“Nước lấy người làm gốc. Trong đó nhân phẩm có cao thấp không giống nhau. Trên có vua sửa sang chỉnh đốn việc nước, dưới có các sĩ phu: kẻ xuất người xử. Người hiền hay không có khác nhau, thì việc nước trị hay nước loạn do đó mà có khác… Nước Việt ta phong khí đã mở mang, khí tinh hoa đều hợp lại. Trong khoảng đó, các bậc minh quân kế tiếp nổi lên, danh khanh lương tá thường xuất hiện ra. Các danh tài tuấn kiệt đời đời đều có, hoặc có người được ghi công vào đỉnh vạc, hoặc có người lập công với lưỡi búa cờ mao, có người nổi tiếng ở làng văn, có người tỏ khí tiết trong lúc ngặt nghèo, đều là những người có nhiều tài năng đáng chép, có công nghiệp danh vọng đáng khen mà trên dưới một nghìn năm xuất hiện đều đặn…”. Khi soạn Các nhà chính trị việt Nam – trong bộ KỂ CHUYỆN DANH NHÂN VIỆT NAM – bên tai chúng tôi vẫn còn nghe vọng lại lời dặn dò xác đáng của nhà bác học Phan Huy Chú.
Trong khuôn khổ có hạn của một tập sách chúng tôi xin được bắt đầu từ Trạng nguyên Mạc Đỉnh Chi. Khi đi sứ, ông đã ứng đáp thông minh, linh hoạt, sắc sảo khiến cả vua quan phương Bắc phải khâm phục; khi về làm dân, ông đã có nhiều việc làm ích Nước lợi Dân được đời sau ngưỡng mộ. Tiến sĩ Nguyễn Bá Lân – người đã viết phú Nôm Ngã ba Hạc phú, góp phần thúc đẩy sự phát triển của thể loại này trong tiến trình văn học Việt Nam. Suốt đời làm quan ông đã để lại tấm gương liêm khiết, cương trực, không cúi đầu trước bạo lực đi ngược lại quyền lợi của nhân dân, do đó, không phải ngẫu nhiên mà sau khi ông mất được tôn làm Thành hoàng. Ở thế kỷ XVIII, lam sao có thể quên được La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp, người đã có quan niệm xuất – xử rạch ròi, có nhiều đóng góp trong nền giáo dục triều đại Tây Sơn. Rồi các nhân vật không chỉ lừng lẫy một thời, mà công đức của họ còn tạo dấu ấn ở thế hệ mai sau như nhà sử học, nhà chính trị Ngô Thì Sĩ, Trịnh Hoài Đức…
Một trong những nhân vật mà ta không thể quên là Tổng đốc Hoàng Diệu – người đã kiên quyết giữ thành Hà Nội trong trận đánh oanh liệt ngày 25.4.1882. Cho dù thất bại, phải chọn lấy cái chết để tỏ lòng trung hiếu với Dân với Nước, nhưng nói như GS sử học Đinh Xuân Lâm thì: “Chính cái chết oanh liệt của Hoàng Diệu đã có tác dụng thúc đẩy tức thời phong trào kháng chiến lên một bước, dẫn tới chiến thắng Cầu Giấy lần thứ 2 sau đó (19.5.1883), chỉ huy giặc Rivière đã phải đền tội”. Và cũng trong giai đoạn thăng trầm nhất của lịch sử nước nhà, chúng tôi còn đề cập đến Kỳ Đồng – một thần đồng nổi tiếng nhất Việt sử cận đại. Điều thú vị là nhân vật này đã đi vào tranh dân gian, đi vào trong tâm trí quần chúng với nhiều huyền thoại. Như chúng ta đã biết, dưới ngọn cờ chính nghĩa của anh hùng Đề Thám, nghĩa quân Yên Thế đã ròng rã đánh giặc hơn ba mươi năm trời. Trong lúc nguy khốn nhất, chính Kỳ Đồng là người đã lập đồn điền ở Chợ Kỳ với mục đích hỗ trợ vũ khí, lương thực cho Đề Thám. Lại có những người không trực tiếp xông pha hòn tên mũi dạn, nhưng đã thực hiện nhiều công trình văn hóa như nhân vật Trương Vĩnh Ký, người đã bày tỏ thái độ chính trị rạch ròi “Ở với họ mà không theo họ”. Đó cũng là cách lực chọn của nhiều sĩ phu thời ấy.
