Không chỉ là một kiệt tác văn chương gây nhiều tranh cãi khi mới xuất bản, “Bức tranh Dorian Gray” còn là cuốn tiểu thuyết duy nhất của Oscar Wilde.
Lấy bối cảnh diễn ra vào thời Victoria ở nước Anh, Dorian Gray có vẻ ngoài cuốn hút, đã truyền cảm hứng cho Basil vẽ chân dung của anh. Đó là một bức chân dung kì lạ, nó thay Dorian Gray già đi, thậm chí khi Dorian Gray trở nên tệ bạc, xấu xa, bức tranh cũng trở nên tệ hại theo.
Cứ thế Dorian Gray giữ được vẻ ngoài suốt gần hai mươi năm, nhưng liệu giữ được vẻ ngoài hào hoa bất biến theo thời gian có thật sự là may mắn? Trút hết sự suy đồi của mình vào một bức tranh liệu có làm cho Dorian Gray hạnh phúc, hay đó lại chính là khởi đầu cho những bất hạnh ngấm ngầm bao phủ cuộc đời anh ta?
***
Trong lịch sử văn chương nhân loại có những cuốn sách được viết ra quá sớm so với thời đại của chúng, nên dường như vì thế mà chúng phải chịu trắc trở ngay từ những ngày mới chào đời. Ví dụ điển hình là Lolita của Vladimir Nabokov: Bị cấm ở nhiều nơi, không thể in ở Mỹ, nơi nó được sáng tác xong vào năm 1953, và phải xuất bản lần đầu ở Pháp vào năm 1955. Tuy nhiên, như đã biết, sau đó Lolita nhanh chóng trở thành một tác phẩm bán chạy hàng đầu của văn chương tiếng Anh, luôn được xếp hạng đầu trong các cuộc bình chọn, và đưa tác giả của nó trở thành một trong các nhà văn vĩ đại nhất nhân loại.
Trước đó hơn nửa thế kỷ, vào năm 1891, cũng từng có một kiệt tác văn chương chịu số phận gập ghềnh không kém, là Bức tranh Dorian Gray (The picture of Dorian Gray) của Oscar Wilde, nhà văn vĩ đại người Ai Len. Sau khi xuất hiện lần đầu vào tháng Bảy năm 1890 trên tạp chí Lippincott’s Monthly Magazine, mặc dù đã bị kiểm duyệt và bỏ đi khoảng năm trăm từ, nhưng cuốn sách này vẫn chịu phản ứng dữ dội từ giới phê bình văn chương Anh quốc, do đụng đến các vấn đề chưa được xã hội chấp nhận vào thời điểm ấy.
Phiên bản sách giấy của Bức tranh Dorian Gray được Oscar Wilde chỉnh sửa, bổ sung, viết thêm phần Lời tựa rất nổi tiếng, và cho nhà xuất bản Ward, Lock and Company in vào năm 1891.
Như vậy, tác phẩm này có hai phiên bản: một là bản 1890 với 13 chương và khoảng năm trăm từ bị kiểm duyệt, hai là bản 1891 với 20 chương và được in thành sách. Ngoài ra, năm 2011, Harvard University Press đã in lại bản 1890 với 13 chương nguyên vẹn không bị bỏ từ nào như Oscar Wilde viết từ đầu.
Bản dịch tiếng Việt này được làm theo bản 1891 của Ward, Lock and Company.
Mặc dù cuốn sách hiện nay đã nổi tiếng, được dựng thành phim và kịch, thậm chí Dorian Gray đã thành một thuật ngữ chỉ một hội chứng thời đại, nhưng tác giả của nó lại không được chứng kiến sự thành công của đứa con tinh thần của mình. Tác giả Bức tranh Dorian Gray phải chịu số phận bi thảm hơn nhiều so với tác giả Lolita, ông sống những ngày tháng cuối đời trong cô độc và nghèo khổ. Ngày 30 tháng Mười một năm 1900, ông qua đời vì bệnh viêm não tại Paris, khi mới 46 tuổi.
Cuốn sách đã đem lại cho Oscar Wilde nhiều bi kịch, biến ông trở thành nhân vật bị xã hội căm ghét, và không khó nhận ra sự phản kháng của ông trong phần Lời tựa khi tái bản nó, với những tuyên ngôn đầy ẩn ý như: “Không có những thứ như sách đạo đức và sách vô đạo đức. Sách được viết hay, hoặc viết dở. Chỉ vậy thôi.” Hoặc: “Sự đa dạng quan điểm về một tác phẩm nghệ thuật cho thấy rằng tác phẩm ấy là mới mẻ, phức tạp và sinh động.”
