Bạn từng học tiếng Anh vài ba năm trở lên, đã lấy chứng chỉ B, thi TOEIC, thi cả Toefl nữa. Bạn sử dụng tiếng Anh khá thông thạo trong hầu như mọi tình huống bình thường, nhưng đôi lúc bạn vẫn cảm thấy mình thiếu một cái gì đó, một kỹ năng nào đó có thể giúp bạn nắm bắt được toàn bộ ý nghĩa của những câu nói hay bài viết bạn gặp phải hàng ngày.
Cuốn sách này dành riêng cho bạn. Nó không phải là sách hướng dẫn nghe hiểu hay đọc hiểu mà chỉ đề cập đến một phần nhỏ rất căn bản của kỹ năng hiểu tiếng Anh; làm sao giải quyết những khác biệt trong vỏ bọc hai ngôn ngữ để có thể hiểu tường tận mọi câu tiếng Anh, kể cả những hàm ý, những lối chơi chữ, óc khôi hài của dân Anh và những cách dùng mới của các câu thông dụng.
Lấy một ví dụ đơn giản nhất: nghe câu way to go! Bạn sẽ nghĩ nó dễ quá và không cần quan tâm. Rằng way là con đường to go là đi, vậy way to go là đi theo đường nào (?). Khá hơn, bạn có thể gắn cho nó một nghĩa đúng là có dùng trong thực tế: đường còn xa, còn lâu mới xong.
Nhưng thật ra way to go với dấu chấm than mang nghĩa tán thưởng, “Chà, hay quá!” Một nước cờ hay, một giải pháp tức thời, một cú banh tuyệt vời, tất cả được tán thưởng bằng câu “Way to go!”.
Một ví dụ khác: beats me. Trả lời phỏng vấn báo chí về dự báo thị trường máy tính cho đến năm 2015, chẳng hạn, một doanh nhân tuyên bố: “Beats me!” Trong trường hợp này, beat không còn mang ý nghĩa đánh đập nữa, người này chỉ muốn nói: “Tôi không biết”.
Hãy xét một ví dụ phức tạp hơn. Trong một bài báo viết về sự phục hồi của nền kinh tế Nhật Bản, tác giả viết: “Is Japan back and badder than ever?” Có bao giờ bạn thấy từ bad (xấu xa) dùng dạng so sánh là badder chứ không phải là worse chưa? Thật tuyệt! Nếu dùng worse câu đó sẽ vô nghĩa, kinh tế hồi phục sao lại xấu đi? Để diễn đạt ý Phải chăng nước Nhật đã trở lại [độc chiếm thị trường] và càng mạnh hơn bao giờ hết [trong vai trò lấn chiếm thị trường nước Mỹ]?, tác giả viết rất gọn và làm các nhà ngữ pháp chưng hửng rồi e phải gật gù khen hay, ghi vào một quy tắc ngoại lệ nữa. Thật ra trong ngôn ngữ tiếng lóng của Mỹ có từ bad (với dạng so sánh badder, baddest) mang nghĩa rất tốt, tài giỏi. Chứng kiến một cầu thủ thi đấu xuất sắc, nếu cổ động viên hét lên, “You’re bad” là họ đang khen đấy.
Hy vọng cuốn sách nhỏ này sẽ đem đến cho bạn những kinh nghiệm bổ ích, giúp bạn vượt qua những chướng ngại của rào cản ngôn ngữ.
Cái gì khó nhất?
Đối với câu hỏi, học tiếng Anh cái gì là khó nhất, phần lớn cho đó là cách đọc, cách phát âm. Một ít người nói ngữ pháp tiếng Anh rắc rối. Theo tôi, khó nhất với người Việt chúng ta khi học tiếng Anh là cách dùng từ.
Bạn thử nghĩ mà xem, người nào đã học qua tiếng Anh đều biết từ company là công ty. Thế nhưng xem phim, nhất là loại phim hình sự cảnh hai nhân vật ngồi trong xe bỗng một người nhìn vào kính chiếu hậu thốt lên, “We’ve got company” thì từ company qua cách dùng trong tình huống buộc ta phải hiểu là cái đuôi – Có kẻ theo dõi chúng ta đấy. Rồi company trong câu We’re judged by the company we keep lại có nghĩa bạn bè – Người ta thường xét đoán bạn qua bạn bè bạn giao du.
Tuyệt nhất là một quảng cáo sử dụng lối chơi chữ, gán luôn cho company cả hai nghĩa trên. Một công ty bao bì nổi tiếng viết: We aren’t just known for our company. We’re known for the company we keep. Từ company đầu tiên có nghĩa đen là tên tuổi công ty còn từ company trong câu sau vừa có nghĩa bạn hàng vừa có nghĩa công ty khác. Chúng tôi nổi tiếng không chỉ nhờ tên tuổi của công ty. Người ta còn biết chúng tôi qua các công ty bạn hàng của chúng tôi nữa.
