Chúng tôi xin chân thành giới thiệu với độc giả Việt Nam Đàng Trong, Lịch sử Kinh tế – Xã hội Việt Nam thế kỷ 17 và Xứ 18, luận án tiến sĩ tại Đại học Quốc gia Australia, có sửa chữa để xuất bản, của Li Tana. Bản tiếng Anh của luận án Nguyễn Cochinchina, Southern Vietnam in Seventeenth and Eighteenth Centuries, được xuất bản tại Hoa Kỳ năm 1998 bởi Cornell Southeast Asia Program. Tác giả là một nhà Việt Nam học khá quen thuộc trong giới nghiên cứu về Việt Nam, trong cũng như ngoài nước. Để thực hiện các công trình nghiên cứu của mình, tác giả đã lui tới Việt Nam nhiều lần, tham khảo các nguồn tư liệu tại Hà Nội cũng như tại thành phố Hồ Chí Minh, tiếp xúc và trao đổi với các nhà khoa học, tham dự nhiều hội nghị khoa học về Việt Nam… Tác giả đã xuất bản nhiều công trình khoa học về lịch sử Việt Nam. Riêng công trình nghiên cứu về Đàng Trong này đã được nhiều nhà Việt Nam học nổi tiếng như Alexander Woodside, David Chandler, Anthony Reid… đánh giá cao và coi như là một công trình nghiên cứu khoa học nghiêm túc. XỨ ĐÀNG TRONG Đề tài tác giả chọn để nghiên cứu trong công trình này là một đề tài khó vì liên quan tới một thời kỳ khá phức tạp trong lịch sử Việt Nam: sự hình thành, phát triển và gần như diệt vong của một xứ Đàng Trong của họ Nguyễn, trên một vùng đất mới, trong những hoàn cảnh mới và với những vấn đề mới… Lãnh vực tác giả đề cập tới và nhấn mạnh lại là lãnh vực kinh tế – xã hội, cho tới nay chưa được nhiều tác giả bàn tới một cách sâu sắc. Trong lãnh vực này, công trình của Li Tana, nếu chưa giải quyết một cách thỏa đáng những vấn đề được nêu, thì ít ra cũng đã là một gợi ý rất phong phú cho công việc nghiên cứu kế tiếp. Chẳng hạn vấn đề liên quan đến dân số của Đàng Trong vào các thế kỷ 17 và 18. Một vấn đề hầu như không thể giải quyết nổi nếu chỉ dựa vào những con số thống kê, những kết quả của các cuộc điều tra dân số, vốn rất hiếm hoi trong tài liệu của Việt Nam, kể cả của nước ngoài. Tuy nhiên, tác giả đã phá vỡ được sự bế tắc này bằng cách dựa vào số các làng, kích thước các làng nói chung, các thông tin về làng trong lịch sử Việt Nam. Đây có thể được coi là một đóng góp mới mẻ và quan trọng của tác giả trong lãnh vực nghiên cứu về dân số của Đàng Trong, hay của Việt Nam, trong quá khứ. Hai thế kỷ 17 và 18 lại cũng là thời kỳ “mở rộng cửa” của Đàng Trong đối với nền ngoại thương mà theo tác giả là nền tảng của sự sống còn của Đàng Trong dưới quyền họ Nguyễn, “gần bốn lần yếu hơn họ Trịnh ở Đàng Ngoài về mọi mặt”. Nói đến ngoại thương cũng là nói đến sự hiện diện của tàu bè và thương gia người Nhật, người Trung Hoa… và những người châu Âu như Bồ Đào Nha, Anh, Pháp, Hà Lan… vì đây cũng là thời kỳ người châu Âu ồ ạt kéo nhau sang buôn bán và đặt căn cứ tại Đông Nam Á. Nghiên cứu về hai thế kỷ này của Đàng Trong không thể bỏ qua các nguồn tư liệu, trong thực tế rất phong phú và đa dạng, của những người thuộc nhiều quốc tịch
Nguồn: https://thuviensach.vn