Trong thời đại Internet phát triển như hiện nay, bất cứ ai cũng có thể dễ dàng tìm được thông tin mình mong muốn, bao gồm cả những thông tin liên quan đến sức khỏe. Rất nhiều người tham khảo thông tin trên Internet để có cuộc sống khỏe mạnh. Tuy nhiên, trong vô vàn những thông tin đang được lan truyền trên Internet, liệu có bao nhiêu thông tin đã được kiểm chứng cẩn thận?
Việc sàng lọc trong một núi thông tin về sức khỏe tuyệt nhiên không hề dễ dàng. Hơn nữa, không hiếm trường hợp những thông tin chúng ta cứ đinh ninh là đúng nhưng thực chất lại gây nguy hiểm đến sức khỏe.
Tôi dám khẳng định rằng chất lượng của thông tin trên Internet không bao giờ tỉ lệ thuận với số lượng. Ai cũng có thể tiếp cận với thông tin mình mong muốn, nhưng việc phân loại và chọn lọc thông tin lại tùy thuộc vào mỗi cá nhân. Nếu so sánh với trước đây, một mặt chúng ta dễ tiếp cận với nhiều thông tin hơn, nhưng mặt khác cũng có người đánh mất thời gian, tiền bạc, thậm chí sức khỏe do chất lượng thông tin giảm sút.
Hậu quả của việc đánh mất sức khỏe là gì? Không chỉ riêng bạn hay tôi cảm thấy mệt mỏi, chúng ta còn trở thành gánh nặng cho gia đình và những người xung quanh. Vậy mà chúng ta vẫn cứ tùy tiện tiếp nhận và áp dụng những kiến thức sai lầm về sức khỏe, để rồi đến lúc phải hối hận.
Lấy một ví dụ, đã bao giờ bạn bị những liệu pháp ăn uống chữa bệnh hoặc những thông tin về sức khỏe đang thịnh hành hớp hồn chưa? Con người có thói quen tin vào những điều mình muốn tin. Dù phi lý và không thực tế, nhưng nếu đánh trúng vào những gì bạn mong muốn, bạn liền nhảy bổ vào tin luôn mà không cần xem xét. Vậy thì có cách nào để chọn lọc thông tin không?
Tiêu chí lựa chọn không biết chừng lại khá đơn giản. Đó là chúng ta phải kiểm tra xem thông tin đó có kết quả nghiên cứu chính xác chưa, có tác dụng phụ hoặc nguy hiểm không, những người thấy nó hiệu quả có đáng tin không, và có đúng với triệu chứng bệnh và cơ địa của bản thân không?
…