Chiếc tủ cổ từ thời Napoleon, tấm vé số trúng thưởng một triệu franc, viên kim cương xanh suốt hơn một thế kỉ được bao kẻ truy lùng, ham muốn… Bất kể chúng được cất giữ ở đâu, trong những tòa lâu đài kiên cố hay kề sát ngay bên chủ nhân, chỉ cần muốn, Arsène Lupin sẽ luôn có được chúng, với những mánh lới được tính toán chi li, tỉ mỉ. Bất lực trước những manh mối đi vào ngõ cụt, thanh tra Ganimard buộc phải nhờ đến sự trợ giúp của thám tử lừng danh người Anh Herlock Sholmès. Rốt cuộc màn đấu trí giữa bộ đôi thám tử – kẻ trộm nổi tiếng sẽ có kết quả ra sao?
Tiếp theo tập 1 Arsène Lupin – Quý ông kẻ trộm, tập 2 Arsène Lupin đối đầu Herlock Sholmès gồm 8 truyện. Nhân vật chính của truyện, ngoài Arsène Lupin và thanh tra Ganimard như ở phần 1, còn có thêm Herlock Sholmès (viết lái từ Sherlock Holmes) – một thám tử nổi tiếng người Anh. 6 truyện đầu thuật lại lần đối đầu thứ nhất giữa Arsène Lupin và Herlock Sholmes. Còn 2 phần truyện sau là lần đối đầu thứ hai của họ. Ra đời vào năm 1905 tại Pháp, nhân vật kẻ trộm Arsène Lupin được cho là đối lập với vị thám tử lừng danh Sherlock Holmes tựa như tà đối với chính, giang hồ phong lưu với chính nhân quân tử, bỡn cợt hài hước với lạnh lùng nghiêm túc. Chính vì thế, để đáp ứng sự trông đợi của độc giả, Maurice Leblanc đã cho vị thám tử người Anh xuất hiện trong truyện của mình dưới tên gọi được lái đi để tạo nên màn so tài vô tiền khoáng hậu giữa hai nhân vật trinh thám nổi tiếng nhất thế giới.
“Siêu trộm hào hoa”, “Hoàng tử đạo chích”, “Robin Hood của giới tội phạm”, đó là những mỹ danh được dành tặng cho một trong những nhân vật tiếng tăm nhất của dòng văn học trinh thám phiêu lưu nước Pháp: Arsène Lupin. Ra mắt độc giả vào năm 1905 dưới dạng truyện ngắn dài kỳ trên tạp chí Je sais tout, gã đạo chích thông minh, quyến rũ nhưng không kém phần hài hước và láu cá ấy đã khiến cảnh sát khốn khổ vò đầu bứt tai, cánh nhà giàu ngày đêm lo ngay ngáy vì mất của, còn công chúng thì thích thú tán thưởng và hồi hộp dõi theo những màn trình diễn đầy hấp dẫn và không thể đoán trước kết cục.
Serie Arsène Lupin gồm hai mươi tập truyện được viết bởi chính Leblanc cộng thêm năm phần tiếp đã được ủy quyền cho nhóm viết của Boileau-Narcejac thực hiện, cũng như nhiều tác phẩm khác phỏng theo. Nhân vật Lupin được giới thiệu lần đầu trên tạp chí Je Sais Tout qua một loạt truyện ngắn, bắt đầu từ số thứ 6, ngày 15 tháng 7 năm 1905. Ban đầu nhân vật mang tên Arsène Lopin, nhưng vấp phải sự phản đối từ một chính trị gia trùng tên, kết quả là “Lopin” đã bị đổi thành “Lupin”.
Arsène Lupin là một siêu đạo chích có tài hóa trang, một tên trộm quý tộc chuyên trộm đồ của nhà giàu trong khi núp bóng quý ông lịch thiệp. Nhân vật Lupin giống với Marius Jacob nên có khi được cho là dựa trên hình mẫu này.xuất hiện trong 12 tập truyện ngắn đã cho thấy đây là một nhân vật có thể sánh ngang cùng với các nhân vật khác như Holmes cua Conan Doyle, Hercule Poirot cuả Agatha. Hình tượng Lupin đã được nhiều bộ phim nổi tiếng lấy làm mẫu nhân vật như Kaito Kid trong bộ manga nổi tiếng Thám tử lừng danh Conan (tải eBook).
