Tôi Tự Học (Thu GiangCON TÀU TRẮNG của Chyngyz Torekulovich Aytmatov là một câu chuyện buồn kể về một cậu bé có những ước mơ không ai hiểu được. Bố mẹ chia tay, cậu ở với ông ngoại Mômun già nua ở một trạm gác rừng hẻo lánh. Cậu bé sống bằng những món ăn đơn giản và tâm hồn chất chứa những những huyền thoại và truyền thuyết đẹp đẽ mà ông Mô-mun kể. Trong đó có câu chuyện về Mẹ Hươu Sừng.Theo truyền thuyết, Hươu sừng Maran đã cứu bộ lạc Kirghidi khỏi bị diệt vong và được coi là tổ mẫu của người Kirghidi. Đây là huyền thoại từ ông Mômun. Còn cậu bé cũng có một huyền thoại của riêng mình- Con tàu trắng”.Những khi trèo lên núi tìm bóng con tàu trắng, nó cứ mơ cái ngày nó bước xuống sông, biến thành cá và bơi ra biển, bơi thẳng ra chỗ con tàu trắng để gặp người bố làm thuỷ thủ của nó và bảo: Bố ơi, con là con của bố đây!” Nhưng cậu bé mơ mộng phải đối mặt với một thế giới không huyền thoại và đầy bạo lực. Ông ngoại bị ép phải bắn con hươu Maran mà cậu tin là Mẹ Hươu Sừng…Kẻ ép ông cậu bắn hươu tàn nhẫn hơn, đem cho cậu phần thịt xẻ từ con hươu Maran đã chết… Bi kịch đầu tiên xảy ra với ông già Mô mun.Vì cháu trai của ông “không hề ngờ rằng ông nó nằm đây để đền nợ về câu chuyện hoang đường của mình về Mẹ Hươu Sừng, rằng do bị cưỡng ép, ông đã giết chết những gì mà chính ông đã gieo vào tâm hồn thằng bé khiến nó suốt đời không quên – ông đã xúc phạm đến lòng tôn kính tổ tiên, đến lương tâm và những lời dạy bảo của chính ông, nó có biết chăng rằng ông làm việc đó là vì người con gái khốn khổ của ông, là vì nó, đứa cháu trai của ông…Và bây giờ, ngã gục vì đau xót và nhục nhã, ông già nằm như người bị giết, mặt úp sấp, không đáp lời thằng bé.” Bi kịch thứ hai xảy ra nặng nề hơn với cậu bé.”Không ai nhận thấy thằng bé từ trên giường tụt xuống và ra khỏi nhà. Nó vừa kịp rẽ vào góc nhà là ói mửa liền. Thằng bé vịn vào tường, rên rỉ, khóc qua làn nước mắt, nó nức nở nghẹn ngào, lẩm bẩm: Không, thà làm cá còn hơn. Ta sẽ bơi đi nơi khác. Thà ta làm cá còn hơn.” Cậu bé muốn đi tìm Con tàu trắng… Con tàu trắng như là một bài thơ dài.Sự băn khoăn, tiếc nuối và nỗi đau ẩn trong từng trang sách. Ngay cả ở nơi sơn cùng thủy tận ta cũng không còn chốn nương thân. Khi đối diện với cô đơn, cùng lúc có thể ta phải đối diện với sự hiển hiện của các ác làm tan vỡ mọi giấc mộng đẹp nhất. Dường như khi đau đớn và tổn thương hiện hữu, chỉ có sự tỉnh táo mới cứu nổi ta.*** Nó có hai huyền thoại. Một của riêng nó, không ai biết. Chuyện kia do ông kể. Rồi chẳng còn huyền thoại nào cả. Ở đây xin thuật lại câu chuyện đó. Năm đó nó vừa tròn bảy tuổi, mới lên tuổi thứ tám.. Mở đầu, nó được mua một chiếc cặp, chiếc cặp giả da mầu đen, có chốt kim loại bật tanh tách luồn qua móc gài. Có túi ngoài để đựng các thứ lặt vặt. Tóm lại là một chiếc cặp học trò hết sức bình thường mà lại rất lạ kỳ. Có lẽ mọi chuyện đều bắt đầu từ đó. Ông nó mua cái cặp ở ô tô bán hàng lưu động khi chiếc ô tô đó đến đây. Chiếc ô tô đó đưa hàng đến bán cho những người chăn gia súc trong núi, dôi khi cũng tạt vào trạm gác rừng của ông cháu nó ở hẻm Xan-Tasơ. Từ trạm gác này, khu rừng cấm qua các khe hẻn và các sườn dốc leo lên tận thượng nguồn. Ở xóm trạm gác chỉ có ba gia đình. Tuy vậy, ô tô bán hàng đôi khi vẫn ghé thăm những người coi rừng. Là một thằng bé duy nhất trong cả ba hộ, bao giờ nó cũng là người trước tiên trông thấy chiếc ô tô bán hàng. -Xe đang đến đấy, – Nó vừa gào ầm lên vừa chạy tới các cửa lớn và cửa sổ.