Tóm tắt & Review (Đánh Giá) sách Pep Guardiola – Một Cách Thắng Khác của tác giả Guillem Balague.
Tôi từng để hụt Pep Guardiola khi anh ấy còn đang thi đấu, vào thời điểm anh ấy nhận ra rằng mình không có tương lai ở Barcelona nữa.
Dù không có lý do nào rõ ràng để anh ấy rời đội bóng, chúng tôi vẫn nói chuyện với Guardiola và tôi đã nghĩ rằng mình đang có một cơ hội tốt để có được anh. Có thể là tôi đã chọn sai thời điểm. Nếu thành công, đó sẽ là một vụ chuyển nhượng thú vị. Guardiola chính là mẫu cầu thủ mà sau này Paul Scholes phát triển thành: Anh ấy là đội trưởng, thủ lĩnh và tiền vệ tổ chức lối chơi trong đội hình Dream Team của Barcelona do Johan Cruyff xây dựng. Sự điềm tĩnh, khả năng điều khiển trái bóng và kiểm soát nhịp độ trận đấu là những phẩm chất khiến anh trở thành một trong những cầu thủ vĩ đại nhất thế hệ mình. Đó cũng là những phẩm chất mà tôi đang tìm kiếm. Chính vì những lý do đó mà tôi đã mua Juan Sebastián Verón. Đôi lúc, ta nhìn lại một cầu thủ ở đẳng cấp hàng đầu và tự hỏi: “Không biết điều gì sẽ xảy ra nếu anh ta tới chơi bóng cho United nhỉ?” Đó chính là trường hợp của Pep Guardiola.
Tôi có thể hiểu được tình thế của Pep lúc đó. Khi bạn chơi cho một đội bóng như Barcelona, bạn luôn mong muốn mình có thể gắn bó ở đó cả đời. Bởi thế nên khi chúng tôi tiếp cận, anh ấy vẫn nghĩ rằng mình còn tương lai ở đội bóng, dù thực tế là anh ấy đã phải ra đi vào cuối mùa giải đó. Thật đáng tiếc! Trong bóng đá, chẳng có gì là mãi mãi cả: tuổi tác và thời gian sẽ bắt kịp bạn, và khi ngày đó tới, cả bạn lẫn đội bóng đều phải bước tiếp trên con đường của mình. Thời điểm đó, tôi đã nghĩ rằng chúng tôi đang mang tới cho Pep một giải pháp, một con đường mới cho sự nghiệp của anh ấy, nhưng cuối cùng thì chuyện chẳng thành. Chuyện của Pep làm tôi nhớ tới Gary Neville. Gary đã gắn bó với Manchester United từ khi cậu ấy 12 tuổi, bởi thế cậu ấy gần như đã trở thành một thành viên “trong gia đình” – một người con trai mà ta có thể nương nhờ và tin tưởng, đồng thời là một phần trong toàn bộ cấu trúc đội bóng. Nhưng tới một ngày, tất cả kết thúc. Trong trường hợp của Pep, thời khắc nhận ra mọi chuyện đang đi đến hồi kết hẳn là rất khó khăn. Tôi có thể hiểu được những nghi ngờ của anh ấy, lý do anh ấy trì hoãn cam kết với chúng tôi, nhưng cũng tới lúc chúng tôi phải nhìn sang nơi khác, và thế là cơ hội ấy tan biến.
Ở Guardiola, tôi nhận thấy có một đức tính nổi bật – yếu tố cực kỳ quan trọng tạo nên thành công to lớn của anh ấy khi làm huấn luyện viên – đó là sự khiêm nhường. Anh ấy không bao giờ tỏ ra kiêu ngạo, lúc nào cũng đầy tôn kính. Điều đó rất quan trọng. Bây giờ nhìn lại, ta có thể thấy rõ là trong suốt sự nghiệp cầu thủ, Guardiola chưa một lần tỏ ra huênh hoang, tự phụ. Anh ấy không phải là loại cầu thủ thường xuyên xuất hiện trên trang nhất của các tờ báo. Anh chơi bóng theo cách của riêng mình; anh không quá nhanh, nhưng lúc nào cũng giữ được sự điềm tĩnh tuyệt vời. Khi trở thành huấn luyện viên, anh đã thể hiện là người rất nguyên tắc về cách mà anh muốn đội bóng của mình chơi, nhưng dù đội thắng hay thua thì anh ấy vẫn luôn là chính mình, một người nhã nhặn, không phô trương. Nói thật, tôi nghĩ việc có được một người như thế là rất tốt trong cái nghề mà chúng tôi đang làm.