Vào ngày mùng Tám tháng Mười hai năm ngoái, ông Gerbois, giảng viên môn Toán trường Cao đẳng Versailles, trong khi lục tung một cửa hiệu đồ cổ đã khám phá ra chiếc bàn viết gỗ gụ khiến ông rất đỗi hài lòng, vì nó có vô số các ngăn kéo.
“Đúng là thứ thích hợp để làm quà sinh nhật cho Suzanne.” Ông nghĩ. Và vì ông vốn vẫn luôn luôn cố gắng đem đến những niềm vui giản dị cho con gái, phù hợp với thu nhập khiêm tốn của mình, ông hỏi giá, rồi sau khi mặc cả hết sức gắt gao, ông đồng ý trả sáu mươi lăm franc. Ông đang đưa địa chỉ cho người chủ cửa hiệu thì một thanh niên phục sức tao nhã, lịch duyệt trước đó đã xem xét các đồ vật khác – trông thấy chiếc bàn và ngay lập tức hỏi giá.
“Đã có khách mua rồi.” Người chủ cửa hiệu nói.
“A! Tôi đồ là ông này!”
Ông Gerbois cúi chào rồi rời khỏi cửa hiệu, khá hãnh diện được sở hữu một món đồ mà ngay đến một thanh niên quyền quý cũng chú ý, quan tâm. Nhưng chưa đầy mươi bước chân, chàng thanh niên đã vượt lên phía trước ông. Mũ cầm trong tay, anh ta nói với ông bằng giọng cực kỳ lịch thiệp: “Thưa ông, xin lỗi ông, tôi muốn hỏi ông một câu mà ông có lẽ sẽ cho là không phải phép. Câu hỏi là liệu ông có mục đích đặc biệt gì khi mua chiếc bàn viết đó không?”
“Không, tôi tình cờ bắt gặp và tự dưng thấy thích thôi.”
“Tuy nhiên ông không quá thích nó chứ?”
“Ồ! Tôi sẽ giữ nó, vậy thôi.”
“Vì nó là một món đồ cổ, có lẽ thế chăng?”
“Không, vì nó tiện lợi.” Ông Gerbois tuyên bố.
“Trong trường hợp đó, ông bằng lòng đổi nó lấy chiếc bàn khác cũng hoàn toàn tiện lợi như thế mà tình trạng còn tốt hơn?”
“Ồ! Chiếc bàn này đủ tốt rồi, và tôi thấy chả có lý do gì để đổi lấy chiếc khác.”
“Nhưng…”
Ông Gerbois tính khí dễ cáu kỉnh, nên ông đáp gắt gỏng: “Thưa ông, xin lỗi ông, ông đừng nài nỉ.”
Chàng thanh niên vẫn khăng khăng: “Thưa ông, tôi không biết ông đã trả bao nhiêu tiền, nhưng tôi xin trả ông gấp đôi.”
“Không.”
“Gấp ba.”
“Ô! Đủ rồi.” Ông thầy giáo kêu lên một cách sốt ruột. “Tôi không muốn bán nó.”
Chàng thanh niên nhìn ông chằm chằm theo cái cách khiến ông chẳng dễ dàng quên đi được, rồi vội vã quay bước.
Một tiếng đồng hồ sau, chiếc bàn được đưa đến nhà ông thầy giáo trên đường Viroflay. Ông gọi bảo con gái: “Cha có cái này cho con, miễn là con thấy thích.”
Suzanne là cô gái xinh đẹp, bản tính vui vẻ, nồng nhiệt. Cô ôm cổ cha, sung sướng hôn ông. Đối với cô, chiếc bàn trông đúng là một món quà hết sức vương giả. Buổi tối hôm đó, với sự giúp đỡ của người đầy tớ Hortense, cô kê chiếc bàn vào phòng mình, rồi cô phủi bụi, lau sạch sẽ các ngăn kéo, các hộc, cẩn thận xếp giấy tờ, bút, mực, thư từ, bưu thiếp, và vài món đồ lưu niệm của ông anh họ Philippe mà cô bí mật cất giữ vào các ngăn kéo.
