Khói Trời Lộng Lẫy

Khói Trời Lộng Lẫy

Tác giả:
Thể Loại: Văn Học Việt Nam
Nguồn: https://thuviensach.vn
PDFĐỌC ONLINE

Các truyện trong tập đều xoay quanh thân phận người phụ nữ. Nỗi buồn bao quanh họ: cô đơn, khao khát tình cảm gia đình, tình yêu. Không được hạnh phúc, đôi khi họ tỏ ra “cay nghiệt”, nhưng rồi sự cay nghiệt cũng không vượt quá sự mong manh yếu đuối vốn là bản chất của họ (như cô gái trong “Khói trời lộng lẫy” đã đánh cắp đứa em trai cùng cha khác mẹ để trả thù người cha bỏ rơi mình, để rồi cuối cùng lâm vào tình trạng tiến thoái lưỡng nan. Các nhân vật của Nguyễn Ngọc Tư được sinh ra để đi tìm nhau. Cho nên, cùng với nỗi mất mát, cô cũng cho họ những con đường, đó là lòng vị tha và một chút hy vọng. *** Nguyễn Ngọc Tư viết nhiều, đến mức người đọc luôn có cảm giác chị ăn ngủ trong không khí văn chương. Dường như mọi con đường chị đi qua, sẽ có lúc nào đó hiện lên trong văn chị, mọi con người chị gặp sẽ có một ngày bước vào truyện của chị. Kiểu như nhân vật Mười – người đàn bà không chịu tự mình tỏa sáng mà cứ phải lệ thuộc vào tình yêu của Cao Bồi. Nhân vật nữ mà kiểu gì tác giả cũng sẽ bị càm ràm, cho dù người viết có chục lần dự định cho chị tách khỏi tình yêu của đời mình, cũng sẽ chục lần không thực hiện được, bởi vì Mười sẽ không làm như thế. Và chỉ cần đôi chữ bóng gió viết rằng Mười đã mỏi mòn, nhân vật cũng sẽ lập tức phản ứng, tỉnh rụi bảo: “Đâu có”. “Tui không nghĩ nhân vật của tui có bóng dáng của tui, mà rất nhiều người hơi biết tui một chút đều nói văn tui với người… trớt quớt” – Nguyễn Ngọc Tư tự sự. Chị cho biết: “Văn của tui hoàn toàn chẳng có trải nghiệm gì của cá nhân mình trong đó, chẳng hạn như khi viết về cảm giác lòng tự trọng bị thương tổn của một người đàn ông phải chịu nhục trước bạn gái mình, tui hình dung ra thôi”. *** Phiên lớn từ bữa nó treo toòng teng trên võng hỏi, “ mẹ ơi, sao anh Thơ khùng có ba, còn con hong có? ”. -Có chớ con, ai cũng có ba hết. Ngay lập tức, trên môi thằng nhỏ có câu hỏi khác đã thập thò, và dấu chấm hỏi quăng ra bỗng như xóc ngược cái móc nhọn vào cổ tôi, nghe đau đến trợn trạo miếng cơm, “ vậy ba con đâu? ” Phiên không bao giờ để tôi nợ lại bất cứ câu hỏi nào của nó. Mà nó thì hỏi cho tôi nghẹt thở, cứng họng mới thôi. Nhưng tôi không muốn ngăn nó lại, bởi hỏi cũng là một vẻ đẹp. Mẹ ơi nước dưới sông chảy chừng nào mới xong, sao con chuồn chuồn này màu đỏ mà con kia lại đen, sao con chó Vện cũng già lại không có tóc bạc giống như ông Sáu? Trả lời muốn đứt hơi rồi, nhưng vừa dứt tiếng nó đã nhảy tọt vào câu hỏi mới. Hỏi và tin, và thích đào bới tận cùng. Hồi nhỏ tôi cũng tin có tận cùng. Nhưng mẹ tôi không có tận cùng nào cho tôi, bởi trong lòng mẹ cũng bị tình yêu bỏ lửng một câu trả lời. Lớn lên tôi đánh mất vẻ đẹp hỏi, tôi dần từ bỏ nó, xa lánh nó. Bởi càng lớn càng hoang mang trước cái gọi là tận cùng, hoặc không có tận cùng hoặc tận cùng là cái gì đó mơ hồ, nhưng buồn. Cảm giác đó tôi trải qua rồi khi đi tìm cha tôi, lần đầu. Giờ Phiên cũng đi tìm ba. Tôi kể có một người cha gánh trọng trách bảo vệ những đôi tay đẹp, những loài cây quý, những cái cây tỏa hương từ phiến gỗ chứ không cần đến hoa. Người xấu muốn cướp đôi tay của trẻ con để chúng khóc mà không có gì lau nước mắt, muốn đốn cây về chụm củi cho lửa… thơm. Anh ta phải chiến đấu với người xấu bao giờ xong mới về, mà có thể mãi mãi không về vì ngày càng có nhiều người xấu. Thằng Phiên ngồi mặt chảy ra, quần xoắn cao tới bẹn, đầu gối vượt khỏi lổ tai, ngẫm ngợi, “ tội nghiệp ba con thiệt, chắc ổng nhớ con…”.

Nguồn: https://thuviensach.vn