Tuy nhiên, thời gian là hòn đá thử vàng với nghệ thuật, không phải cái gì lấp lánh leng keng cũng chịu đựng được sự phán xét tàn nhẫn của thời gian. Năm nào cũng có vô số cuốn tiểu thuyết được viết ra, được ca ngợi bởi các nhà phê bình cũng như báo chí, thậm chí được các giải thưởng lớn nhưng không mấy cuốn còn lại được sau vài chục năm.
Và trong các cuốn sách trụ vững với thời gian ấy thì, cũng như Lolita, Bức tranh Dorian Gray đã được đánh giá như một trong các kiệt tác văn chương quan trọng nhất của nhân loại. Tình yêu đồng giới mà nó đề cập đến đã được chấp nhận rộng rãi trên thế giới, mặc dù cũng chưa thể nói là đã được coi là bình thường tại một số nước nhất định.
Tuy nhiên, chủ đề này chỉ là một điểm nhấn trong Bức tranh Dorian Gray, và ngay cả mô-típ bán linh hồn cho quỷ dữ cũng không phải là mới, mà chính kỹ thuật viết tuyệt đẹp đã đem lại sự thành công cho tác phẩm này. Vốn nổi tiếng như một tác giả của những câu văn hài hước, sâu sắc và đôi khi rất cay độc, Oscar Wilde đã đưa câu chuyện tưởng chừng rất khó viết cho tao nhã ấy thành một tiểu thuyết cực kỳ hấp dẫn không chỉ về số phận một nhân vật riêng lẻ, mà về bi kịch chung của thân phận con người. Ba nhân vật quan trọng nhất trong cuốn sách: Henry Wotton, Dorian Gray, Basil Hallward, theo Oscar Wilde, là ba phản thân của tác giả, là những hình ảnh mà thế gian nhìn nhận về ông; chính ông muốn mình sẽ trở thành, có thể, ở một thời đại khác; và ông nghĩ là của chính ông.
Thực ra cũng không ai biết ai trong ba nhân vật trên đây có nhiều tính Oscar Wilde hơn cả, vì không phải lúc nào con người cũng nhìn nhận được chính xác về mình, dẫu người đó có là một thiên tài chăng nữa.
Người viết những dòng này vốn hâm mộ Oscar Wilde từ khi còn là một cậu bé, và không thể phủ nhận rằng đã bị nhiều câu văn của ông ảnh hưởng phần nào đến cách tư duy, nên việc dịch Bức tranh Dorian Gray, tiểu thuyết duy nhất của ông, vừa là một chuyến trở về thế giới của bậc thầy, vừa là một nghĩa vụ cá nhân: Đưa kiệt tác này đến với tiếng Việt một cách hoàn hảo nhất, bằng tất cả những gì mà khả năng và thời gian cho phép.
Ba tháng dịch Bức tranh Dorian Gray đã đem lại cho người dịch nó những kỷ niệm khó quên, không chỉ trong mà còn ngoài cuốn sách. Có những chương dài và vô cùng phức tạp vì liên quan đến những kiến thức văn hóa và lịch sử cổ xưa của châu Âu, có nhiều câu văn đẹp đến mức không thể bỏ đi tiếp khi chưa thấy bản dịch thỏa mãn được chính người dịch, có những lúc mệt mỏi với sự đen tối không đáy của tâm hồn con người, có những lúc bật cười với sự hài hước đặc biệt của Oscar Wilde, có những lúc xao lòng với nỗi đau đằng sau một nụ cười nào đó, nhưng, trên tất cả, là niềm hạnh phúc vì đã, cùng với thần tượng của mình, tạo ra được một thứ tuyệt đối vô ích, chỉ vì mê nó đến cùng cực.
Thiên Lương
***
Biểu lộ nghệ thuật và che giấu nghệ sỹ là mục đích của nghệ thuật.
Nhà phê bình là người có thể tái hiện qua phong cách khác hoặc chất liệu khác các ấn tượng của mình về cái đẹp.
Hình thái phê bình cao nhất cũng như thấp nhất là một dạng tự truyện.
Những ai thấy nghĩa xấu trong cái đẹp là đã đồi bại song không nhờ thế mà khả ái hơn. Đó là tội trọng.
Nhưng ai thấy nghĩa đẹp trong cái đẹp thì đã biết tu dưỡng. Với những kẻ này thì vẫn còn hy vọng.
Họ là những kẻ được chọn lựa, những kẻ thấy cái đẹp chỉ đơn giản là đẹp mà thôi.
Không có những thứ như sách đạo đức và sách vô đạo đức.
Sách được viết hay, hoặc viết dở. Chỉ vậy thôi.
Sự căm ghét của thế kỷ mười chín với chủ nghĩa hiện thực là cơn thịnh nộ của Caliban khi thấy mặt mình trong gương.