Bảy rưỡi sáng hôm sau, ông Gerbois đến trường. Lúc mười giờ, theo thông lệ, Suzanne ghé đến chỗ cha, và ông sung sướng được trông thấy cái dáng mảnh mai, nụ cười thơ trẻ của cô con gái đợi mình ở cổng trường. Hai cha con cùng trở về nhà.
“Chiếc bàn viết của con… tình hình nó sáng hôm nay thế nào?”
“Tuyệt vời! Hortense và con lau những cái núm bằng đồng cho tới lúc chúng trông như làm bằng vàng ấy.”
“Vậy là con hài lòng với nó?”
“Hài lòng với nó ư? Ôi, con không biết làm sao con có thể sống không có nó suốt bao nhiêu lâu nay.”
Khi hai cha con đang đi trên lối dẫn vào nhà, ông Gerbois nói: “Chúng ta sẽ ngắm nó một chút rồi mới ăn sáng nhé?”
“Ồ! Vâng, ý tưởng tuyệt vời đấy ạ!”
Suzanne lên cầu thang, đi phía trước cha, nhưng đến cửa phòng mình, cô kêu lên đầy choáng váng, kinh ngạc.
“Có chuyện gì thế?” Ông Gerbois lắp bắp hỏi.
“Chiếc bàn viết biến mất rồi!”
Khi cảnh sát được gọi tới, họ sửng sốt trước cái cách đơn giản đáng thán phục mà tên trộm áp dụng. Trong lúc Suzanne đi vắng, người đầy tớ ra chợ, và vì thế ngôi nhà chẳng có ai trông, một gã đánh xe, đeo huy hiệu hẳn hoi – mấy người hàng xóm láng giềng đã trông thấy – dừng xe phía trước ngôi nhà, rung chuông hai lần. Tưởng Hortense ở nhà, những người hàng xóm chẳng hề ngờ vực, do đó gã kia tiếp tục hành động một cách êm thấm, lặng lẽ.
Ngoài chiếc bàn, ngôi nhà không mất mát gì nữa. Thậm chí chiếc xắc Suzanne đặt trên chiếc bàn đó cũng được đặt sang chiếc bàn bên cạnh, các thứ đựng bên trong hoàn toàn chẳng bị động đến. Rõ ràng tên trộm đã có ý đồ từ trước, điều này làm cho vụ việc bí ẩn thêm, vì tại sao hắn sẵn sàng liều lĩnh đến thế chỉ để đổi lấy một vật rất chi bình thường?
Manh mối duy nhất ông thầy giáo có thể cung cấp là sự kiện lạ lùng của buổi tối hôm trước. Ông khai: “Gã thanh niên vô cùng bực bội vì bị tôi từ chối. Tôi có cảm tưởng lúc gã bỏ đi, gã đã đe dọa tôi.”
Nhưng manh mối đó là một manh mối mơ hồ. Người chủ cửa hiệu không thể làm sáng tỏ gì vụ việc. Ông ta cũng không biết gã thanh niên kia. Còn về chiếc bàn, ông ta mua nó với giá bốn mươi franc từ một người thi hành di chúc ở Chevreuse, và tin tưởng rằng mình đã bán lại nó với giá phù hợp. Cảnh sát không điều tra ra kết quả gì hết.
Nhưng ông Gerbois cứ ôm ấp cái ý nghĩ là ông phải chịu một tổn thất hết sức lớn lao. Ắt hẳn đã có một gia tài được cất giấu trong một ngăn kéo bí mật, và vì thế mà gã thanh niên đã ra tay đoạt lấy nó.
“Cha tội nghiệp của con, chúng ta sẽ làm gì với cái gia tài đó chứ?” Suzanne hỏi.
“Con ơi! Với một gia tài như thế, hôn sự của con có thể vô cùng thuận lợi đấy.”
Suzanne thở dài đầy chua chát. Cô có ước ao ai hơn ông anh họ Philippe đâu, kẻ thực ra rất đỗi tồi tệ. Và cuộc sống trong ngôi nhà nhỏ ở Versailles này chẳng còn sung sướng, mãn nguyện như xưa.
Hai tháng trôi qua. Xuất hiện những sự việc liên tiếp đáng chú ý, vận may lẫn với bất hạnh khủng khiếp!
