Tôi là ai? Không phải bây giờ là một Nghệ sĩ Nhân dân được nhiều người yêu mến, ở giai đoạn cuối đời không còn đứng trên sân khấu tôi mới tự hỏi mình như vậy, mà từ ngày còn thơ bé, vừa đủ trí khôn, tôi cũng đã nhiều lần tự hỏi. Câu hỏi không có lời đáp, nhưng nó đã theo tôi suốt tháng năm dài, luôn dằn vặt tâm trí tôi, lục vấn từ cõi lòng tôi một cách sâu thẳm. Tôi lờ mờ hiểu được rằng tôi là một người bình thường sinh ra trong cõi thế gian này với một số phận đã định sẵn, số phận ấy tôi không biết trước được nó sẽ đưa tôi về đâu, đi tới đâu. Một con đường thênh thang trước mặt hay là những khúc quanh nghiệt ngã của đời mình? Tôi sẽ lớn lên, học hành như bao cô gái khác, có người yêu ở lứa tuổi đẹp nhất một đời người. Rồi lập gia đình với người đàn ông mà mình yêu thương, sinh con đẻ cái, hưởng hạnh phúc hay gánh chịu những đau khổ đời thường? Tất cả những điều này đối với tôi là một khoảng không trắng xóa, không lời giải đáp, nó giống như màn ảnh rộng để chiếu một bộ phim trắng đen của ngày xưa cũ, phim dứt, trả lại cho khung vải trắng treo trên tường một bóng hình vô tận giống như ánh chớp bay qua bầu trời rồi mất tăm. “ Không ai chọn cửa để sinh ra ”. Cuộc sống vốn vô thường và câu nói này đã bắt đầu cho sự vô thường của đời người. Tôi là một đứa bé có gien nghệ sĩ trong máu và điều này không phải do tôi chọn, nhưng tôi đã từ bên trong cánh cửa này bước ra trước cuộc đời nhọc nhằn và cũng đầy mộng ảo. Nhọc nhằn với những cuộc chạy đua trên sông nước, những bến bờ ghé lại rồi đi. Nhọc nhằn với những chuyến xe bão táp, chở đầy ánh trăng thơ mộng của vinh quang hay ám ảnh hãi hùng. Tôi là ai? Cái tên Kim Cương không phải ngẫu nhiên mà cha mẹ tôi đặt ra để gọi cho đứa con gái đầu lòng vốn có cá tánh của đứa con trai từ khi chập chững biết đi, biết bi bô những tiếng nói đầu đời. Tôi đã may mắn sinh ra trong một gia đình có truyền thống sân khấu, từ bà nội tôi là cô Ba Ngoạn, chủ rạp Palikao, đến ba tôi là ông bầu Phước Cương, rồi má tôi, nghệ sĩ Bảy Nam, dì tôi là nghệ sĩ Năm Phỉ, người mà nghệ sĩ Ba Vân đã gọi là một thiên tài của sân khấu cải lương Việt Nam. Ba má tôi là đôi nghệ sĩ tài danh trên sân khấu, là đôi vợ chồng rất mực yêu thương nhau trong cuộc đời, nhất là khi cuộc đời đó trải qua những biến động thăng trầm của nghệ thuật cải lương thời kỳ khai mở và trôi theo dòng lịch sử của hai cuộc chiến tranh. “ Sân khấu cũng như cuộc đời ”, ai đã nói câu này tôi không biết nhưng khi sinh ra trong một gia đình nghệ sĩ, lại là nghệ sĩ tài danh mà theo như cụ Nguyễn Du đã nói cho thân phận Thúy Kiều: “ Chữ tài liền với chữ tai một vần ” thì tôi hiểu hơn ai hết sân khấu không chỉ giống như cuộc đời mà nhiều khi còn cay đắng hơn cả cuộc đời. Khi nói về gia đình tôi, nghệ sĩ Năm Châu bảo: “ Đối với gia đình lớn của Kim Cương thì Hát không phải là cái Nghề mà là một cái Đạo. ” Suốt đời, tôi đã đi theo cái Đạo ấy. Từ lúc còn trong bụng mẹ, má tôi đã mang tôi lên sân khấu. Khi tôi chào đời được mười tám ngày thì đúng vào lúc đoàn hát của ba tôi về Huế hát chầu nhân ngày sinh nhật nội tổ vua Bảo Đại. Đứa hài nhi mười tám ngày tuổi tên Kim Cương ấy đã làm con của Thị Mầu trong vở Quan Âm Thị Kính trên sân khấu Duyệt Thị Đường trong thành nội. Nên tôi viết hồi ký này cũng là để nhớ ơn những bậc tiền bối trong sân khấu, những người đã yêu thương đùm bọc, dẫn dắt tôi, đưa tôi vào nghề. Đó là các nghệ sĩ Năm Phỉ, Năm Châu, Ba Vân, Phùng Há, Duy Lân, và ba tôi – ông Nguyễn Ngọc Cương, má tôi – Nghệ sĩ Nhân dân Bảy Nam. Những người đã chấp nhận bao chông gai trên