugman mạnh mẽ phản bác ý kiến này. Dựa vào những con số thống kê khó chối cãi, ông chứng minh rằng hố chênh lệch thu nhập ở Mỹ phần lớn là hậu quả của chính sách của đảng Cộng Hòa, nhất là vào thời tổng thống Reagan.
5
Trong những nhà kinh tế được Nobel từ trước đến nay, có lẽ Paul Krugman là người được biết nhiều nhất ngoài giới kinh tế, qua hai bài bình luận mà ông viết hàng tuần cho tờ New York Times vào thứ hai và thứ sáu, và cụ thể là sự công kích kịch liệt chính sách của Bush nói riêng và đảng Cộng Hòa nói chung. Có thể nói là trong giới bình luận gia, ông là cái gai khó chịu nhất trong mắt của Bush và đảng Cộng Hòa. Tuy nhiên, liên hệ giữa Krugman và phe phóng khoáng (chống Bush) cũng có nhiều “phức tạp”. Vào giữa thập niên 1990, ông viết một số bài báo, cực lực chỉ trich (đôi khi hơi cao ngạo) những nhà kinh tế mà ông cho là “đem kinh tế đi bán dạo”. Dù có học vị cao, dạy trường danh tiếng, song, theo Krugman, những người này dùng những lập luận lỏng lẻo, lý thuyết lỗi thời, thậm chí sai lầm, để biện hộ cho những mục tiêu chính trị, hoặc chỉ để kiếm tiền hay vì háo danh. Không may, trong số những người mà ông chỉ trích lại là những nhân vật phóng khoáng có hạng (như Lester Thurow, Robert Kuttner, Robert Reich, Laura Tyson) được nhiều người mến mộ. Song, cũng phải nói, từ khi viết thường xuyên cho New York Times thì Krugman có vẻ “điềm đạm” hơn đối với người cùng phe phóng khoáng (có thể vì đôi khi chính Krugman cũng bị cáo buộc là “đem kinh tế đi bán dạo”!). Nhưng rồi gần đây, trong giai đoạn bầu cử sơ bộ của đảng Dân Chủ, Krugman lại làm nhiều người trong hàng ngũ phóng khoáng “nhức đầu” vì ông kịch liệt ủng hộ bà Hillary Clinton, đến độ lắm khi nặng lời với phe ủng hộ Barack Obama, cho là họ quá mê muội!
6
Paul Krugman sinh trưởng ở Long Island (kế cận thành phố New York). Thuở nhỏ, ông mê truyện khoa học giả tưởng của Isaac Asimov (có lẽ đây là lý do ông viết một bài đùa “lý thuyết thương mại giữa các ngôi sao” (theory of interstellar trade) khi còn là sinh viên). Sau khi lấy tiến sĩ ở Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) năm 1977, ông dạy ở Yale, MIT, Stanford, trở lại MIT, và từ năm 2000 về trụ trì ở Princeton, do lời mời của Ben Bernanke (hiện là chủ tịch Hệ thống Dự trữ Liên bang của Mỹ) lúc ấy là chủ nhiệm khoa kinh tế ở trường đại học này. Ông cũng có làm việc vài năm trong chính phủ (vào thời Reagan, cùng nhóm với Lawrence Summers, do Martin Felstein mời về làm trong Hội đồng Cố vấn Kinh tế). Năm 1991 ông được huy chương John Bates Clark của Hiệp hội Kinh tế Hoa Kỳ. Đây là một huy chương rất có uy tín, được trao hai năm một lần cho một kinh tế gia dưới 40 tuổi, và thường được xem là dấu hiệu của “tương lai Nobel”. Krugman cũng có viết hai cuốn sách giáo khoa bán rất chạy, một cuốn về kinh tế quốc tế mà đồng tác giả là Maurice Obstfield, một cuốn về kinh tế nhập môn viết chung với bà Robin Wells. Bà này là vợ kế của Krugman.
Dayton, 25/10/2008
* Được sự đồng ý của Giáo sư Trần Hữu Dũng – Wright State University, DT Books đăng nguyên văn bài viết của ông, đã được giới thiệu trên trang web www.viet-studies.info, như một lời giới thiệu chính thức về Giáo sư Paul Krugman.
Mời các bạn đón đọc Sự Trở Lại Của Kinh Tế Học Suy Thoái Và Cuộc Khủng Hoảng Năm 2008 của tác giả Paul Krugman.
Nguồn: https://www.dtv-ebook.com.vn