Ngày đầu tiên của tháng Hai, lúc năm rưỡi, ông Gerbois bước vào nhà, cầm trên tay tờ báo buổi chiều, ngồi xuống, giương mục kỉnh và bắt đầu đọc. Vì chẳng quan tâm đến chính trị, ông giở các trang bên trong. Ngay lập tức, ông chú ý tới một mục có đầu đề:
Tờ báo tuột khỏi tay ông Gerbois. Các bức tường xoay mòng mòng trước mắt ông, và tim ông không đập nổi nữa.
Ông đang giữ tờ vé số 514, series 23. Ông đã mua tờ vé số từ một người bạn nhằm mục đích giúp đỡ người bạn đó, chứ không hề có ý nghĩ sẽ trúng giải, và ngạc nhiên chưa, nó lại là con số may mắn!
Ông Gerbois hấp tấp rút cuốn sổ ghi chép ra. Phải, ông nhớ hoàn toàn chính xác. Con số 514, series 23, được ghi ở mặt trong bìa. Nhưng còn tấm vé xổ số!
Ông Gerbois lao tới bàn làm việc của mình, tìm chiếc hộp đựng phong bì đã cất tấm vé xổ số, tuy nhiên chiếc hộp không thấy ở đó, và ông bất chợt nhận ra ông không thấy nó ở đó đã vài tuần nay. Ông nghe thấy tiếng bước chân trên lối đi rải sỏi dẫn từ phố vào.
Ông gọi: “Suzanne! Suzanne!”
Cô vừa đi dạo về. Cô vội vã bước vào nhà. Ông Gerbois nghẹn giọng lắp bắp: “Suzanne… chiếc hộp… chiếc hộp đựng phong bì?”
“Chiếc hộp nào ạ?”
“Chiếc hộp cha mua ở Bảo tàng Louvre… một hôm thứ Bảy… nó được bày ở phía cuối bàn.”
“Cha, cha không nhớ à, chúng ta đã cất tất cả những thứ đó vào một chỗ với nhau.”
“Bao giờ?”
“Buổi tối hôm ấy… cha biết mà… đúng cái buổi tối hôm ấy…”
“Nhưng cất chỗ nào?… Nói đi, mau mau con!… Chỗ nào?”
“Chỗ nào ư? Ô kìa, trong ngăn kéo cái bàn viết ấy cha.”
“Cái bàn viết đã bị trộm?”
“Vâng.”
“Ôi, trời đất!… Trong cái bàn viết đã bị trộm!”
Ông Gerbois hạ giọng nói câu cuối cùng, với vẻ như choáng váng, ngơ ngẩn. Rồi ông tóm lấy bàn tay của cô con gái, hạ giọng hơn nữa, nói: “Một triệu trong đó đấy, con ơi!”
“Ôi! Sao cha chẳng nói với con?” Suzanne ngây thơ lẩm bẩm.
“Một triệu!” Ông Gerbois lặp lại. “Nó đựng tấm vé xổ số trúng giải nhất của Hiệp hội Báo chí.”
Mức độ khủng khiếp của tai họa áp đảo họ hoàn toàn, và hai cha con im lặng hồi lâu, không dám cất lời phá vỡ sự im lặng ấy. Cuối cùng, Suzanne nói: “Nhưng, cha ạ, người ta sẽ vẫn trả tiền cho cha thôi.”
“Bằng cách nào? Dựa trên chứng cứ nào?”
“Cha nhất thiết phải có chứng cứ ạ?”
“Đương nhiên.”
“Và cha không có chứng cứ gì?”
“Nó nằm trong chiếc hộp.”
“Trong chiếc hộp đã biến mất.”
“Phải, và bây giờ thì tên trộm sẽ lĩnh tiền.”
“Ôi! Cha ơi, thế thì kinh khủng quá. Cha phải ngăn chặn việc này.”
Ông Gerbois không nói gì một lát, rồi trong cơn bột phát sức lực, ông nhảy chồm chồm trên sàn, kêu lên: “Không, không, hắn sẽ không có được một triệu đó, hắn sẽ không có được! Sao hắn có được chứ? A! Khôn ngoan như hắn cũng chẳng thể làm gì. Nếu hắn đi lĩnh tiền, người ta sẽ gô cổ hắn lại. A! Bây giờ thì chúng ta cứ chờ xem, anh bạn quý hóa!”