con đường đến với nghệ thuật để giờ này thế hệ của chúng tôi được đi tới với nghệ thuật trên con đường đầy hoa thơm cỏ lạ, hưởng đầy sự thương yêu quý trọng của mọi người. Khi bọn bắt cóc bắt đứa con trai lên năm tuổi của tôi, chúng kêu điện thoại đến hăm dọa đủ điều nhưng có một câu nói làm tôi suy nghĩ: “ Bà Kim Cương à, tôi với bà là hai con ốc trong hai bộ máy khác nhau. Cả hai chúng ta đều phải quay theo, không thể ngừng lại được. ” Như vậy, bộ máy của chúng là gì? Còn tôi, tôi là con ốc trong bộ máy nào vậy? Hồi mới giải phóng, người ta đồn tôi là “Thượng tá Việt Cộng”. Một dân biểu ra trước Quốc Hội tố rằng: Cộng Sản đã bỏ ra 200 triệu để Kim Cương làm Lá Sầu Riêng, cũng như sau ngày giải phóng chồng tôi đi học tập và đã bị gán cho là người của CIA gài lại. Rồi cũng có người lại cho rằng tôi sống rất buông thả, từng quan hệ tình cảm với nhiều tướng tá chế độ cũ. Những chuyện đó hư thực thế nào không thể nói vài lời mà hết được. Cuộc đời của một con người nào phải đơn giản như thế. Chính vì vậy mà hôm nay tôi muốn thưa chuyện cùng các bạn, có lẽ hơi dài dòng nhưng tôi tin ở tình cảm mà từ lâu nay các bạn đã dành cho tôi, cho những nhân vật tôi đã thể hiện trên sân khấu cũng như cho đoàn kịch nói Kim Cương từng tồn tại trong quá khứ. Tình cảm ấy rất lớn, rất đẹp và cao quý, nó khuyến khích tôi viết hồi ký này. Vì lòng tôi cũng thiết tha yêu mến các bạn, những khán giả của tôi nên tôi muốn đem cả tâm tình của mình, đem chuyện của cả cuộc đời mình ra tâm sự cùng các bạn như một lời tri ân với tất cả những gì tôi đã được hưởng trong suốt cuộc đời. Tôi được sống một đời nổi trôi từ nhỏ, đã từng nếm đủ vinh quang lẫn nhục nhã, nghèo đói lẫn giàu sang, hạnh phúc và bẽ bàng trong đời thường cũng như trong tình yêu. Tôi cũng may mắn (hay là rủi ro đâysinh ra và lớn lên trong một đất nước Việt Nam đầy bom đạn lửa khói, từ kháng chiến chống Pháp đến chống Mỹ, chứng kiến những tao loạn từ lúc còn là đứa bé con cho đến ngày thống nhất đất nước. Vì lẽ đó, cuốn hồi ký này có thể xem như một nhân chứng khiêm nhường bên dòng lịch sử vĩ đại của dân tộc, cho dẫu tôi có một chỗ đứng khép nép nào đó trong dòng chảy lớn của cuộc đời. Cuối cùng, trong khuôn khổ hạn chế của một cuốn hồi ký, dẫu viết nhiều đến đâu cũng không thể nào nói hết tường tận cuộc đời của một con người, nhất là người nghệ sĩ đầy phức tạp như tôi. Vì vậy tôi chỉ hy vọng nhận được sự cảm thông của quý vị. Nhân đây, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành đến những người bạn, người em đã hết lòng ủng hộ và giúp đỡ tôi ghi chép lại thành quyển hồi ký đang có trong tay các bạn. Đó là anh Đào Hiếu, mà tôi rất biết ơn và quý trọng. Đó là những người em hết sức dễ thương đã thu xếp thời gian bận rộn của mình để lắng nghe những câu chuyện lòng của cuộc đời tôi: Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt, nhà văn Võ Diệu Thanh, nhà thơ Ngô Hạnh, em Tạ Nguyễn Tấn Trương, em Thu Thủy, em Trần Thị Nhiễu. Tôi cũng gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Công ty Cổ phần Văn hóa Phương Nam, nhất là hai em Phan Thị Lệ và Phạm Uyên Nguyên đã hết lòng khuyến khích, động viên tôi hoàn thành quyển hồi ký này. Và đặc biệt sau cùng, tôi không thể nào diễn đạt sự biết ơn từ tận đáy lòng đến những khán giả mọi thế hệ, mọi tầng lớp, từ vùng quê đến thành thị, đã luôn tiếp cho tôi ngọn lửa đam mê nghệ thuật từ tình yêu vô cùng tận của các bạn đối với Kim Cương, cho dù tôi đang ở trong hoàn cảnh nào của dòng chảy lịch sử gần 80 năm trôi qua đời tôi.
Nguồn: https://thuviensach.vn