Khi ngọn cờ Cần vương đã kết thúc vai trò trên vũ đài chính trị nước nhà, nhiều đảng cách mạng đã ra đời nhằm tìm một đường hướng mới trong công cuộc cứu nước. Chúng tôi đề cập đến danh nhân Tôn Đức Thắng, được đời sau tôn kính gọi “Bác Tôn” – người cộng sản Việt Nam đã dũng cảm kéo cờ đỏ ủng hộ cuộc cách mạng tháng Mười Nga vang dội toàn thế giới, chính bác là người công nhân đã lập ra Công hội đỏ đầu tiên để rèn luyện, giáo dục giai cấp công nhân Việt Nam từ năm 1920. Đội ngũ của những người cộng sản đã góp phần tích cực trong công cuộc cứu nước, trong phạm vị tập sách này, chúng tôi còn đề cập đến nhà cách mạng Nguyễn Hữu Tiến – người đã có ý thức vẽ cờ của Tổ quốc; nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, bằng ý thức chính trị nhiệt thành, bằng tài năng lớn đã viết lịch sử dân tộc bằng âm nhạc, đặng qua đó đánh thức quần chúng ý thức và học tập tinh thần bất khuất của tiền nhân; nhà thơ Bút Tre người đã tạo nên “trường phái” thơ Bút Tre và có ý thức làm thơ là nhằm phục vụ cho công tác chính trị. Ông cũng là người đã ghi lại câu nói của Bác Hồ đã nói với Đại đoàn Quân Tiên Phong “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” để sau này chúng ta ghi nhớ và học tập.
Ngoài ra, chúng tôi còn viết về những nhân vật văn võ song toàn như đại tướng Nguyễn Chí Thanh, trung tướng Nguyễn Bình, thiếu tướng Nguyễn Sơn… Không chỉ là những nhà quân sự đầy tài năng mà họ còn là những nhà chính trị lỗi lạc đã có nhiều cống hiến nhằm xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân trong giai đoạn lịch sử khác nhau. Tất nhiên, chúng ta không thể không đề cập đến nhà chính trị, Tổng bí thư Lê Duẩn. Một trong những đóng góp quan trọng nhất của ông đối với lịch sử đấu tranh cách mạng Việt Nam là đã dự thảo Đề cương cách mạng miền Nam sau khi Hiệp định Genève được ký kết. Có thể khẳng định, bản Đề cương này đã có những đóng góp lớn cho sự ra đời của Nghị quyết 15 về đường lối cách mạng miền Nam – được của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khóa II) thông qua vào tháng 1.1959. Nhận thức này đã mở ra bước ngoặt cho cách mạng miền Nam phát triển từ thế giữ gìn lực lượng lên thế tiến công, đáp ứng yêu cầu mới của cách mạng, tạo bước nhảy vọt, mà đỉnh cao là phong trào Đồng khởi năm 1960 và tiếp tục dẫn đến thắng lợi vĩ đại 30.4.1975 thống nhất đất nước.
Cứu nước, canh tân đất nước không là công việc của riêng ai. Có những người dù không đúng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhưng nếu có những đóng góp to lớn vì Dân vì Nước thì người đương thời và thế hệ sau cũng đều ghi nhớ. Chúng tôi đề cập đến nhà hùng biện, nhà tư tưởng, nhà hoạt động cách mạng Nguyễn An Ninh – dám từ bỏ cuộc sống vương giả để dấn thân vào con đường tù đày đấu tranh cho quyền sống của người lao khổ. Nhà yêu nước Phan Thanh, là người chiến sĩ kiên cường chống lại thực dân Pháp bằng những hoạt động nghị trường có hiệu quả. Nhà cách mạng Phạm Tuấn Tài – một trong những người sáng lập Việt Nam Quốc Dân Đảng – sau này từ trong lao tù của thực dân, đế quốc đã đi đến với chủ nghĩa Mác – Lê Nin vì nhận ra đó là con đường tích cực nhất để giải phóng dân tộc. Đây là những nhân vật đã thể hiện rõ nét nhân cách mẫu mực của người cách mạng trong tù đày, lúc hiên ngang bước lên máy chém. Khí phách anh dũng này còn khiến thế hệ sau đời đời ngưỡng mộ. Tên tuổi họ sống mãi cùng hồn thiêng sông núi. Tuy nhiên, do khuôn khổ tập sách có hạn nên chúng tôi sẽ tiếp tục đề cập đến các danh nhân khác trong những tập sau.
Nhân đây chúng tôi xin được nhắc lại, bộ sách KỂ CHUYỆN DANH NHÂN VIỆT NAM do nhà thơ Lê Minh Quốc thực hiện đã phát hành các tập: Danh nhân quân sự Việt Nam, Danh nhân khoa học Việt Nam, Các vị Tổ ngành nghề Việt Nam, Danh nhân Sư phạm Việt Nam, Danh nhân văn hóa Việt Nam, Nam, Các vị nữ danh nhân Việt Nam, Những nhà cải cách Việt Nam, Danh nhân cách mạng Việt Nam, Những người Việt Nam đi tiên phong, Những nhà chính trị Việt Nam và sẽ còn phát hành các tập tiếp theo, mời các bạn tìm đọc. Để bộ sách thật sự hữu ích cho bạn đọc – nhất là các bạn thanh thiếu niên- chúng tôi rất mong được sự chỉ giáo, giúp đỡ chân tình của các học giả uyên bác, của các nhà sử học và của các bạn đọc xa gần để tập sách ngày một hoàn hảo hơn. Trước hết xin bạn đọc ghi nhận ở đây sự biết ơn sâu xa của chúng tôi.
Kể Chuyện Danh Nhân Việt Nam gồm có:
Mời các bạn đón đọc Kể Chuyện Danh Nhân Việt Nam: Các Nhà Chính Trị của tác giả Lê Minh Quốc.
Nguồn: https://www.dtv-ebook.com.vn