“Cha, cha sẽ làm gì?”
“Bảo vệ quyền lợi chính đáng của chúng ta, cho dù là có chuyện gì xảy ra! Chúng ta sẽ thắng lợi. Một triệu franc đó thuộc về cha, và cha dự định lĩnh nó.”
Mấy phút sau, ông Gerbois đã đánh đi bức điện như sau:
Gần như cũng cùng lúc ấy, bức điện sau đây được chuyển đến Ngân hàng Tín dụng Nhà đất:
Mỗi lần tôi bằng lòng thuật lại một trong số những câu chuyện phiêu lưu mạo hiểm phi thường đánh dấu cuộc đời của Arsène Lupin, trong tôi đều xuất hiện cảm giác ngượng ngùng, xấu hổ, vì đối với tôi, có vẻ là các độc giả đã biết rất rõ những câu chuyện phiêu lưu mạo hiểm cũ rích ấy rồi. Thực tế, không một vụ việc nào do tên trộm của nhân dân (cái cách gọi hết sức phù hợp) tiến hành mà lại chưa được phổ biến rộng rãi tới quảng đại quần chúng, không một kỳ tích chói lọi nào mà lại chưa được nghiên cứu trên đầy đủ mọi phương diện, không một hành vi, hoạt động nào mà lại chưa được bàn luận cặn kẽ theo kiểu vốn vẫn chỉ dành cho những hành vi, hoạt động quả cảm, anh hùng.
Chẳng hạn, ai mà không biết câu chuyện kỳ lạ về Tiểu thư Tóc vàng, với các chương chứa đựng những tình tiết khác thường, được các báo chạy tít đen đậm, như Tấm vé xổ số 514, series 23!… Tội ác trên đại lộ Henri-Martin!… Viên kim cương xanh!…Người ta quan tâm chú ý vì có sự tham gia điều tra của viên thám tử lừng danh Anh quốc, Herlock Sholmès! Người ta thấy hồi hộp ly kỳ vì những cuộc chiến đấu chẳng lần nào giống lần nào giữa những nghệ sĩ tiếng tăm lừng lẫy ấy! Và sự chấn động trên đường phố mới lớn làm sao, cái ngày mà những thằng bé bán báo rao to: “Arsène Lupin đã bị bắt!”
Lý do để tôi nhắc lại những câu chuyện này vào thời điểm này là vì chính tôi sẽ cung cấp chiếc chìa khóa mở cánh cửa bí ẩn. Những chuyến phiêu lưu mạo hiểm kia dù ít dù nhiều từ trước tới nay đều bị một màn sương mờ bao phủ, và tôi bây giờ sẽ xóa tan đi màn sương mờ này. Tôi sao chép những bài báo cũ, tôi xem xét các bức thư xưa, tôi liên kết các cuộc phỏng vấn từng diễn ra, nhưng tôi đã sắp xếp, phân loại tất cả những thứ đó và quy chúng về sự thật hoàn toàn. Hợp tác với tôi thực hiện việc này chính là Arsène Lupin, ngoài ra có cả Wilson – người bạn cực kỳ tâm phúc của Herlock Sholmès nữa.
Hết thảy mọi người sẽ nhớ lại tràng cười dữ dội chào đón hai bức điện được công bố. Cái tên Arsène Lupin bản thân nó đã kích thích thói hiếu kỳ, hứa hẹn là trò tiêu khiển cho đám khán giả bình dân. Và, trong trường hợp này, đám khán giả bình dân chính là toàn bộ thế giới.
Ngân hàng Tín dụng Nhà đất ngay lập tức mở một cuộc điều tra và đã xác minh được những thông tin sau: Tấm vé xổ số 514 đã được văn phòng chi nhánh Versailles của Công ty Xổ số bán cho một sĩ quan pháo binh tên là Bessy, người sau đó tử vong do ngã ngựa. Trước khi qua đời ít lâu, ông ta có nói với các đồng đội của mình là đã bán lại tấm vé xổ số cho một người bạn.
Mời các bạn đón đọc Đối Đầu Herlock Sholmès của tác giả Maurice Leblanc.
Nguồn: https://www.dtv-ebook.com.vn