Tuy nhiên, có vẻ như sự nghiệp huấn luyện của anh ấy đã đi tới điểm mà ở đó anh vừa ý thức được tầm quan trọng của công việc mà mình đang làm ở Barcelona, đồng thời lại phải chịu đựng những yêu cầu khủng khiếp đi cùng với công việc đó. Tôi chắc chắn là anh ấy đã mất không ít thời gian để nghĩ về những câu hỏi như: “Chuyện này sẽ kéo dài tới bao giờ? Mình có thể tạo ra một đội bóng vô địch quốc gia nữa hay không? Mình có thể tạo ra một đội bóng vô địch Cúp Châu Âu nữa hay không? Mình có thể duy trì mức độ thành công như hiện tại hay không?”
Nếu tôi có thể có mặt đúng lúc để đưa ra lời khuyên, tôi sẽ nói với Pep rằng đừng lo lắng gì về điều đó: không thể giành Champions League không có nghĩa là năng lực huấn luyện của anh ấy hay trình độ của đội bóng đáng bị nghi ngờ. Dẫu vậy, tôi hiểu rằng có rất nhiều áp lực: mỗi lần đội bóng của Guardiola ra sân, kỳ vọng luôn rất lớn, ai ai cũng muốn đánh bại họ. Thực ra tôi nghĩ rằng anh ấy đã rất may mắn, bởi điều duy nhất mà anh ấy phải bận tâm là làm thế nào để “khoan phá” những đối thủ đang tìm mọi cách để ngăn đội bóng của anh ấy giành chiến thắng.
Cá nhân tôi cho rằng vấn đề ở đây chỉ là làm thế nào để tiếp tục tiến lên. Vậy thì tại sao lại ra đi? Có thể Guardiola gặp khó khăn trong việc kiểm soát các cầu thủ, hoặc tìm ra những chiến thuật mới, bởi vì các đội bóng lúc ấy đã bắt đầu giải mã được phong cách chơi của Barca. Cũng có thể anh ấy gặp vấn đề trong việc thúc đẩy họ. Theo kinh nghiệm của tôi, một người “bình thường” luôn muốn làm mọi việc trong đời theo cách nhẹ nhàng nhất có thể. Ví dụ, có một số người tôi biết đã nghỉ hưu ở tuổi năm mươi – đừng hỏi tôi tại sao! Như thế có nghĩa là động lực của phần lớn chúng ta khác với của Scholes, Giggs, Xavi, Messi và Puyol, những người mà theo tôi đều là những cá nhân kiệt xuất và động lực chưa bao giờ là vấn đề với họ bởi họ luôn đặt lòng kiêu hãnh của mình lên trên hết. Tôi chắc chắn rằng đội bóng của Pep gồm toàn những kiểu tính cách có thể làm gương và là nguồn động lực cho những người khác, chứ không phải những kiểu người muốn nghỉ hưu quá sớm.
Tôi biết Gerard Piqué sau thời gian cậu ấy ở United. Tôi biết kiểu tính cách của cậu ta là gì: ngoài sân, cậu ta có thể là một người xuề xòa, dễ dãi, nhưng trên sân, cậu ta là một nhà vô địch. Cậu ta là một nhà vô địch ở Barcelona. Những cầu thủ dưới quyền Pep cần ít sự thôi thúc hơn phần lớn những người còn lại. Có lẽ Pep đã đánh giá thấp khả năng truyền động lực của mình? Các bạn đã có thể thấy những gì mà anh ấy giành được với đội Barcelona, và các bạn sẽ cần sở hữu một tài năng đặc biệt để có thể duy trì được tính chiến đấu ở một trình độ cao như thế, để có thể thành công, trong một thời gian dài như thế. Nhưng tôi tin rằng anh ấy có đủ “vũ khí” để có thể chiến thắng một lần nữa. Rồi một lần nữa và một lần nữa.
Những gì mà Guardiola đã giành được trong bốn năm dẫn dắt Barcelona vượt xa thành tích của tất cả các huấn luyện viên từng làm việc ở Camp Nou trước đó, mà không ít trong đó là những tên tuổi lớn, ví dụ, van Gaal, Rijkaard hay Cruyff. Guardiola đã nâng một số khía cạnh của trò chơi này lên tầm cao mới, điển hình là lối chơi pressing; và phong cách chơi bóng kỷ luật được thể hiện ở Barcelona đã trở thành một đặc trưng ở tất cả những đội bóng của anh ấy. Pep đã tạo ra một văn hóa trong đó các cầu thủ hiểu rằng, nếu họ không làm việc chăm chỉ, họ sẽ phải rời khỏi câu lạc bộ. Tin tôi đi, làm được điều đó chẳng dễ đâu.