Ở một mức độ khó hơn, ví dụ rather và fairly đều dịch là khá nhưng khi dùng trong câu chúng lại mang nghĩa khác nhau xa. We’re having rather cold weather for October – Tháng Mười mà thời tiết như thế này là hơi lạnh. Như vậy rather mang ý chê, thất vọng. Trong khi đó fairly mang ý khen, Oh, yeah, he’s fairly tall for his age. Cho nên nếu một em học sinh, đọc xong một bài tập và nói, “Oh, it’s fairly easy” sẽ khác với một em khác cho rằng bài tập đó rather easy. Có thể nói em đầu tiên khiêm tốn hơn và em thứ hai hơi chủ quan.
Phần lớn những trường hợp cách dùng từ ảnh hưởng đến câu văn đều được giải thích rõ trong các cuốn sách ngữ pháp biên soạn nghiêm chỉnh. Như từ must và have to. Ở mức sơ cấp, sách giáo khoa cho hai từ này là đồng nghĩa; đến mức cao hơn, sách sẽ cho những ví dụ để người học thấy sự khác nhau giữa hai từ. Ví dụ dễ nhớ nhất là một anh chàng đến nhà người yêu chơi, một lúc sau, nhìn đồng hồ và nói, “I’m afraid I have to go now” (vì hoàn cảnh khách quan như bận việc mà phải đi chứ anh ta không muốn về chút nào). Ngược lại, nếu anh ta nói, “I must go now” là anh này tỏ ý không muốn ở chơi nữa. Một cô thấy một kiểu áo mới đẹp quá và nói, “I must save money to buy this”. (Quyết định phải để dành tiền là ngay lúc đó). Nhưng một cô khác khi có ai hỏi vì sao lại tằn tiện đến thế bèn giải thích, “I have to save money to go to university”. (Quyết định dành dụm ít tiền để vào đại học là chuyện có chủ ý từ lâu).
Các cuốn từ điển biên soạn công phu đều có thêm phần gọi là Usage ghi rõ cách sử dụng từ nào đó khác biệt với những từ tương tự với nó như thế nào. Ví dụ hai từ đều có nghĩa là liên tục – continuous và continual. Nhưng continual loss of power during the storm có nghĩa là mất điện liên tục suốt trận bão (có điện rồi lại mất, rồi có rồi mất tiếp…). Còn continuous loss of power during the storm lại là mất điện hẳn suốt trận bão.
Ngược lại có rất nhiều trường hợp sự tinh tế trong cách dùng từ phải qua thực tế mới phát hiện ra. Ví dụ ai cũng biết housewife là người nội trợ nhưng đàn bà Anh, Mỹ rất ghét từ này, họ cho rằng nó hạ thấp vai trò của phụ nữ và thích dùng từ homemaker hơn. Hoặc có nhiều từ đổi nghĩa trong văn cảnh được dùng. It’s an inside job là gì bạn có thể đoán được không? Một công ty bị mất trộm, nếu có người tuyên bố như trên, ý anh ta nói có tay trong.
Trở lại loại từ thường dùng trong tiếng Anh đơn giản nhất nhưng gây khó khăn cho người học vì được dùng theo nghĩa mới, chúng ta có thể lấy bất kỳ từ nào bạn biết. Ai từng học tiếng Anh đều biết từ good. Nhưng nó được dùng trong câu sau thì phải dè chừng: I’m moving to Europe for good vì for good là thành ngữ mãi mãi, đi luôn. Ngay cả những cụm từ xem chừng vô hại như as good as tưởng đâu là thể so sánh bằng nhau nhưng thật ra chúng mang nghĩa hầu như, gần như. The US$2,000 motorbike is as good as new.
Hay cũng từ good dùng trong câu này có nghĩa tương đương với very hay completely: I’ll do it when I’m good and ready.
Như vậy, người học hay người sử dụng tiếng Anh cần tạo cho mình một thói quen luôn cảnh giác trước các từ đã học nhưng khi dùng trong câu không còn bóng dáng nghĩa quen thuộc cũ nữa. Đọc câu: “A top-of-the-range Yamaha two-stroke [motorbike] will be yours for the best part of US$6,000”. bạn phải mạnh dạn xem lại từ điển loại tốt thử best còn có nghĩa gì khác để hiểu đúng cả câu. Bạn sẽ học thêm nghĩa mới của cụm từ for the best part of là most, almost: Giá một xe Yamaha hai thì loại tốt nhất gần cả 6.000USD.
Ngay cả trong loại từ thương mại chúng ta cũng gặp những trường hợp này. Ai cũng biết trade là buôn bán, trao đổi, nghề nghiệp nhưng khi dùng với các từ down, up, in, on lại có những hàm ý khác nhau. Bạn có một chiếc xe, đem đổi lấy một chiếc tốt hơn, bù tiền thì dùng trade up, đổi xe cũ hơn, nhận một khoản tiền bù dùng trade down, còn trade in mang nghĩa chung chung, chỉ chú trọng việc đổi hàng cũ lấy hàng khác. Trade on mang nghĩa xấu: lợi dụng; như câu children of celebrities who trade on their family names.
Mời các bạn đón đọc Chuyện Chữ Nghĩa Tiếng Anh của tác giả Nguyễn Vạn Phú.
Nguồn: https://www.dtv-ebook.com.vn