Sự căm ghét của thế kỷ mười chín với chủ nghĩa lãng mạn là cơn thịnh nộ của Caliban khi không thấy mặt mình trong gương.
Cuộc đời đạo đức của con người tạo thành một phần chủ đề của nghệ sỹ, nhưng đạo đức nghệ thuật cốt ở sự sử dụng thành thạo một công cụ không hoàn hảo.
Không nghệ sỹ nào muốn làm sáng tỏ điều gì. Ngay cả những điều đúng đắn cũng có thể bị làm sáng tỏ.
Không nghệ sỹ nào có sự đồng cảm với luân thường đạo lý. Sự đồng cảm với luân thường đạo lý ở nghệ sỹ là một phong cách riêng tư không thể dung thứ.
Không nghệ sỹ nào từng bệnh hoạn. Nghệ sỹ có thể diễn tả mọi điều.
Tư tưởng và ngôn ngữ là các công cụ nghệ thuật của nghệ sỹ.
Sự đồi bại và đức hạnh là các chất liệu của nghệ sỹ cho nghệ thuật.
Từ quan điểm hình thái học, mẫu mực mọi nghệ thuật là nghệ thuật của nhạc sỹ. Từ quan điểm cảm xúc, ngón nghề của nghệ sỹ là mẫu mực.
Mọi nghệ thuật đồng thời là bề mặt và biểu tượng.
Những ai đi xuống dưới bề mặt đều làm liều.
Những ai đọc biểu tượng đều làm liều. Chính khán giả, chứ không phải cuộc sống, mới là cái mà nghệ thuật thật sự phản chiếu.
Sự đa dạng quan điểm về một tác phẩm nghệ thuật cho thấy rằng tác phẩm ấy là mới mẻ, phức tạp và sinh động.
Khi các nhà phê bình bất đồng, nghệ sỹ thống nhất với chính mình.
Ta có thể tha thứ cho kẻ tạo ra một thứ hữu ích chừng nào y còn chưa mê nó. Lý do duy nhất để bào chữa cho việc tạo ra một thứ vô ích là người ta mê nó đến cùng cực.
Mọi nghệ thuật đều tuyệt đối vô ích.
Oscar Wilde
***
Oscar Wilde, tên đầy đủ: Oscar Fingal O’Flahertie Wills Wilde, sinh ngày 16.10.1854.
Oscar Wilde là một nhà văn, nhà thơ, nhà biên kịch và phê bình nổi tiếng của Ireland. Năm 1871, ông học tại Trinity College (Dublin), sau đó học tại Magdalen College (Oxford, 1874-1878). Ở đây ông đã gặp và chịu ảnh hưởng của nhà văn, nhà phê bình Walter Pater (1839-1894) và ủng hộ phong trào ”nghệ thuật vị nghệ thuật”. Ông cũng chính là người khởi xướng việc giảng dạy phong trào nghệ thuật này.
Năm 1878, Oscar Wilde nhận giải Newdigate của Oxford cho bài thơ Ravenna. Năm 1884, Wilde kết hôn và cùng gia đình định cư tại Chelsea (London), tiếp tục viết và làm việc cho các tạp chí như Pall Mall Gazette và biên tập viên của Women’s world (1887 – 1889).
Ông xuất bản sách truyện cổ tích đầu tiên năm 1888 với tác phẩm The Happy Prince and Other Stories (Hoàng tử hạnh phúc và những câu chuyện khác). Ông sáng tác nhiều và thành công với lối viết tự nhiên, trong sáng. Ông cũng thành công với quyển tiểu thuyết duy nhất The Picture of Dorian Gray (1891). Sở trường của ông là biên kịch và với giọng văn trào phúng, châm biếm cùng với cách chơi chữ hóm hỉnh, ông đã sản xuất các phim hài như Lady Windermere’s Fan (1892), An Ideal Husband (1895) và The importance of being earnest(1895), Salomé (1896).
Năm 1895, Wilde bị buộc tội “có lối sống không đứng đắn” đối với hành vi “tình dục đồng giới” với 02 năm lao động khổ sai. Sau khi ra tù vào tháng 5/1897, ông đã dành phần đời còn lại của mình ở châu Âu, xuất bản “The Ballad of Reading Gaol” trong năm 1898. Ông qua đời tại Paris vào ngày 30 Tháng 11 năm 1900 vì bệnh viêm màng não.
Các tác phẩm đã được dịch và xuất bản tại Việt Nam
Mời các bạn đón đọc Bức Tranh Dorian Gray của tác giả Oscar Wilde & Thiên Lương (dịch).
Nguồn: https://www.dtv-ebook.com.vn