Dù bước đi tiếp theo của Pep sau thời gian nghỉ ngơi là gì, dù anh ấy có tới Premier League hay không, chắc chắn sẽ luôn có rất nhiều tin đồn xung quanh tương lai của anh ấy. Đã làm việc ở một đội bóng tuyệt vời như Barcelona, sẽ chẳng có nơi nào tốt hơn cho Guardiola dù anh ấy tới bất kỳ đâu. Chuyển sang một đội bóng mới sẽ chẳng giúp trút bỏ được chút áp lực nào khỏi Pep, cũng chẳng thể giảm được mức độ kỳ vọng xung quanh anh ấy. Thực tế là có đi tới bất kỳ đâu thì anh ấy cũng phải làm từng ấy việc: anh ấy sẽ là người quản lý; anh ấy sẽ phải quyết định cái gì là tốt nhất cho đội bóng của mình, trước hết là việc chọn lựa cầu thủ và chiến thuật. Đơn giản thế thôi. Theo cách hiểu ấy thì có tới chỗ nào cũng như nhau, bởi vì tất cả công việc huấn luyện viên đều đi kèm với áp lực. Tôi đã thành công với Manchester United trong nhiều năm, nhưng đừng nghĩ là đội bóng của tôi không có vấn đề – mỗi giờ, mỗi ngày tôi đều phải đối mặt và xử lý một hay vài vấn đề gì đó. Nó bắt nguồn từ thực tế chúng ta đang làm việc với những con người trong thế giới bóng đá. Có ti tỉ thứ phải lo lắng: người đại diện, gia đình, phong độ, chấn thương, tuổi tác, tính cách, cái tôi, v.v… Nếu Pep chuyển tới một đội bóng mới, anh ấy sẽ lại phải đối mặt với những vấn đề mà anh ấy đã phải đối mặt cho tới thời điểm này. Sự kỳ vọng cũng sẽ luôn bám gót anh ấy.
Vậy thì, tại sao? Tại sao anh ấy lại quyết định ra đi? Khi nhận được câu hỏi này trước lúc Pep thông báo quyết định của mình, tôi đã trả lời rằng chỉ có thằng ngốc mới bỏ dở công việc giữa chừng. Nếu anh nhìn vào Madrid, đội đã giành năm Cúp C1 trong giai đoạn cuối những năm 50 và đầu những năm 60, anh sẽ thấy là chẳng có lý do gì để nghĩ rằng Pep không thể làm được điều tương tự với Barca. Đó sẽ là một động lực mang tính cá nhân, nếu tôi có một đội bóng như thế. Và nếu tôi là Pep, rời bỏ đội bóng ấy chính là quyết định khó khăn nhất trong đời.
Sir Alex Ferguson
Mùa xuân, 2012
Tóm tắt
Sir Alex Ferguson, cựu huấn luyện viên của Manchester United, chia sẻ suy nghĩ của ông về quyết định rời Barcelona của Pep Guardiola vào năm 2012. Ferguson tin rằng Guardiola đã gặp phải áp lực quá lớn khi dẫn dắt một đội bóng vĩ đại như Barcelona, và anh ấy đã rời đi để tìm kiếm một thử thách mới.
Review
Cuốn sách “Pep Guardiola – Một Cách Thắng Khác” của Guillem Balague đã trích dẫn đoạn văn này của Ferguson. Ferguson là một trong những huấn luyện viên thành công nhất trong lịch sử bóng đá, và những lời nhận xét của ông về Guardiola rất đáng chú ý.
Ferguson tin rằng Guardiola đã đạt được những thành tích phi thường trong bốn năm dẫn dắt Barcelona. Ông đã giành được ba chức vô địch La Liga, hai chức vô địch Champions League và một chức vô địch FIFA Club World Cup.
Tuy nhiên, Ferguson cũng tin rằng Guardiola đã gặp phải áp lực quá lớn. Barcelona là một đội bóng có truyền thống lâu đời và thành công, và người hâm mộ luôn mong đợi đội bóng của họ giành chiến thắng. Điều này có thể tạo ra rất nhiều áp lực cho một huấn luyện viên.
Ferguson cũng tin rằng Guardiola muốn tìm kiếm một thử thách mới. Anh ấy đã giành được mọi danh hiệu có thể ở Barcelona, và anh ấy muốn thử sức ở một môi trường mới.
Kết luận
Đoạn văn của Ferguson cung cấp một cái nhìn sâu sắc về quyết định rời Barcelona của Guardiola. Nó cho thấy rằng Guardiola là một huấn luyện viên tài năng nhưng cũng phải đối mặt với rất nhiều áp lực.
Mời các bạn mượn đọc sách Pep Guardiola – Một Cách Thắng Khác của tác giả Guillem Balague.
Nguồn: https://www.dtv-ebook.com.vn