- Ô tô bán hàng đến đấy. Con đường cho xe chạy tới đây khởi đầu từ ven hồ Ix xưc-Kun, luôn luôn qua các khe núi và bờ sông, toàn đá và ổ gà. Cho xe chạy trên con đường như thế không phải là dễ dàng gì. Đến núi Karaun, đường từ đáy lũng hẹp lên trên cao, rồi lại đổ xuống theo sườn núi dựng đứng trơ trụi, chạy dài mãi đếnn sân nhà những người gác rừng. Núi Karaun ở ngay cạnh xóm, mùa hè ngày nào thằng bé cũng chạy lên núi chiếu ống nhòm nhìn ra hồ. Ở đấy, bao giờ cũng nhìn thấy hết mọi thứ trên đường cái, rõ như trên lòng bàn tay: cả người đi bộ, cả người cưỡi ngựa, cà cố nhiên cả ô tô. Lần ấy vào một ngày hè nóng bức, thằng bé tắm trong cái đập nước của mình và từ đấy nó nhìn thấy chiếc ô tô tung bụi trên sườn dốc. Cái đập ở ria bãi sông, trên đá sỏi. Ông nó chất đá đắp nên cái đập ấy. Nếu như không có cái đập thì chưa biết chừng thằng bé đã mất mạng từ lâu. Thì có lẽ như bà nó nói, nước sông đã rửa trắng xương nó từ lâu và cuốn trôi tuột ra hồ Ix xưc-Kun, cá và các loài thủy tộc tha hồ mà ngắm nghía. Sẽ chẳng ai tìm kiếm và đau buồn xót thương nó. Bởi vì ai bảo đi nhảy xuống nước làm gì, vả chăng người ta cũng chẳng thiết gì nó lắm. Hiện thời chuyện đó chưa xảy ra. Chứ nếu xảy ra chuyện chẳng lành thì không chừng bà sẽ chẳng nhảy xuống cứu nó đâu, thật thế đấy. Nếu nó là máu mủ ruột thịt thì chẳng nói đằng này bà lại bảo nó là người dưng. Mà người dưng thì dù có nuôi nấng chăm sóc thế nào đi chăng nữa cũng vẫn cứ là người dưng. Người dưng nước lã…Ừ, nhưng nếu nó không muốn là người dưng thì sao? Tại sao chỉ có nó bị coi là người dưng? Có thể không phải nó, mà chính bà mới là người dưng thì sao? Nhưng chuyện ấy sau này sẽ nói, cả chuyện đập nước cũng để sau… Vậy là nó nhìn thấy chiếc ô tô bán hàng từ xa, chiếc xe đang xuống núi, bụi cuốn bốc lên đường theo sau xe. Thằng bé mừng quýnh lên, như thể là nó biết chắc là nó sẽ được mua chiếc cặp. Nó lập tức lên cạn, xỏ đôi chân gầy guộc vào ống quần, và người còn ướt nước, tái ngắt ( nước sông vẫn lạnh, nó chạy trên con đường mòn về sân, để là người đầu tiên báo tin người bán hàng đang tới. Thằng bé chạy nhanh, nhảy qua những bụi cây và chạy vòng qua những khối đá tảng nếu không đủ sức chạy qua, không dừng lại lấy một giây ở bất cứ chỗ nào: dù là bên những đám cỏ cao hay bên những khối đá, mặc dù nó biết đấy hoàn toàn không phải là những vật thông thường. Chúng có thể bực tức và ngáng chân cho ngã, “ô tô bán hàng đã đến rồi. Tớ sẽ trở lại sau.”- nó vừa chạy vừa nói với” Lạc đà nằm” (đấy là tên nó đặt cho khối đá hoa cương có bướu lún sâu dưới đất đến ngang ngực.. Bình thường, không bao giờ nó đi qua mà không vỗ vào bướu con “Lạc đà” của mình. Nó vỗ về con lạc đà như chủ vỗ về con vật, như ông nó vỗ về con ngựa thiến cộc đuôi của ông, nhân đi qua thì tiện tay làm thế thôi, như có ý bảo: mày đợi đây nhé, tao đi có việc một lúc. Nó có khối đá ’Yên ngựa”: khối đá nửa trắng nửa đen, đốm khoang, lưng oằn xuống có thể ngồi lên như cưỡi ngựa. Còn có khối đá “Chó sói”, rất giống con chó sói lông màu nâu đốm bạc, ót rất khoẻ, gồ trán nặng nề. Thằng bé thường len lén bò tới gần và nhắm bắn. Nhưng khối đá nó thích nhất là “chiếc xe tăng”- khối đá kiên cố vô cùng, ở ngay cạnh sông, chỗ bờ bị xói mòn. Nom cứ như “Chiếc xe tăng” sắp từ trên bờ lao xuống nước, bò đi và sông sẽ sủi réo, tung lên những đợt sóng nhào trắng xoá. Trên màn ảnh, xe tăng cũng từ trên bờ lao xuống nước và bò đi…Thằng bé ít được xem phim, nên nó nhớ như in tất cả những gì đã được xem khi ông đèo cháu đến xem phim ở trại quốc doanh nuôi vật giống, trại này thuộc địa khu lân cận, phía bên kia núi. Chính bởi thế trên bờ sông mới xuất hiện “Chiếc xe tăng” sẵn sàng lao xuống nước, vựơt qua sông. Ngoài ra còn có những khối đá khác, “có hại” hoặc “hiền từ”, thậm chí “ranh mãnh” hay “đần độn”.
Nguồn: https://thuviensach.vn